Dấu ấn ẩm thực Hải Phòng tại Sài Gòn

Hoàng Ba Đình Thứ tư, ngày 26/10/2022 18:32 PM (GMT+7)
Hải Phòng là thành phố duy nhất tại Việt Nam hiện nay xây dựng thành công mô hình "food tour". Du khách đến Hải Phòng, có thể đi dạo để thưởng thức đủ món ăn ngon của thành phố cảng. Và tại Sài Gòn, nếu cần, vẫn có thể trải nghiệm "Hải Phòng mini food tour" với các món ăn đặc trưng.
Bình luận 0

Hải Phòng food tour đã trở nên nổi tiếng

Bánh đa cua Hải Phòng, nay đã quá nổi tiếng.

Bánh đa cua Hải Phòng nay đã quá nổi tiếng.

Nói về Hải Phòng food tour, thì phải hỏi cô Oanh Phùng, chuyên bán bánh mỳ pa tê ngay ga Hải Phòng. Cô Oanh Phùng cho biết: "Cứ mỗi cuối tuần, là dân Hà Nội lại kéo nhau về Hải Phòng để trải nghiệm food tour. Một trong những món khi họ thưởng thức đầu tiên chính là món bánh mỳ pa tê. Bánh nhỏ thôi, ngắn cỡ cây xúc xích, giá chỉ 5.000 đồng chứ mấy. Mỗi cuối tuần có khi tôi bán hàng ngàn chiếc".

Ngoài ra, theo cô Oanh Phùng, Hải Phòng còn có những món ngon khác như bánh đa cua, bún chả cá, bánh cuốn, xôi thịt… "Nói chung, Hải Phòng đồ ăn ngon, quy mô nhỏ, nên mới tổ chức food tour được. Chứ Sài Gòn, Hà Nội… không phải không có món ngon. Nhưng rộng quá, khó di chuyển để làm một food tour đúng nghĩa" – cô Oanh Phùng chia sẻ.

Ẩm thực Hải Phòng vang danh từ lâu

Thực ra, ẩm thực Hải Phòng đã có tiếng từ rất lâu rồi. Nhạc sĩ Phạm Duy đã có nhận xét về ẩm thực Hải Phòng khi ông ghé thành phố này vào tầm 80 năm trước. Theo ông viết trong hồi ký, đồ ăn Hải Phòng rất ngon, ngon không kém gì Hà Nội. Trong khi ông sống ở Sài Gòn tầm hơn 30 năm, nhưng trong hồi ký, lại chẳng thấy ông khen ẩm thực Sài Gòn lấy một câu.

Còn về dấu ấn của ẩm thực Hải Phòng tại Sài Gòn, phải hỏi những cụ cao niên. Ông Thịnh Lê cho biết: "Ngày xưa Sài Gòn có món mỳ La – cai nức tiếng. Mỳ La – cai tức nằm trên đường "Lacaze" tức đường Nguyễn Tri Phương ngày nay. Theo thời gian, hiện quán mỳ La – cai đó chính là tiệm mỳ Hải Ký hiện nằm trên đường Nguyễn Trãi (quận 5)".

"Trong đó, tên gọi Hải Ký, trong đó chữ "Hải" xuất phát từ "Hải Phòng". Bởi vì chủ tiệm là dân di cư từ Hải Phòng hồi trước 1954. Đến nay, tiệm này vẫn giữ nguyên hương vị mỳ của người Hoa theo kiểu Bắc. Đấy chính là sợi mềm, nước thanh, lại điểm thêm miếng nấm hương to bản" – ông Thịnh Lê nói thêm.

Đấy mới là "thực", còn "ẩm" thì ảnh hưởng gì đến Sài Gòn? Về "ẩm", ông Thịnh Lê cũng chia sẻ, Sài Gòn có món cà phê sữa đá. Cà phê thì có đủ cách pha, pha phin, pha ấm, pha vợt… Nhưng sữa phải là sữa đặc có đường. Hãng sữa đặc có đường ngày xưa vô cùng nổi tiếng đó chính là sữa Ông Thọ. Thực tế, sữa Ông Thọ được một người Hoa ở Hải Phòng nhập cảng vào Hải Phòng từ năm 1941. Đến năm 1955, ông này lại di cư vào Nam. Trước năm 1975, hầu như tất cả người Việt đều có lần được uống sữa đặc lon nhãn hiệu Ông Thọ.

"Nhờ món sữa đặc có đường mới có món cà phê sữa ngày nay. Ngoài ra, rất nhiều món ăn đường phố cũng có thành phần là sữa đặc có đường như sinh tố, trái cây dầm, cà rem… Chưa kể, đây cũng là thành phần không thể thiếu của nhiều món bánh. Vậy tính ra, ghé Hải Ký làm tô mỳ, lại ra quán uống ly cà phê sữa, đã là một food tour Hải Phòng ở ngay Sài Gòn rồi đấy".

Mini food tour Hải Phòng ở Sài Gòn

Vậy, giờ muốn làm food tour Hải Phòng ở Sài Gòn thì phải làm thế nào? Theo như anh Sơn Phạm (dân Hải Phòng) cho biết: "Cũng có đấy. Theo tôi, "tứ trụ" của ẩm thực Hải Phòng phải là: bánh đa cua, bún cá, bánh cuốn và pa tê. Bánh đa cua có thể tìm đến khu vực sân bay hoặc khu K300 (Tân Bình). Bún cá cũng có thể bán kèm trong những hàng bánh đa cua".

Một tiệm đặc sản Hải Phòng tại Sài Gòn.

Một tiệm đặc sản Hải Phòng tại Sài Gòn. Ảnh: H.B.Đ

"Còn với món bánh cuốn, khá khó tìm. Người Hải Phòng phân chia thành 2 loại: bánh mặn là bánh có nhân, bánh chay là bánh không nhân. Nước chấm bánh cuốn phải là loại nước mắm nấu kèm với nước ninh xương. Nước chấm là quan trọng nhất, nấu không đạt là không ra chất Hải Phòng đâu. Nước chấm đã ngon thì có thể ăn kèm với đủ loại chả, giò, chả lá lốt… Theo tôi ăn ngon nhất là ăn kèm với đậu rán giòn. Hiện tôi biết ngay K300 cũng có một quán bán y như vừa kể" – anh Sơn chia sẻ.

Theo anh Sơn, món pa tê Hải Phòng, nức tiếng nhất phải là pa tê Cột Đèn. Sở dĩ như thế vì món này từ một hàng pa tê nằm gần chợ Cột Đèn. "Hiện các hàng quán Hải Phòng tại Sài Gòn đều bảo là có bán pa tê Cột Đèn. Nhưng thực tế, họ chỉ tự nấu pa tê, nên hương vị không đảm bảo. Còn muốn ăn pa tê Hải Phòng chỉ có nước nhờ máy bay chở vào thôi" – anh Sơn nói.

Quán đặc sản Hải Phòng có món bánh cuốn đặc trưng.

Quán đặc sản Hải Phòng có món bánh cuốn đặc trưng. Ảnh: H.B.Đ

Cũng theo anh Sơn, cứ đến K300, đảo một vòng là có ngay Hải Phòng mini food tour. Nếu rảnh bước, sang đường Nguyễn Thái Bình gần đó, có thêm một hàng cháo lòng Hải Phòng. Nghe nói bà chủ nhà ở cầu Rào (Hải Phòng), nổi tiếng chua ngoa ăn to nói lớn, "vào là nhận ra chất Hải Phòng ngay".

Như vậy food tour Hải Phòng ở Sài Gòn có gì khác với food tour Hải Phòng ở chính Hải Phòng? Với câu hỏi này, anh Sơn ngẫm nghĩ rồi nói: "Khác chứ. Với food tour Hải Phòng ở Hải Phòng là dành cho khách phương xa đến thăm Hải Phòng. Trong khi food tour Hải Phòng ở Sài Gòn, lại dành cho những người con Hải Phòng xa xứ".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem