Dấu ấn của người 3 lần làm Tổng Bí thư

Lương Kết Thứ năm, ngày 09/02/2017 15:24 PM (GMT+7)
Trong hơn 60 năm hoạt động cách mạng, ông đã giữ nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng của đất nước như Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước) và đặc biệt là 3 lần giữ cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông là Trường Chinh (tên thật là Đặng Xuân Khu) quê ở Nam Định.
Bình luận 0

* Bài viết nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh (9.2.1907 - 9.2.2017)

Học trò xuất sắc của Hồ Chủ tịch

Theo PGS -TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), sau khi chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ (1939), trong nước thì địch tăng cường khủng bố, hầu hết các Ủy viên T.Ư bị bắt, bị giết, nhiều tổ chức đảng và quần chúng bị phá vỡ. Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (11.1940) cử ra chỉ còn lại có 3 người.

img

 Tổng Bí thư Trường Chinh đang thăm hỏi các chiến sĩ nông nghiệp tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc lần 2.    Ảnh:  TTXVN

Ông Trường Chinh lúc đó giữ cương vị quyền Tổng Bí thư đã cử cán bộ đi chắp nối liên lạc, khôi phục tổ chức. Sau đó ông cử người sang Quảng Tây (Trung Quốc) liên hệ và đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước. Phong trào cách mạng dần dần được khôi phục và củng cố, chuẩn bị lực lượng cho Cách mạng tháng Tám. Tại Hội nghị T.Ư 8 (tháng 5.1941 ở Pắc Bó, Cao Bằng), ông Trường Chinh đã được bầu làm Tổng Bí thư.

“Ở thời kỳ này, dấu ấn lớn nhất của ông Trường Chinh là đã cùng Hồ Chủ tịch đề ra đường lối cho cách mạng ở giai đoạn mới. Ông dự báo việc Nhật - Pháp sẽ đánh nhau và sớm chủ trì Hội nghị Thường vụ T.Ư Đảng ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Sau đó ông cùng Hồ Chủ tịch và các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta đã tập hợp toàn dân tộc làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945” - PGS Phúc đánh giá.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh cùng tập thể Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến đi tới thắng lợi. Quan điểm của Đảng về cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ được ông giải thích và phát triển trong tác phẩm nổi tiếng “Kháng chiến nhất định thắng lợi".

Ông Trường Chinh 3 lần đảm trách cương vị Tổng Bí thư của Đảng ta dưới 3 tên gọi khác nhau: Đảng Cộng sản Đông Dương (1941), Đảng Lao động Việt Nam (1952) và Đảng Cộng sản Việt Nam (1986).

Đến năm 1956, sau những sai lầm trong cải cách ruộng đất, ông Trường Chinh đã nhận trách nhiệm, xin từ chức Tổng Bí thư để nhận nhiệm vụ Trưởng ban sửa sai và hoàn thành nhiệm vụ này một cách nghiêm túc.

Người khởi xướng đổi mới

Theo PGS - TS Nguyễn Trọng Phúc, thời gian sau khi thôi giữ chức Tổng Bí thư, ông Trường Chinh vẫn được bầu giữ những chức vụ lãnh đạo khác như Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng.

Sau khi Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời, tháng 7.1986, tại Hội nghị đặc biệt Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Trường Chinh đã được tín nhiệm bầu giữ chức Tổng Bí thư của Đảng. Đây là giai đoạn đất nước đang đứng trước vô vàn khó khăn, thử thách. Trên cương vị Tổng Bí thư, ông đã sớm nhận rõ được xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước, yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân, để đề ra chủ trương đổi mới.

“Những quyết định quan trọng của Tổng Bí thư Trường Chinh, gắn với kết luận của Bộ Chính trị tháng 8.1986, đã đặt nền móng cho đường lối đổi mới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Thời gian đó đã có Báo cáo Chính trị nhưng nội dung vẫn theo tư duy cũ nên phải viết lại từ tháng 8.1986 đến tháng 12.1986” - PGS - TS Nguyễn Trọng Phúc cho biết.

Theo PGS Phúc, viết lại Báo cáo Chính trị là công việc hết sức khó khăn, ví dụ có đưa vào báo cáo nội dung chấp nhận kinh tế nhiều thành phần không, có ủng hộ chuyển sang cơ chế thị trường không, coi lợi ích kinh tế là động lực của sự phát triển không... đều phải tính toán hết sức kỹ lưỡng.

Sau đó báo cáo đi vào vấn đề cụ thể như ba chương trình kinh tế lớn cần tập trung giải quyết là lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Đó là những vấn đề rất thiết thực vừa giải quyết những cái cơ bản của cả thời kỳ quá độ và vừa đáp ứng những đòi hỏi trước mắt của nhân dân.

“Có thể đánh giá Tổng Bí thư Trường Chinh là người có vai trò to lớn, thậm chí quyết định đến việc hoạch định đường lối đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ VI” - PGS - TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh. 

GS-TS Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: Trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng, đồng chí Trường Chinh đã làm sáng tỏ những vấn đề lý luận căn bản nhất của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ. Trong những chặng đường cụ thể, đồng chí luôn phân tích, đánh giá đúng hoàn cảnh và yêu cầu của thực tiễn lịch sử, từ đó xác định được các nhiệm vụ cách mạng hợp quy luật, hợp lòng dân. Đồng chí Trường Chinh là tấm gương đạo đức cách mạng tận trung với nước, tận hiếu với dân, gần gũi đồng chí, đồng bào.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem