Đâu là lý do khiến Bộ LĐTBXH điều tra tiền lương trong doanh nghiệp trên quy mô rộng?
Đâu là lý do khiến Bộ LĐTBXH điều tra tiền lương trong doanh nghiệp trên quy mô rộng?
Thùy Anh
Thứ bảy, ngày 10/08/2024 11:16 AM (GMT+7)
Để có những tính toán hợp lý về tiền lương, đồng thời có căn cứ để tăng lương tối thiểu vùng năm 2025, Bộ LĐTBXH đang lên kế hoạch điều tra tiền lương ở hơn 3.400 doanh nghiệp.
Chia sẻ với báo chí cuối tuần qua, đại diện Bộ LĐTBXH cho biết, bộ này sẽ tiến hành điều tra tình hình lao động, tiền lương tại 3.400 doanh nghiệp trên cả nước làm cơ sở để Hội đồng Tiền lương Quốc gia quyết định mức lương tối thiểu mới trong năm 2025.
Đây là đợt điều tra tình hình lao động, tiền lương trong doanh nghiệp có quy mô lớn nhất trong năm 2024. Theo đó, việc điều tra sẽ được tiến hành trên phạm vi 3.400 doanh nghiệp của 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước, có số lượng doanh nghiệp lớn, thị trường lao động phát triển.
Trong đó, hai địa phương có số lượng doanh nghiệp được khảo sát nhiều là Hà Nội với 700 doanh nghiệp và 1.400 lao động; TP.HCM với 800 doanh nghiệp, 1.600 lao động…
Bộ LĐTBXH cho biết việc điều tra này nhằm thu thập các thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh, lao động, tiền lương trong doanh nghiệp. Từ đó, cung cấp cơ sở cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu trong năm 2025 theo hoạt động của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.
Đồng thời, phục vụ công tác quản lý, công bố định kỳ mức tiền lương bình quân trên thị trường lao động, để doanh nghiệp, người lao động tham khảo, làm cơ sở thương lượng tiền lương.
Yêu cầu doanh nghiệp cung cấp đủ thông tin điều tra tiền lương
Để đảm bảo số liệu thống kê, Bộ LĐTBXH yêu cầu điều tra về lao động, tiền lương trong doanh nghiệp năm 2024 bảo đảm thực hiện đúng các nội dung quy định trong phương án điều tra.
Phạm vi, nội dung điều tra cần đầy đủ, thống nhất và không trùng chéo với các điều tra khác. Đặc biệt, bảo mật thông tin thu thập từ doanh nghiệp và người lao động theo quy định.
Theo quy định tại Bộ luật Lao động hiện hành, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Mỗi năm Hội đồng Tiền lương Quốc gia đều nhóm họp để tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu phù hợp, nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động.
Gần nhất, Hội đồng Tiền lương Quốc gia tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 74/2024. Theo đó, từ 1/7, tiền lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6% so với mức năm 2023, tương ứng tăng từ 200.000 đồng đến 280.000 đồng tùy từng vùng.
Cụ thể, tiền lương vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng thêm 280.000 đồng); vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng); vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220.000 đồng).
Trên thực tế, theo ghi nhận của PV Dân Việt, tiền lương các doanh nghiệp trả cho người lao động đang cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, tại một số vùng có điều kiện kinh tế đặc thù, vùng khó khăn, mức lương tối thiểu được khá nhiều doanh nghiệp áp dụng. Mức lương doanh nghiệp trả cho người lao động gần như chỉ bằng hoặc nhích hơn 1 chút không đáng kể so với mức lương tối thiểu vùng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.