Xẻ sắt thép ra dầu
Cách đây 3 năm, một chiếc tàu chở gỗ bị bão đánh chìm ngay tại ngư trường khai thác hải sản của dân làng phong Quy Hòa. Con tàu bị nạn nằm lặng lẽ cho đến gần đây, UBND tỉnh Bình Định cho phép Công ty Kim Triều (trụ sở ở thành phố Quy Nhơn) được phá dỡ tận dụng sắt thép của con tàu bị nạn. Ngày ngày công ty cho 2 chiếc tàu chở thợ lặn ra "xẻ thịt" con tàu.
|
Ngư dân làng phong Quy Hòa và chài lưới khai thác tôm hùm giống bị bỏ xó trên bờ. |
Ngày con tàu bị "xẻ thịt" cũng là ngày ngư dân làng Phong, với hơn 60 gia đình, bị xua đuổi ra khỏi ngư trường quen thuộc từ bao đời của họ. Những ngư dân cụt rụt, bệnh tật biết thân phận của mình cũng đành dạt ra xa "công trường" phá dỡ tàu, chấp nhận tốn thêm chi phí đi vòng, kiếm được ít hơn tôm cá. Thế nhưng một tuần lại đây, những con người cam chịu đó đã bị đẩy dạt lên bờ, bị chặn hẳn con đường mưu sinh của mình.
Lý do là dầu loang. Không biết người của Công ty Kim Triều cưa xẻ thế nào mà dầu nhớt từ con tàu bị nạn loang ra, trùm lên mặt biển kéo dài nhiều km, phủ đen toàn bộ ngư trường của ngư dân làng phong.
Những ngư dân tội nghiệp cầu cứu đến lãnh đạo Bệnh viện Phong Quy Hòa. Bệnh viện cũng không biết cách nào khác là làm văn bản báo cáo lên chính quyền và Sở Tài nguyên - Môi trường yêu cầu can thiệp. Văn bản đã gửi, nhưng can thiệp kiểu gì thì chưa thấy ai trả lời.
Tận diệt môi trường
Chiều 22-9, ông Nguyễn Đức Toàn - Chủ tịch UBND phường Gềnh Ráng (Quy Nhơn), cho biết dầu loang đang làm khốn đốn hơn 100 gia đình ngư dân ở làng phong Quy Hòa và ngư dân địa phương (Gềnh Ráng). UBND xã đang có đơn báo cáo với các cơ quan chức năng cấp trên. Cùng ngày, ông Phan Thanh Đạm -Trưởng phòng TN-MT thành phố Quy Nhơn, cho biết đang cử cán bộ đến biển Quy Hòa kiểm tra. Theo ông, phòng sẽ có văn bản gửi lên trên đề nghị UBND tỉnh đình chỉ ngay hoạt động phá dỡ tàu chìm của Công ty Kim Triều và yêu cầu công ty này phải có biện pháp xử lý dầu loang và ô nhiễm môi trường.
Ngư dân làng phong Đồng Văn Thành thiểu não: Những bè chà, mẻ lưới của chúng tôi kéo lên chỉ toàn dầu vón cục đen sì và những con cá, con tôm chết thối rữa. Chúng tôi cố gắng đi thật xa, nhưng ghe của dân què chúng tôi không đi nhanh bằng tốc độ loang của dầu. Bây giờ có bắt được con cá lành lặn cũng không ai dám mua, bởi ai cũng sợ ăn phải con cá nhiễm dầu.
Vùng biển nơi con tàu chìm nguyên là "nồi cơm" của 1/3 số hộ dân làng phong Quy Hòa. Nơi đây tôm, cá không dồi dào nhưng cũng nuôi sống được những con người làng phong vốn không dám đòi hỏi gì nhiều. Đặc biệt, vùng biển này là nơi nhiều tôm hùm trú ngụ, sinh sản. Một nửa ngư dân làng phong chọn nghề đánh bắt tôm hùm giống làm kế sinh nhai.
Nghề này không cần nhiều vốn liếng, chỉ cần sắm 1 cái ghe nhỏ, cần thêm ít vốn nữa để mua những bó chà (loại cây bụi trên rừng) về kết dày thành bè rồi hàng đêm chong điện dẫn dụ tôm hùm giống vào để bắt. Sáng ra, mỗi con tôm hùm giống sẽ cho chủ bè từ 40.000-140.000 đồng tùy loại. Bám vùng biển này, dân làng phong không sợ đói, tất nhiên giàu cũng không.
Bà con năm nào cũng cúng biển, coi vùng biển này như là một đặc ân mà trời đất còn dành cho những thân phận bất hạnh. Nhờ vùng biển này mà những phụ huynh thiếu chân, khuyết tay có thể nuôi được con ăn học đến nơi đến chốn, giúp thế hệ con trẻ có điều kiện hòa nhập với cộng đồng.
Bây giờ tất cả đã chấm dứt. Dầu từ con tàu đắm lan rộng khắp biển, đóng cả vào những bó chà và bè nhử tôm. Dầu nhiều đến đặc quánh, bám vào đáy những chiếc ghe và những mành lưới. Sóng đánh dầu dạt vào bờ, kết thành cục nằm dày trên bãi cát. Vùng biển trước đây nhiều tôm cá là vậy mà bây giờ tịnh không còn 1 bóng bởi chúng không thể sống chung với dầu.
"Cuộc hủy hoại tàn bạo môi trường tự nhiên và nguồn sống của những người khốn cùng như chúng tôi này đến bao giờ mới chấm dứt, chẳng lẽ không có cơ quan chức năng nào trả lời hay sao?" - ngư dân Thành hỏi trong nước mắt.
Võ Gia Bảo
Vui lòng nhập nội dung bình luận.