Đấu giá biển số xe ô tô: 1 năm thu hơn 3.000 tỷ đồng, hiệu quả thấy rõ, nhưng vẫn còn "góc khuất"

Khải Phạm Thứ năm, ngày 05/09/2024 10:32 AM (GMT+7)
Sau 1 năm chính thức đấu giá biển số xe ô tô, đã có hơn 35.000 biển số được đấu giá và tổng số tiền thu Ngân sách Nhà nước hơn 3.000 tỷ đồng. Dù số thu Ngân sách lớn, nhưng người có nhu cầu thực sự sẽ phải chi số tiền lớn hơn để sở hữu những biển số trúng đấu giá khi đã "qua tay" dân buôn.
Bình luận 0

Đấu giá biển số xe ô tô: Nhiều kết quả tích cực sau 1 năm triển khai

Đấu giá biển số xe ô tô là chủ trương, chính sách lớn của Nhà nước đã được triển khai theo Nghị định 39/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Nghị quyết số 73/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô.

Phiên đấu giá biển số đầu tiên diễn ra vào ngày 22/8/2023, nhưng có quá nhiều người tham gia nên đã gặp sự cố hệ thống. Phía đơn vị tổ chức đấu giá đã phải khắc phục và phiên đấu giá đầu tiên chính thức đã diễn ra thành công vào ngày 15/9/2023.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Bộ Công an, tính đến ngày 4/9 (gần 1 năm), đã có 207 ngày đấu giá biển số xe ô tô trực tuyến chính thức.

Tính đến nay, đã có 1,2 triệu biển số được tổ chức đấu giá, hơn 35.500 biển số được đấu giá thành công với tổng giá trị tài sản đấu giá thành công 3.300 tỷ đồng và người trúng đấu giá đã nộp hơn 3.000 tỷ đồng vào Ngân sách Nhà nước.

Danh sách biển số trúng đấu giá ở mức cao nhất được người dân sở hữu gồm: 30K-999.99 trúng đấu giá ở mức 30,655 tỷ đồng, 51K-888.88 có giá 15,265 tỷ đồng, 30K-555.55 giá 14,495 tỷ đồng, 11A-111.11 là 8,78 tỷ đồng,..

Với những con số trên, có thể thấy việc triển khai đấu giá biển số xe ô tô là chính sách hết sức đúng đắn của Nhà nước. Việc này không những đáp ứng nhu cầu sở hữu biển số đẹp của người dân mà còn tăng thu Ngân sách Nhà nước, tránh thất thoát, giảm tiêu cực so với trước đây khi biển số vẫn được mua bán theo luật ngầm.

Đấu giá biển số xe ô tô: 1 năm thu hơn 3.000 tỷ đồng, nhiều cải tiến, nhưng vẫn còn "góc khuất" - Ảnh 1.

Đấu giá biển số xe ô tô sau 1 năm đạt được nhiều kết quả tích cực. Ảnh Khải Phạm.

Có một thực tế, những biển số siêu đẹp ngũ quý có mức giá trúng đấu giá cao gấp 3-4 lần so với giá thị trường khi chưa đấu giá trực tuyến. 

Đơn cử, trước đây những biển số như 51G-888.88 được gắn lên xe KIA Cerato được bán với giá hơn 3 tỷ (đã gồm cả xe khoảng 700 triệu đồng). Cũng biển số tương tự 51K-888.888, giá trúng đấu giá đến hơn 15 tỷ đồng. 

Điều đó cho thấy, nhu cầu sở hữu biển số siêu đẹp của người dân là vô cùng lớn và do mức độ hiếm nên nhiều biển số có mức giá cao.

Đấu giá biển số xe ô tô tại Việt Nam. Video Khải Phạm.

Đấu giá biển số xe ô tô: Nhiều thay đổi sau 1 năm, nhưng vẫn còn "góc khuất"

Nhìn lại thời điểm này của năm trước, trong thời gian đầu triển khai đấu giá biển số xe ô tô, vấn đề tồn đọng khiến nhiều người tham gia bất bình nhất là tình trạng đấu giá ảo, đẩy giá lên cao sau đó bỏ cọc. 

Những biển số từng phải đấu giá lại nhiều lần như 51K-888.88 từng được đại gia Thanh Hoá đấu giá đến hơn 32 tỷ đồng, 30K-555.55 bị đẩy lên hơn 20 tỷ đồng, đặc biệt biển số 30K-999.99 bị "thổi giá" lên đến 75,275 tỷ đồng... Điểm chung của những biển số trên khi người trúng đấu giá đều bỏ cọc và phải đấu giá lại nhiều lần mới tìm thấy chủ nhân.

Tình trạng đấu giá biển số "ảo" để đấy mức giá lên cao đã khiến những người tham gia đấu giá bức xúc. 

Đấu giá biển số xe ô tô: 1 năm thu hơn 3.000 tỷ đồng, nhiều cải tiến, nhưng vẫn còn "góc khuất" - Ảnh 2.

Nhiều biển số xe ô tô siêu đẹp bị đẩy giá "ảo" lên cao. Ảnh CMH.

Theo anh Nguyễn Hoàng Hải (Cầu Giấy, Hà Nội) - người tham gia đấu giá cho biết, để tránh tình trạng đẩy giá ảo, "đấu cho vui", đơn vị tổ chức đấu giá cần tăng số tiền đặt cọc với những biển số đẹp ngũ quý lên 500 triệu đồng, tránh tình trạng bỏ cọc. Còn với mức 40 triệu đồng, nhiều người sẵn sàng bỏ cọc khi không đủ khả năng trả cho biển số trúng đấu giá.

Sau gần 1 năm, tình trạng đấu giá "ảo", đẩy giá biển số lên cao rồi bỏ cọc gần như đã không còn khi hầu hết những người trúng đấu giá đều đã thanh toán đầy đủ để nhận biển số.

Người tham gia đấu giá cũng hy vọng tình trạng đấu giá "ảo" sẽ được chấm dứt hoàn toàn khi Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, có hiệu lực từ 1/1/2025. 

Theo quy định mới, có hiệu lực từ năm tới, người trúng đấu giá biển số xe có nghĩa vụ nộp đủ tiền trong 30 ngày từ khi có thông báo kết quả. Trường hợp không nộp đủ hoặc không nộp sẽ bị cấm đấu giá trong vòng 12 tháng.

"Việc này là hoàn toàn phù hợp bởi sẽ không có tình trạng đấu giá "ảo" với các mục đích khác nhau khiến những người tham gia đấu giá mất thời gian, công sức chờ đợi đấu giá biển số mà mình yêu thích", anh Hà Hoàng Hùng, dân buôn biển số cho biết.

Hiện tại, quy định về số tiền đặt cọc 40 triệu đồng, 100 nghìn tiền hồ sơ và bước giá 5 triệu đồng khi đấu giá biển số vẫn được giữ nguyên như lúc đầu.

Đấu giá biển số xe ô tô: 1 năm thu hơn 3.000 tỷ đồng, nhiều cải tiến, nhưng vẫn còn "góc khuất" - Ảnh 3.

Biển số đấu giá đang được bán với mức chênh lệch cao khi "qua tay" dân buôn. Ảnh FB.

Sau khi lắng nghe góp ý của những người tham giá đấu giá, cơ quan quản lý cũng như đơn vị tổ chức đấu giá đã thay đổi thể thức đấu giá trực tuyến. 

Theo đó, mỗi phiên đấu giá biển số xe ô tô sẽ chỉ có thời gian 25 phút thay vì 60 phút như cũ đã giúp người dân tiết kiệm thời gian mà vẫn đạt hiểu quả tối đa để người tham gia có thể trả giá phù hợp với tài chính.

Kể từ khi diễn ra đấu giá biển số, thêm một ngành nghề mới là buôn biển số đấu giá cũng trở nên thịnh hành ở Việt Nam.

Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 73/2022/QH15 về Quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe ô tô; người nhận chuyển nhượng, trao đổi, được tặng cho, thừa kế xe ô tô gắn biển số trúng đấu giá: "Không được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế biển số xe ô tô trúng đấu giá, trừ trường hợp chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế xe ô tô gắn biển số trúng đấu giá".

Tuy nhiên, các dân buôn vẫn tìm nhiều cách "lách luật" để mua bán biển số trúng đấu giá như bán biển số kèm xe. Điều đó khiến giá những biển số xe trúng đấu giá thường cao hơn vài chục đến vài trăm triệu đồng (tuỳ biển) khi "qua tay" dân buôn trước khi đến người dùng có nhu cầu thực sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem