Đấu thầu thuốc theo giá thấp nhất: Lo ngại dùng thuốc kém chất lượng

Thứ tư, ngày 04/09/2013 08:05 AM (GMT+7)
Ngày 3.9, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) tổ chức đấu thầu thuốc phục vụ khám chữa bệnh. Tại phiên đấu thầu này, nhiều quan ngại trong đấu thầu thuốc đã được chỉ ra, trong đó có lo ngại bệnh nhân phải dùng thuốc kém chất lượng.
Bình luận 0
Thuốc rẻ nhưng không tốt

Hiện tại, hoạt động đấu thầu thuốc ở các bệnh viện (BV) được thực hiện theo Thông tư liên tịch 01 của Bộ Y tế - Tài chính. Theo đó, việc đấu thầu thuốc của các cơ sở y tế sẽ tiến hành tập trung. Các BV T.Ư thì được xây dựng đấu thầu độc lập; mỗi nhóm thuốc chỉ được xét trúng thầu một mặt hàng đạt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng quy định và có giá thấp nhất trong nhóm đó.

Giá thuốc rẻ nhưng bệnh nhân vẫn không có lợi nếu dùng phải  thuốc kém chất lượng (ảnh minh họa).
Giá thuốc rẻ nhưng bệnh nhân vẫn không có lợi nếu dùng phải thuốc kém chất lượng (ảnh minh họa).

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sau khi Thông tư 01 có hiệu lực (tháng 6.2012), nhiều tỉnh đã giảm được hàng chục tỷ đồng tiền thuốc, tương đương khoảng 20-30% tiền mua thuốc trước đó. Cụ thể, Quảng Ngãi giảm 28 tỷ đồng, Hà Tĩnh 32 tỷ đồng, Hậu Giang 51 tỷ đồng… Chỉ riêng Vĩnh Phúc, trong số 2.000 mặt hàng thuốc, sau khi rà soát 20 mặt hàng, đã giảm được 1,5 tỷ đồng so với năm 2012.

Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết – Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, nếu cứ căn cứ vào thang điểm thì rất có khả năng thuốc tốt thì bị bỏ qua và thuốc kém chất lượng sẽ được phê duyệt do có giá thấp hơn.

Ông Quyết ví dụ cùng là kháng sinh dùng để tiêm tĩnh mạch, có hàm lượng 200ml nhưng loại của châu Âu sản xuất có giá 80.000 đồng/lọ, trong khi thuốc do nước thứ ba sản xuất chỉ có giá 8.000 đồng/lọ. Hai loại thuốc này đều đã được cấp phép vào Việt Nam, cùng được chấm thang điểm trên 70. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, rất nhiều bác sĩ cho biết, thuốc giá 8.000 đồng không có tác dụng, không khỏi bệnh. “Nếu cứ theo Thông tư 01 thì rõ ràng thuốc rẻ sẽ trúng, nhưng nếu thuốc rẻ mà không có tác dụng điều trị hoặc hiệu quả kém thì bệnh nhân chỉ có hại chứ không được lợi. Bệnh không khỏi có nghĩa ngày điều trị gia tăng, chi phí tăng...” – TS Quyết nói.

Cần ưu tiên chất lượng

Bà Nguyễn Thị Bích Hường – Phó Giám đốc BV Việt Đức cũng cho biết, để đảm bảo chất lượng thuốc cần có những tiêu chí rất cụ thể không chỉ nguyên liệu, xuất xứ mà còn tính đến hình thức, mẫu mã, độ tan của thuốc. Nếu như thuốc dành cho cấp cứu mà mở nắp khó, độ tan lâu thì dù tốt cũng không đạt yêu cầu. Theo bà Hường, Hội đồng phê duyệt thuốc sẽ có nhiều bước làm việc. Sau khi mở thầu, Hội đồng sẽ phê duyệt các thủ tục giấy tờ, nếu doanh nghiệp nào đầy đủ các chứng nhận thì sẽ được xem xét về chất lượng thuốc. “Tiêu chí duyệt thuốc là chất lượng và giá cả hợp lý chứ không đưa yếu tố giá lên trên” – bà Hường cho biết.

Theo TS Nguyễn Tiến Quyết: “Chúng ta không nên vì mục tiêu giảm giá thuốc trấn an dư luận mà coi nhẹ mục tiêu chữa bệnh. Cần phải có các biện pháp để đưa giá thuốc về giá hợp lý nhưng phải chữa được bệnh”.


Ngoài ra, để tạo cơ hội dễ trúng thầu và đẩy giá thuốc lên cao, nhiều hãng thuốc đã đưa ra các mặt hàng có “hàm lượng lạ”, một mình một sân. Ông Nguyễn Minh Thảo – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, bảo hiểm sẽ phối hợp với Bộ Y tế khảo sát các thuốc có hàm lượng lạ, sau đó yêu cầu các hãng thuốc phải điều chỉnh hàm lượng thuốc về hàm lượng thông thường và đưa giá về giá tương đương các loại thuốc khác cùng loại. Nếu như các hãng không điều chỉnh thì bảo hiểm y tế sẽ từ chối thanh toán.
Diệu Linh (Diệu Linh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem