Đau lòng cô trò lớp 8 bán tóc nuôi mẹ thần kinh

Chủ nhật, ngày 28/07/2013 13:50 PM (GMT+7)
Bố bỏ đi biệt tích, mẹ bị thần kinh, cuộc sống nghèo khổ, bi đát, em Lâm ngậm ngùi bán mái tóc mà mình nuôi dưỡng suốt nhiều năm trời để lấy 150.000 đồng về mua thuốc cho mẹ.
Bình luận 0
Số phận bất hạnh

Theo chân anh Nguyễn Hồng, (người dẫn đường) chúng tôi vượt hơn 20km đường rừng để đến nhà cô bé Lê Thị Lâm (học sinh lớp 8A, Trường THCS Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) hiếu thảo. Ngôi nhà mái lá tồi tàn nằm giữa đồi vắng, trông như chiếc lều canh vịt ấy, không ngờ đó lại là nơi ở của 4 mẹ con bé Lâm.

Trong nhà chẳng có thứ gì đáng giá ngoài chiếc giường tre ọp ẹp. Anh Hồng chỉ người đàn bà đang ngồi trong xó nhà, mắt nhìn vào khoảng không vô định nói: “Đó là chị Vân mẹ bé Lâm. Chị ấy bị phát bệnh thần kinh đã mấy năm nay. Còn 3 đứa con giờ này chắc đang ra đồng mò cua, bắt ốc rồi”.

Chúng tôi lại gần hỏi chuyện, chị trả lời rất tỉnh táo, nhưng được một lúc thì chị nói chuyện nọ xọ sang chuyện kia. Chúng tôi phải hỏi những người thân và anh em xóm làng mới chắp nối khá đầy đủ hoàn cảnh của gia đình chị.
Em Lâm cùng mẹ và em út trước túp lều rách nát của mình
Em Lâm cùng mẹ và em út trước túp lều rách nát của mình
Chị tên đầy đủ là Trịnh Thị Vân (sinh năm 1973). Cuộc đời của chị cũng lắm bất hạnh và mang nhiều uẩn khúc xót xa. Mồ côi bố từ khi còn nhỏ, mẹ bị bệnh thần kinh, 5 chị em Vân tự nuôi nhau trong khổ cực mà lớn lên.

Năm 17 tuổi, chị Vân vào miền Nam làm thuê và gặp anh Lê Văn Hồng quê ở xã Thanh An, cùng huyện. Hai người sống với nhau và có 3 mặt con. Khi con cái lớn lên, việc làm ăn của hai vợ chồng rất khó khăn nên họ dắt díu nhau về quê. Họ dựng túp lều tranh nơi xã Thanh An để ở. Trước đó, anh Hồng cũng một đời vợ và 2 đứa con.

Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Mai - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Thịnh - cho biết: “Hoàn cảnh của em thật đáng thương. Xóm, chính quyền địa phương và nhà trường cũng đã quyên góp ủng hộ, nhưng cũng chỉ ở mức độ nào đó. Hoàn cảnh của mẹ con em Lâm đang rất cần sự giúp đỡ, động viên, chia sẻ của các cá nhân, đơn vị, các nhà hảo tâm để cháu có thể tiếp tục học tập”.

Nhưng rồi tai họa ập xuống, anh Hồng bị tai nạn giao thông gãy chân, phải nằm điều trị hàng tháng trời. Gia cảnh ngày càng lâm vào khánh kiệt. Hơn 2 tháng nằm viện, anh Hồng bỗng trốn viện và đi biệt tích từ đó cho đến nay.

Hơn 8 năm trôi qua nhưng 4 mẹ con chị vẫn không biết anh hiện ở đâu. Khi chồng bỏ đi, chị Vân phải bồng bế 3 đứa con về xã Thanh Tịnh, nương nhờ đằng ngoại. Anh chị em bên ngoại ai cũng nghèo, nhưng họ vẫn san sẻ cho mẹ con chị miếng đất đồi và dựng cho căn nhà lá để mẹ con tá túc.

Một mình chị Vân, xoay như chong chóng, nào vào rừng hái củi, làm thuê, làm mướn, ra đồng bắt cua, bắt ốc để bán kiếm tiền nuôi 3 đứa con ăn học. Nhờ trời, chúng cũng ham ăn, chóng lớn và sớm biết đỡ đần mẹ mọi công việc.

Nhưng rồi tai họa vẫn chưa buông tha, năm 2008 chị bỗng dưng phát bệnh thần kinh và vừa qua chị Vân còn bị thêm bệnh viêm đại tràng, viêm cột sống và thoái hóa đốt sống lưng nên hằng ngày phải uống thuốc nhiều hơn ăn cơm. Từ đó đến nay chị lấy bệnh viện làm nhà. Đứa con gái đầu Lê Thị Giang (SN 1997) đang học dở lớp 10 phải bỏ học để chăm sóc mẹ ở bệnh viện.

Khi bệnh tình của mẹ đỡ hơn, đầu năm 2013, Giang vào Nam làm thuê để kiếm tiền nuôi mẹ và 2 em. Nhưng từ đó đến nay gia đình cũng không nhận được tin tức gì . Bà Liên hàng xóm rơi nước mắt khi nói về mẹ con chị: “Có lẽ cả huyện Thanh Chương này chẳng ai có hoàn cảnh đáng thương như mẹ con chị ấy. Bản thân bị tâm thần lại đau ốm luôn. Mẹ con cứ vậy sống lay lắt qua ngày. May có con bé, sớm biết làm lụng, quán xuyến không thì nguy mất. Làng xóm ai cũng thương mẹ con cháu Lâm nhưng cũng chẳng giúp được gì nhiều”.

Bán tóc nuôi mẹ

Ở nhà chỉ còn lại 3 mẹ con, gánh nặng gia đình lại tấp trên đôi vai gầy của cô con gái thứ 2 là Trịnh Thị Lâm (SN 1999). Ngày ngày sau giờ học, Lâm phải đi mò cua, bắt ốc, ai thuê gì làm nấy để kiếm tiền thuốc thang cho mẹ, mua bút giấy và ăn học.

Nói bệnh tình đỡ hơn nhưng về nhà ít hôm chị Vân lại lên cơn đập phá đồ đạc và la hét. Lâm lại phải nghỉ học để đưa mẹ vào bệnh viện.

Khi tiền vay mượn anh em xóm giềng đã hết, không còn biết bấu víu vào đâu, Lâm đành phải đưa mẹ trở về nhà.

Nhìn mẹ đau vã mồ hôi, lăn lộn trên nền nhà, mà không có thuốc, Lâm đau lòng lắm. Nhưng lấy tiền đâu ra. Anh em xóm giềng cũng đã vay mượn hết rồi. Lúc đang suy nghĩ không biết lấy tiền đâu ra để mua thuốc cho mẹ thì bỗng nghe tiếng rao: "Ai bán tóc đê...". Lâm đã âm thầm bán đi mái tóc dài mà em đã nuôi nó từ nhỏ đến giờ để lấy 150 ngàn đồng mua thuốc cho mẹ.
Góc học tập đơn sơ của bé Lâm
Góc học tập đơn sơ của bé Lâm
Hỏi Lâm, khi bán mái tóc ấy em có tiếc không? Lâm trầm buồn: “Em rất quý mái tóc của mình. Nhưng bệnh tình của mẹ như vậy, em không còn con đường nào khác. Mua thuốc cho mẹ uống đỡ bệnh là vui rồi”.

Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Mai - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Thịnh, là người luôn quan tâm đến hoàn cảnh của Lâm, đã nhiều lần cô giúp đỡ mẹ con Lâm tiền, quần áo, và sách vở - xúc động kể: “Lâm có mái tóc dài đen mượt, chấm gót rất đẹp, ai nhìn vào cũng trầm trồ, vậy mà một sáng thứ 2 đầu tuần tôi thấy tóc em cụt lủn.

Hỏi ra thì mới biết em bán tóc lấy tiền mua thuốc cho mẹ. Tôi không cầm lòng được cô trò ôm lấy nhau mà khóc. Về tấm gương hiếu thảo đó, chúng tôi đã kể cho học sinh toàn trường nghe. Giáo viên, học sinh ai cũng xúc động. Sau đó học sinh và giáo viên đều tình nguyện quyên góp ủng hộ gia đình em Lâm”.

Lâm tâm sự: “Hằng ngày ngoài giờ đi học, ai thuê làm gì em cũng đi làm để kiếm tiền về phụ giúp chị gái mua thuốc cho mẹ. Vừa qua nhà hết sạch tiền, không biết nghĩ ra cách gì nên em phải bán mái tóc dài của mình lấy 150 ngàn đồng về mua thuốc cho mẹ. Cuộc sống hằng ngày của mấy mẹ con luôn đói ăn, nhưng chúng em luôn biết mẹ là quý nhất trên đời này. Dù có chết đói đi nữa, nhưng chỉ nhìn thấy mẹ lành bệnh là em mãn nguyện rồi”.

Học giỏi nhất làng

Nhiều người dân nơi đây đều hết lời ca ngợi em Lâm. Chị Phương ở gần nhà cho biết: “Bé Lâm năm lên 8 tuổi đã biết quán xuyến công việc nhà, như tìm rau, nấu cơm và chăm sóc mẹ. Lớn lên chút nữa đã biết làm ruộng, ra đồng mò cua, bắt ốc, nhặt phế liệu đem bán kiếm tiền mua bút giấy , sách vở và ăn học. Hoàn cảnh như thế mà bé học giỏi nhất làng. Ai cũng lấy bé Lâm làm gương để răn dạy con cháu”.

Tuy hoàn cảnh bất hạnh, khốn khó nhưng, cô bé Lâm đã khiến nhiều người nể phục vì thành tích học tập. Từ lớp 1 đến nay, năm học nào Lâm cũng đứng nhất, nhì lớp và gặt hái được nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, huyện tỉnh. Lâm chia sẻ: “Chủ yếu là em hiểu và học thuộc bài ngay từ trên lớp, về nhà chỉ tìm hiểu những sách vở, tài liệu nâng cao để học”.

Nhiều đêm rất khuya, người dân xóm 7 vẫn thấy ánh đèn nhỏ nhoi hắt ra từ ngôi nhà nhỏ bé ấy. Đó là khoảng thời gian bé Lâm học bài. Tầm 4 giờ sáng em lại dậy học tiếp và làm bữa sáng cho mẹ rồi tất tả đạp xe đi học.

Khi chúng tôi đến nhà em để thực hiện bài viết này, Lâm cũng đang tranh thủ đi bắt cua đến hơn 12 giờ trưa mới về. Đổ vội giỏ cua ra chiếc thau bên giếng, em chạy vào nhà, chào khách, rồi xuống bếp, chụm củi nấu cơm cho mẹ và em.

Hỏi Lâm: "Em làm lụng suốt ngày đêm như vậy thì lấy thời gian đâu để học?". Lâm trả lời: “Em lúc nào cũng đem theo sách vở bên mình để học. Khi nào rỗi là em học”. Nói về ước mơ, Lâm bảo: “Mẹ em bị bệnh nên gia cảnh mới như vậy. Em ước mơ sau này sẽ trở thành bác sĩ giỏi. Nhưng rồi đây, không biết em có còn được theo học nữa không vì bệnh mẹ em ngày càng nặng...”.

Lâm khóc, hai hàng nước mắt chảy dài trên đôi má sạm đen vì nắng, khiến chúng tôi cũng không cầm lòng được.

Hiện nay, hoàn cảnh của mẹ con bé Lâm đang hết sức khốn khó và bi đát. Việc học hành của bé có thể bị gián đoạn. Chúng tôi xin được ghi lại hoàn cảnh đáng thương của bé Lâm gửi đến cộng đồng. Mong sao, những tấm lòng nhân ái của cộng đồng giúp đỡ cho mẹ con bé Lâm vượt qua cơn hoạn nạn để bé có cơ hội thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ của mình.

Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ: 0938 38 13 49 hoặc chuyển tiền trực tiếp vào TK đại diện của báo Dòng Đời: Huỳnh Tuyết Hoa, TK 001100 410 1740 Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB). Báo Dòng Đời sẽ đăng tải công khai danh sách bạn đọc ủng hộ trên số báo cuối cùng hằng tháng hoặc Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Thịnh xã Thanh Thịnh huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An ( ghi rõ: ủng hộ em Lê Thị Lâm có mẹ tâm thần Trịnh Thị Vân)

Lam Thuỳ - Thiên Thanh (Dòng Đời) (Lam Thuỳ - Thiên Thanh (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem