Sáng mùng 6 Tết Quý Tỵ (15.2.2013), như thông lệ, chợ Chuộng – phiên chợ độc đáo nhất xứ Thanh lại được diễn ra trên bờ sông Hoàng (thuộc làng Ráng xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa). Hàng nghìn người kéo về chợ với mong muốn bán điều rủi, mua điều may những ngày đầu xuân.
Từ ngày mùng 5 Tết, người dân quanh vùng sẽ cùng nhau góp tre, nứa để bắc một cây cầu khỉ qua sông. Cầu tre này sau khi chợ tan (khoảng 1 giờ chiều cùng ngày) sẽ được dỡ bỏ. Sang năm đến phiên chợ, người ta lại góp tre bắc cầu. Vì người dân đến chợ để đánh nhau, nên chợ Chuộng còn được biết đến bằng nhiều tên gọi khác như: chợ choảng, chợ ẩu đả, chợ đánh nhau, chợ giải xui, chợ ân oán…
Tục lệ đặc biệt “đánh nhau cầu may” ở chợ Chuộng bắt nguồn từ một tích cũ, rằng: Ngày xưa, có một vị vua trong lần chiến đấu với giặc ngoại xâm để bảo vệ quê hương, tuy nhiên nhà vua này thua trận nên phải rút lui. Bị bị lũ giặc truy sát ráo riết, nhà vua đành phải lui binh. Khi nhà vua và tốp quân lính ít ỏi còn lại rút đến khu vực xã Đông Hoàng ngày nay, thì lập tức được bá tánh trong vùng ra sức cứu giúp vua thoát nạn.
Vì thế, người dân liền giả vờ tổ chức ngay một phiên chợ để “biến” vua và binh lính thành người dân buôn bán. Khi đó, cả nhà vua và binh lính đều được cải trang thành dân cày, còn vũ khí được cất giấu trong các đống rau quả, lều quán. Sau đó, quân giặc đuổi tới nơi, nhìn phiên chợ do người dân dựng lên cứ tưởng đây là một phiên chợ thật, nên không chút đề phòng.
Lợi dụng lúc giặc mất cảnh giác, vị vua kia phát động cuộc phản công. Cả phiên chợ biến thành cuộc phản công giết giặc oai hùng. Bằng sự đoàn kết, mưu trí và dũng cảm mà quân dân đã đồng lòng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Cảm kích trước sự thông minh, dũng cảm của dân làng, vua đã trọng thưởng hậu hĩnh cho những người dân nơi đây… Kể từ đó, để tưởng nhớ về sự kiện này, năm nào cũng vậy, người dân lại tổ chức phiên chợ Chuộng với phần đánh nhau giả vờ như một nét văn hóa truyền thống.
Ông Lê Văn Dũng, (70 tuổi, xã Đông Hoàng), kể: “Xưa kia, các cụ đến phiên chợ Chuộng lịch sự, nho nhã lắm. Cụ nào biết võ đến chợ “mới dám gây gổ” với nhau. Các cụ người vào vai giặc, người vào vai tướng, người khác vào vai lính tráng, đánh nhau loạn xạ. Vũ khí chiến đấu chỉ độc rau, củ quả như cà chua, bắp cải, su hào... chứ không có gậy gộc, gạch, đá, dao, kiếm như bây giờ...”.
Ngày nay, phiên chợ Chuộng đã không còn giữ được nét văn hóa như xưa nữa, mà ngày càng biến tướng thành những vụ "choảng" nhau thực sự.
Bà Trịnh Thị Quế - người dân huyện Triệu Sơn cho biết: "Bây giờ nhiều nhóm thanh niên làng đi chợ để đánh nhau thực sự, chứ không còn quan niệm đi mua - bán, cầu may đầu xuân như chúng tôi đâu. Năm ngoái, có hai tốp thanh niên dùng dao, kiếm chém nhau ở chợ, khiến nhiều người khiếp vía”.
Người dân địa phương mong muốn duy trì và phát huy một tập tục tôn vinh tinh thần thượng võ, một phiên chợ xuân đầy chất nhân văn. Nhưng, con người đến chợ phải thân thiện, đoàn kết và cầu chúc một năm mới may mắn, bình an và hạnh phúc.
Hồng Đức- Hoài Thu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.