Trong thời gian vừa qua, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cảnh sát giao thông (CSGT), các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm nồng độ cồn trên cả nước, đặc biệt những thành phố lớn.
Lực lượng CSGT đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên ngành thực hiện cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia, giảm trên nhiều mặt.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp đã sử dụng rượu bia có nồng độ còn đã dùng nhiều cách đối phó với lực lượng chức năng để không bị xử lý.
Dắt xe qua chốt liệu CSGT có được thổi nồng độ cồn không?
Nhiều người sau khi sử dụng rượu bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đặc biệt, khi thấy chốt kiểm soát nồng độ cồn từ xa đã xuống xe, dắt bộ để đi qua chốt. Vậy CSGT có được kiểm tra, xử lý vi phạm trong những trường hợp này không là câu hỏi nhiều người còn thắc mắc?
Nhiệm vụ, quyền hạn của của lực lượng CSGT
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 16 Thông tư số 65/TT-BCA ngày 19/6/2020 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông có quy định: CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát khi trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Trong trường hợp này, nếu lực lượng CSGT phát hiện người điều khiển phương tiện có dấu hiệu vi phạm nồng độ bằng các biện pháp, kỹ thuật nghiệp vụ như ghi hình người đó đang lái xe, nhưng khi thấy chốt dừng lại để dắt xe... thì sẽ được tiến hành kiểm tra nồng độ cồn, nếu vi phạm sẽ xử phạt theo đúng quy định.
Đồng thời, hành vi điều khiển, nhưng thấy chốt kiểm tra nồng đồ cồn xuống dắt xe nhằm trốn tránh sự kiểm tra còn bị coi là hành vi đối phó sẽ bị xử lý tăng nặng về mặt vi phạm hành chính.
Trong trường hợp, người đã có nồng độ còn mà dắt xe toàn bộ quá trình từ quán về nhà, không lái xe thì sẽ không bị xử lý vi phạm giao thông.
Mức phạt nồng độ cồn
Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, các mức phạt vi phạm nồng độ còn hiện nay rất nặng, tăng nhiều so với trước đây, cụ thể đối với xe máy.
- Khi vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
- Nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 4 - 5 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
- Nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Bên cạnh đó, CSGT ngăn chặn hành vi vi phạm nồng độ cồn bằng việc tạm giữ phương tiện, sau đó ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.