Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an vừa đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cùng cấp truy tố 36 bị can trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (Công ty AIC) và một số đơn vị liên quan.
Trong Kết luận điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty AIC, đã lợi dụng sự quen biết với ông Trần Đình Thành, cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, để được ưu ái trúng 16 gói thầu, gây thiệt hại 152 tỉ đồng.
Để "thông thầu" Dự án Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, người phụ nữ này không tiếc tay chi tiền hối lộ cho quan chức tỉnh. Kết quả điều tra cho thấy, bà Nhàn cùng cấp dưới tại AIC nhiều lần chi hối lộ cho ông Thành với số tiền 14,5 tỉ đồng; Đinh Quốc Thái, cựu chủ tịch UBND tỉnh 14,5 tỉ đồng; Phan Huy Anh Vũ, cựu giám đốc BV đa khoa tỉnh là 14,8 tỉ đồng.
Đường đi của "tiền bẩn"
Thông qua lời khai của các bị can, trích xuất dữ liệu, sao kê tài khoản ngân hàng và nhiều biện pháp nghiệp vụ khác, cơ quan công an đã làm rõ nguồn gốc, cách thức, đường đi của các khoản tiền bất chính nêu trên.
Theo đó, bà Nhàn thành lập Ban Thư ký tài chính thuộc Công ty AIC, do Nguyễn Thị Thu Phương - hiện đã xuất cảnh khỏi Việt Nam làm trưởng ban. Ban này có chức năng thực hiện thu chi đối ngoại theo chỉ đạo của bà Nhàn. Việc thu chi đều có ghi chép sổ sách, cập nhật trên máy tính riêng của ban nhưng không hạch toán vào hệ thống kế toán của AIC.
Nguồn tiền Ban Thư ký tài chính có được là tiền từ các công ty "sân sau" chuyển về do ký các hợp đồng mua bán hàng hóa nâng khống giá trị; đồng thời ký các hợp đồng mua hàng hóa của các đối tác bên ngoài với giá cao, sau đó các đối tác ký xác nhận giảm giá chuyển tiền giảm giá cho ban.
Từ năm 2011 đến năm 2020, các nhân viên Công ty AIC nhận tiền từ Ban Thư ký tài chính để chuyển tiền vào tài khoản của Hoàng Thị Phương Anh, nhân viên Công ty TNHH Tư vấn Công nghệ và Thương mại tổng hợp Nam Bộ - do bà Nhàn thành lập, điều hành.
Tiếp đó, Phương Anh rút tiền mặt giao cho bà Nhàn và cấp dưới tại AIC chi tiền theo cơ chế "ngoại giao" cho lãnh đạo tỉnh, sở, ngành và chủ đầu tư. Trong số này, toàn bộ tiền mà bà Nhàn chi cho ba cựu quan chức Đồng Nai đều có nguồn gốc từ Ban Thư ký tài chính.
Đáng chú ý, cơ quan điều tra đã thu thập toàn bộ sao kê các tài khoản tại ba ngân hàng khác nhau của Hoàng Thị Phương Anh, qua đó xác định tổng số tiền các cá nhân đã chuyển vào lên tới gần 500 tỉ đồng.
Khai với công an, Hoàng Thị Phương Anh cho hay tiền sau khi chuyển vào các tài khoản sẽ được rút ra để trả lương cho nhân viên, chi phí văn phòng hoặc đưa cho lãnh đạo công ty để giải quyết công việc.
Phương Anh nhiều lần rút tiền để đưa cho bà Nhàn và lãnh đạo Công ty AIC, mỗi lần rút từ một đến năm tỉ đồng, không mở sổ sách ghi chép, cũng không biết tiền này được sử dụng vào mục đích gì.
Vẫn theo kết luận điều tra, trong giai đoạn 2014-2015, dự án BV Đa khoa tỉnh Đồng Nai được Trung ương bố trí cho tạm ứng vốn trái phiếu chính phủ và vốn kho bạc nhà nước với số tiền 666 tỉ đồng (trong đó vốn trái phiếu chính phủ bố trí vượt hơn 69 tỉ đồng so với mức quy định), tương ứng khoảng thời gian chủ đầu tư thanh toán cho Công ty AIC với số tiền 665 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Công ty AIC được xác định trúng thầu nhiều dự án có liên quan đến việc phân bổ nguồn vốn Ngân sách Trung ương. Do đó, để đảm bảo việc điều tra, kết luận tổng thể các dự án có liên quan, Cơ quan CSĐT Bộ Công an quyết định tách phần điều tra xác minh việc phân bổ, sử dụng, quyết toán nguồn vốn Ngân sách Trung ương để làm rõ và xử lý sau.
Những gói thầu "khủng" của AIC
Theo kết luận điều tra, Công ty AIC chuyên kinh doanh trang thiết bị y tế, là doanh nghiệp được cổ phần hóa từ một trung tâm xuất khẩu lao động trực thuộc công ty của Bộ Giao thông vận tải.
Bà Nhàn là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc AIC - công ty có vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 5 tỉ đồng, đến lần thay đổi thứ chín tăng lên 1.000 tỉ đồng.
AIC Group hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: y tế, môi trường, giáo dục, đào tạo nhân lực, khoa học và công nghệ, tham gia nhiều gói thầu cung cấp thiết bị dạy học, lắp đặt thiết bị xử lý nước thải và chất thải ở nhiều bệnh viện.
Dữ liệu từ hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Bộ Kế hoạch và đầu tư) ghi nhận những năm qua AIC Group đã trúng thầu hàng loạt dự án đầu tư công như gói cung cấp lắp đặt hệ thống thiết bị tiền kỳ, hậu kỳ, hệ thống thiết bị trường quay tọa đàm... thuộc dự án giải pháp tổng thể nâng cấp kênh truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam VOVTV từ tiêu chuẩn SD lên HD, giá trúng thầu 91,33 tỷ đồng hay như gói cung cấp lắp đặt thiết bị phần mềm cổng thông tin điện tử cho học viện trung tâm và 5 học viện trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, giá trúng thầu 30,09 tỷ đồng.
Thông tin từ hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cũng cho thấy, trong giai đoạn 2017-2018, AIC Group của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã trúng thầu một loạt gói thầu hàng trăm tỷ trong mảng tài nguyên môi trường tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Điển hình như gói thầu mua sắm thiết bị phòng thí nghiệm và thiết bị văn phòng, thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cao năng lực Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Bắc Ninh, do Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bắc Ninh mời thầu, giá trúng thầu 101,8 tỷ đồng.
Hay như gói thầu cung cấp thiết bị xử lý nước uống tại 162 trường học công lập, thuộc dự án đầu tư hệ thống xử lý và cung cấp nước uống tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 1, do Sở Giáo dục và đào tạo Quảng Ninh mời thầu, giá trúng thầu 34,5 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực bất động sản, thông tin giới thiệu trên trang aicgroup.com của AIC Group giới thiệu doanh nghiệp này đang triển khai hai dự án bất động sản quy mô lớn, đó là khu đô thị Phật Tích - Bắc Ninh, quy mô xây dựng khoảng 3.000 hecta, dự án khu đô thị Tân An, tỉnh Long An, quy mô xây dựng 500 hecta.
Cùng với việc mở rộng kinh doanh, AIC Group cũng ghi nhận tăng trưởng trong doanh thu và lợi nhuận, đặc biệt là trong giai đoạn 2016 – 2018.
Cụ thể, doanh thu của AIC tăng mạnh từ 4.422,9 tỷ đồng lên mức 6.075 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của tập đoàn này cũng được cải thiện qua từng năm, tăng từ 94,3 tỷ đồng lên 144,6 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2018, quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của AIC Group lần lượt đạt 5.243,1 tỷ đồng và 1.251,5 tỷ đồng.
Cập nhật tới tháng 9/2020, AIC Group có quy mô vốn điều lệ ở mức 1.350 tỷ đồng. Trong đó, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn góp 765,23 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ sở hữu chi phối với 76,5% vốn điều lệ.
Như vậy, trong giai đoạn 2016 - 2018, 76% - 84% tổng tài sản của AIC Group được tài trợ bởi nợ phải trả. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu dao động từ 10% - 12%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.