Theo kết quả nghiên cứu dâu tây là loại quả đặc biệt có lợi cho sức khỏe con người, trong quả dâu tây chứa các chất bảo vệ chống ô xy hóa nhiều gấp 10 lần quả cà chua, trong phần thịt của quả dâu tây có các loại vitamin A, B1, B2 và đặc biệt là lượng vitamin C khá cao giúp tăng sức đề kháng chống nhiễm trùng, nhiễm độc, cảm cúm và chống stress. Cũng chính vì khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với những lợi ích mà quả dâu tây mang lại nên rất nhiều vườn dâu tây tại Đà Lạt mọc lên với các phương pháp trồng như trên đất phủ luống hoặc trồng thủy canh đang được mở cửa đón khách vào tham quan và tự tay hái dâu.
Ảnh minh họa
Dâu tây có quanh năm nhưng chín rộ nhất là vào mùa xuân, quả khi chín có màu đỏ tươi, quả to bằng ngón chân cái. Dù dâu tây đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng nếu trồng không đúng cách, không đảm bảo an toàn thực phẩm thì quả dâu sẽ chứa nhiều mối nghi do là quả ăn tươi, phần thịt quả tiếp xúc trực tiếp với môi trường và đất. Chính vì vậy phương pháp trồng dâu tây thủy canh trên giàn là phương pháp được nhiều nhà vườn nơi đây áp dụng.
Đến thăm mô hình trồng dâu tây của anh Nguyễn Lâm Thanh, thành phố Đà Lạt – Lâm Đồng, chúng tôi được xem mô hình trồng bán thủy canh trên giá thể không cần đất, cung cấp phân bón và thuốc bảo vệ thực vật qua hệ thống tưới tự động để kiểm soát lượng phân bón tránh dư lượng trong quả và kiểm soát côn trùng theo phương pháp IPM để đảm bảo dư lượng trong quả luôn ở mức cho phép. Khi người tiêu dùng đến tham quan vườn dâu hái quả ăn thì trong quả không còn dư lượng phân bón và thuốc vượt quá tiêu chuẩn cho phép theo VietGAP. Với cách làm như vậy khi hái quả để ăn trực tiếp mà không phải lo lắng về vấn đề vệ sinh.
Và anh Nguyễn Lâm Thanh là một trong những thanh niên trẻ đi đầu với phương pháp trồng thủy canh. Đây chính là đề tài luận văn tốt nghiệp Đại học Đà Lạt của anh sau bao ngày suy nghĩ, trăn trở để tìm ra hướng đi cho quả dâu – loại quả đặc biệt của quê hương mình. Theo anh Lâm Thanh: Dâu tây khi trồng ở trên đất sẽ gặp vấn đề là đất vẫn còn sẵn nguồn bệnh, khi tưới nước hoặc trời mưa thì bùn đất sẽ bắn lên quả mang mầm bệnh, dâu tây trồng ngoài trời dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn do người dân sử dụng thuốc để quả không bị hư hỏng.
Hiện nay ở Đà Lạt trồng ngoài trời nhiều nhất là giống dâu Đá và Đá lai sau này có giống dâu của Nhật Bản và dâu Pháp, New Zealand. Mô hình trồng dâu của anh Lâm Thanh đã áp dụng phương pháp trồng trên giàn sử dụng giá thể là sơ và được xử lý sạch bệnh với các chế phẩm sinh học đóng vào các bao nilon được khoét lỗ sẵn, mỗi bao trồng được từ 7-8 cây. Các bao giá thể được đặt trên một hệ thống giàn bằng tre gồm 3 tầng cách ly hoàn toàn khỏi mặt đất 1m, dinh dưỡng và phân bón được cung cấp qua hệ thống tưới tự động.
Việc trồng dâu trong nhà kính cũng đảm bảo vườn dâu được cách ly rất nhiều khỏi dịch bệnh so với trồng dâu ngoài trời. Hiện nay giống dâu trồng trong nhà kính là giống dâu New Zealand và giống dâu Nhật Bản có vị ngọt, đặc cơm tuy năng suất không cao như giống trồng ngoài trời nhưng nhờ là dâu sạch nên giá bán luôn cao hơn giá dâu ngoài thị trường và gần như cung không đủ cầu nên anh đang tích cực nhân thêm cây giống nhằm tăng diện tích vườn dâu.
Một điều có lợi dù trồng dâu tây sạch năng suất thấp nhưng trồng trên giàn thì diện tích thực tế tăng rất cao, trồng dâu dưới mặt đất một sào trồng khoảng 5.000 cây thì trồng trên giàn sẽ là 20.000 cây cao gấp 4 lần do trồng bằng giàn có nhiều tầng. Mô hình này với nông dân bình thường cũng vẫn có thể trồng dâu trên giàn một cách dễ dàng.
Trước kia người trồng dâu tây Đà Lạt hầu hết trồng dâu theo luống dưới đất như đậu, rau nhưng ngày nay do áp dụng các phương pháp mới nên người dân nơi dây đã trồng dâu trên giàn còn được gọi là vườn dâu treo theo phương pháp thủy canh. Phương pháp này đã làm cho dâu tây Đà Lạt thêm chất lượng, tăng sản lượng làm vững thêm thương hiệu quả dâu tây Đà Lạt.
Anh Phương (XTTMNNHN)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.