Sáng 9.2, tại Nam Định đã diễn ra Lễ mít tinh kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh (9.2.1907 - 9.2.2017). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước về dự.
Tổng Bí thư Trường Chinh là người khởi động công cuộc đổi mới đất nước.
Đọc diễn văn tại Lễ mít tinh, ông Đoàn Hồng Phong - Bí thư Tỉnh ủy Nam Định - cho biết: Tổng Bí thư Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ra trong một gia đình trí thức yêu nước tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định…
Sau khi điểm qua quá trình hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Trường Chinh, ông Đoàn Hồng Phong đã nhấn mạnh: “Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trường Chinh rất kiên định, phong phú và sôi động. Với cương vị 3 lần làm Tổng Bí thư, hơn 20 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, được phân công giữ nhiều trọng trách lớn của Đảng, Nhà nước; dù bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn hết lòng vì Đảng, vì nước, vì dân; vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách. Phẩm chất đạo đức cách mạng, trí tuệ và tài năng của đồng chí luôn tỏa sáng trong mọi hoàn cảnh; nhất là ở các bước ngoặt quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam”.
Đồng chí Trường Chinh đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư của Đảng lần đầu tiên vào năm 1941. Đây là thời điểm dân tộc ta ở trong thời kỳ vô cùng đen tối, đất nước ta trong hoàn cảnh một cổ hai tròng dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Nhân dân ta bị đàn áp dã man, cơ sở cách mạng bị khủng bố, tan rã hàng loạt; cán bộ, đảng viên bị bắt bớ, tù đày, bắn giết.
Quán triệt tư tưởng chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Bác Hồ, đồng chí Trường Chính đã rời Pắc Bó-Cao Bằng về xuôi trực tiếp chỉ đạo phong trào, đề ra sáng kiến lập hệ thống liên hoàn các An toàn khu.
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước dự lễ mít tinh. (Ảnh: VOV)
“Ngay sau đêm Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945), đồng chí đã chủ trì cuộc họp của Thường vụ T.Ư Đảng, ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” và ra chủ trương tiến hành tổng khởi nghĩa. Đồng chí đã cùng với Bác Hồ và T.Ư Đảng nhận định, phân tích chính xác tình hình, dự báo đúng diễn biến của thời cuộc, kịp thời chuyển hướng chiến lược, nắm bắt đúng thời cơ tiến hành Tổng khởi nghĩa, dẫn tới thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945” - Bí thư Tỉnh ủy Nam Định cho biết.
Nói về đóng góp của đồng chí Trường Chinh trong công cuộc đổi mới đất nước, ông Đoàn Hồng Phong đánh giá: Đồng chí Trường Chinh là “Tổng Bí thư của đổi mới”. Năm 1986, khi đồng chí Lê Duẩn qua đời, một lần nữa đồng chí Trường Chinh được Ban Chấp hành T.Ư Đảng cử làm Tổng Bí thư.
Đất nước ta lúc bấy giờ đang trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế - xã hội nặng nề; Đảng ta đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6. Trên cương vị Tổng Bí thư, với tầm nhìn xa trông rộng, với tư duy lý luận sắc sảo, nhạy bén và kinh nghiệm thực tiễn sống động, đồng chí Trường Chinh đã sớm nhận rõ xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước, yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân; đồng chí đã chủ động đề xuất với Bộ Chính trị chủ trương đổi mới đất nước.
“Qua quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Trường Chinh, chúng ta thấy ở trong đồng chí nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà lý luận, nhà hoạt động cách mạng đã hòa quyện vào nhau, đan xen, bổ trợ cho nhau. Không những thế, đồng chí còn là một nhà báo, nhà văn hóa, nhà thơ lớn có đạo đức cao đẹp, có trái tim trong sáng, có tri thức uyên thâm và hành vi mẫu mực…” - Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh.
Chiều 8.2, về thăm và làm việc tại tỉnh Nam Định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về dâng hương tại Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định - quê hương đồng chí Trường Chinh; dâng hương, dâng hoa tại tượng đài Tổng Bí thư Trường Chinh ở trung tâm thị trấn Xuân Trường.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.