Dầu tăng giá, ngư dân bán thuyền

Thứ hai, ngày 28/03/2011 12:54 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều ngư dân ở Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa đã phải neo thuyền, đi tìm việc khác vì dầu tăng giá.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ, cho biết: Xã có trên 10.000 dân, trong đó có 3 thôn ngư nghiệp (Tân Xuân, Bắc Sơn và Hợp Tân) chiếm trên 50% dân số. Toàn xã có 217 tàu, thuyền đi biển công suất từ 33-90CV.

Ngoài lao động đi biển, Hoằng Phụ còn có 1.700 lao động chế biến thủy, hải sản. Từ khi dầu tăng giá, ngày nào tại bến cũng có vài chục chiếc thuyền phải neo bờ. Nhiều chủ tàu phải mua chịu dầu.

Chi phí tăng gấp đôi

img

Ngư dân Nguyễn Văn Trong (phải) ở thôn Bắc Sơn, xã Hoằng Phụ phải neo thuyền vì dầu tăng giá.

Chủ thuyền Phạm Văn Nhân (42 tuổi), ở thôn Bắc Sơn cùng với chiếc tàu có công suất 60CV đang phải neo bờ từ khi dầu tăng giá đến nay thở dài: “Trước đây, nhà tôi thuê 6-7 lao động đi thuyền, giờ dầu tăng giá, công lao động cũng tăng, nên không dám thuê người, mà phải huy động cả nhà đi thuyền”. Anh Nhân thuộc diện gia đình khá giả, nên vẫn chưa đến mức phải nợ tiền dầu. Nhưng qua hạch toán, mỗi chuyến đi biển đều không có lãi, hoặc có cũng chẳng bao nhiêu.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thêm, cùng thôn Bắc Sơn, phải vay ngân hàng 20 triệu đồng để mua dầu cho chồng đi biển. Bà Thêm tính: “Bình quân mỗi chuyến đi biển từ 5-7 ngày, “ngốn” khoảng 800 lít dầu. Trước đây, giá dầu 14.800 đồng/lít, chi phí khoảng trên dưới 10 triệu đồng/chuyến. Giờ giá dầu lên 18.400 đồng/lít, mỗi chuyến hết gần 20 triệu đồng tiền dầu, chưa kể tiền đá lạnh, các khoản ăn uống trên thuyền…

Bán thuyền, bỏ nghề

img Tôi đã rao bán tàu để đi tìm việc khác, nhưng chẳng ai hỏi. img

Từ khi giá dầu tăng cao, nhiều ngư dân ở Hoằng Phụ phải cắn răng bán thuyền, bỏ nghề đi tìm việc nơi khác. Ông Nguyễn Văn Thái (48 tuổi), ở thôn Bắc Sơn, là chủ 2 chiếc thuyền có công suất 60 CV, buồn rầu: “Từ Tết đến giờ nhà tôi chưa dám ra khơi chuyến nào. Trước đây, mỗi chuyến đi khơi, trừ tiền dầu, tiền lao động, tiền đá... còn thu được 15-20% lợi nhuận. Giờ dầu tăng cao quá, đi biển không lãi, thậm chí còn bị âm tiền dầu. Tôi đã rao bán tàu để đi tìm việc khác, nhưng chẳng ai hỏi”.

Theo ngư dân Hoằng Phụ, không chỉ dầu tăng giá, mà các mặt hàng khác cũng tăng: Đá lạnh từ 10.000 đồng tăng lên 15.000 đồng/cây, giá điện cũng tăng 15,28%; trong khi đó, cá trích tươi (mùa này ở Hoằng Phụ chủ yếu đánh cá trích - PV), giá chỉ từ 6.000-7.000 đồng/kg, cá phơi khô 12.000 đồng/kg. Thuyền nào gặp may, mỗi chuyến đánh được 3 tấn cá, còn lại chỉ được vài tạ. Nhiều thuyền không có lãi thậm chí còn phải bù lỗ. Một số ngư dân đã phải bán thuyền do không có tiền mua dầu và trả công lao động đi biển.

Ông Nguyễn Song Hào - kinh doanh xăng dầu ở xã Hoằng Phụ cho biết: “Nhiều ngư dân mua chịu dầu của tôi, có người đã nợ đến 40 triệu đồng. Dư nợ của cửa hàng tôi từ Tết đến nay đã lên tới 300 triệu đồng. Trước đây, trung bình mỗi ngày, cửa hàng tôi bán được 500 -700 lít dầu, ngày cao điểm trên dưới một nghìn lít nhưng bây giờ, ngày chỉ bán được trên 100 lít”.

Theo ông Hào: “Tăng giá dầu là đúng, song Chính phủ cần có phương án hỗ trợ cho ngư dân đi biển và các hộ nghèo. Nếu không, rồi đây sẽ có thêm nhiều ngư dân lâm vào tình trạng bán thuyền, bỏ nghề”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem