Nói đến đầu tư làm cái gì đó, mọi người thường nghĩ đơn giản: Đầu tư là đổ tiền vào!
Không sai, nhưng đó là cái khâu cuối cùng được đưa lên đầu, cái đầu tiên thì lại không tính kỹ. Bất kỳ cuộc đầu tư nào nghĩ đến tiền đầu tiên là nhằm chắc thất bại, kẻ cả nhiều tiền!
Đầu tư phải hiểu như là một chiến lược. Trước hết mà mục đích nhắm tới phải rõ ràng, rồi nghiên cứu để thẩm định giá trị kế hoạch và tiếp sau đó là rà soát chính sách, năng lực thực hiện, những khả năng nội tại và mối quan hệ bên ngoài như thị trường đầu vào đầu ra (nhất là đầu ra) tham khảo điều kiện khí hậu thời tiết, kể cả thời tiết chính trị… Nhiều thứ lắm. Chỉ đứt gẫy một công đoạn là hàn gắn khướt!
Tiền chỉ là khâu cuối cùng của đầu tư. Tiền rất quan trọng, nhưng tiền chỉ là phương tiện không thể thiếu chứ không phải là cái quyết định cho sự thắng lợi của đầu tư.
Cho nên không lạ có nhiều phản ứng của xã hội khi nghe Bộ Giáo dục đưa dự án cải cách giáo dục, oạch một cái là con số khổng lồ 34 ngàn tỷ! Rồi trước dư luận lại lúng túng thanh minh đó chỉ là khái toán, chưa chính thức!
Cuộc đầu tư nào cũng giống như một cuộc đi buôn chuyến. Không hiểu thị trường thì đừng có có mà nói chuyện buôn với bán.
Câu chuyện trên chỉ là một ví dụ trong muôn vàn ví dụ đầu tư to lớn mà thất bại thảm hại, cho thấy cái khó của câu chuyện đầu tư nếu không có con mắt chiến lược, chiến thuật. Nói rút gọn, đó là cái “văn hóa đầu tư”.
Tôi nhớ lại câu chuyện ở N.T chục năm trước. Một nông dân nghèo có mảnh đất vàng bán được trên 4 tỷ đồng. Gia đình có 3 bố con, vợ mất. Trên 4 tỷ lúc ấy to lắm, tiêu bao giờ hết! Việc đầu tiên của ông ấy là xây cái nhà to diêm dúa với nóc tháp Nhà hát Lớn, sắm cho 2 thằng con mỗi đứa một xe, đứa xe @, đứa SH.
Rồi một ngày kia, 3 bố con gặp nhau ở nhà hàng karaoke, bố và hai con mỗi người ôm một gái. Thời gian sau, hai thằng con được “chăn” đều dính nghiện. Sau đấy một đứa nhiễm HIV nhanh chóng qua đời. Chỉ vài năm ông còn lại cái xác nhà. “Ông chủ” tiền tấn tưởng không bao giờ tiêu hết trên 4 tỷ lại trở về với cái máng lợn như trong truyện cổ tích Nga- “Ông lão đánh cá và con cá vàng”. Đấy cũng là đầu tư, đầu tư cho ăn chơi và hưởng lạc với kết cục gì thì đã rõ.
Chuyện đầu tư lớn của đất nước cũng thế thôi, nếu không cẩn thận thì cũng sụp đổ, vì đó là quy luật.
Đầu tư luôn là câu chuyện lớn!
Đỗ Đức (Đỗ Đức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.