Đau xót bà mẹ tự tử vì mắc chứng trầm cảm sau sinh

Hạ Nhiên Thứ bảy, ngày 06/08/2016 12:55 PM (GMT+7)
“Stress một mình, suy nhược một mình, trầm cảm một mình và cuối cùng là cái chết”.
Bình luận 0

Tự tử vì stress và suy nhược

Câu chuyện về bà mẹ trẻ tự chấm dứt cuộc đời mình ở tuổi 30 do mắc chứng trầm cảm sau sinh, được nick name H.P đăng tải ngày 1/8 khiến cộng đồng mạng đau xót.

Chỉ sau vài ngày đăng tải, câu chuyện cảm động này đã thu hút hơn 25.000 lượt thích và gần 11.000 lượt chia sẻ.

img

Chứng trầm cảm sau sinh khiến cuộc sống của người phụ nữ căng thẳng (Ảnh minh họa)

Từ khi lấy chồng, gia đình chị xảy ra một vài biến cố. Sau khi sinh con, chị gần như phải xoay sở một mình vì chồng đi làm xa nhà, bố mẹ đẻ, anh chị em ruột dù ở gần nhưng mỗi người một công việc, một nỗi lo riêng, không thể hằng ngày ở bên chia sẻ.

Những thay đổi đột ngột về tâm sinh lý sau khi sinh con, những biến cố xảy ra trong cuộc sống… đã khiến chị stress, bế tắc, suy nhược và trầm cảm.

Đỉnh điểm là khi gia đình phát hiện ra chị nợ nần một khoản tiền lớn do vay nặng lãi. Không ai đoán ra một bà mẹ ở nhà nội trợ, chăm con dùng số tiền đó vào việc gì, chỉ thấy tủ quần áo của chị chất đầy hàng hiệu: quần áo, giày dép, túi xách…  Mọi người trong gia đình thắc mắc, dò hỏi và ngay đêm ấy, bà mẹ trẻ tìm đến cái chết.

Khi thu dọn lại tư trang của chị, gia đình phát hiện ra một điều bất ngờ: tất cả những món đồ hàng hiệu của chị đều chưa qua một lần sử dụng, còn nguyên hộp, nguyên mác. Lúc này, mọi người mới đau đớn nhận ra, đó là biểu hiện của chứng trầm cảm sau sinh, chứng bệnh rất nhiều bà mẹ mắc phải. Nhưng tất cả đã muộn.

Câu chuyện về bà mẹ xấu số, không may mắc phải chứng trầm cảm khiến nhiều người thương xót. Đăng tải những dòng tâm sự đau đớn, H.P muốn nhắn gửi đến mọi người cần tìm hiểu kỹ về chứng bệnh thường gặp và rất nguy hiểm này để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc.

Không ít bà mẹ gặp phải rắc rối về tâm sinh lý sau sinh. Biểu hiện bên ngoài dù không rõ nét nhưng trên thực tế, nó vẫn ảnh hưởng hưởng lớn đến cuộc sống của người phụ nữ.

img

Nhiều bà mẹ gặp phải những rắc rối về tâm lý sau sinh (Ảnh minh họa)

Chị Nguyễn Mai (Hải Phòng) từng rơi vào tình trạng không hiểu nổi bản thân sau khi sinh con đầu lòng. Lấy chồng xa nhà hàng trăm cây số, chồng lại đi làm xa tuần mới về một lần, hầu như chị phải một mình xoay sở mọi việc. Vốn là người hiền lành, nhu mì nhưng thời điểm đó chị trở nên khó tính hơn, bố mẹ chồng làm gì chị cũng tỏ ra không vừa lòng.

Hơn nữa, chị bắt đầu hoài nghi chồng. Cuối tuần, chỉ cần chồng về muộn hơn vài giờ so với bình thường chị cũng tỏ ra khó chịu, tra hỏi đủ đường dù trước đó, chị chưa bao giờ ghen tuông. Cuộc sống của bà mẹ trẻ ngày càng căng thẳng.

Tôi thấy lạ lẫm với chính mình vì vốn tôi không phải là người khó tính hay quá nhạy cảm. May sao, chồng tôi cũng nhận ra điều đó và chủ động xin nghỉ làm một tuần, ở nhà với hai mẹ con. Chúng tôi chia sẻ, phân tích và cuối cùng anh đưa tôi đến gặp bác sĩ tâm lý”, chị nói.

Vượt qua được giai đoạn khó khăn sau sinh, chị Mai vẫn thầm cảm ơn chồng đã giúp chị nhận ra vấn đề của chính mình. Nhờ đó, hạnh phúc gia đình mới được nguyên vẹn.

“Đừng ép mình phải là một người mẹ hoàn hảo”

Trầm cảm sau sinh là chứng bệnh nguy hiểm nhiều bà mẹ mắc phải. Chúng tôi đã liên hệ với thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A để hiểu rõ hơn về chứng bệnh này.

Chị khẳng định, dù chưa có số liệu cụ thể nhưng trầm cảm sau sinh là chứng bệnh khá phổ biến ở phụ nữ. Tùy vào các thuộc tính nhân cách, mức độ mắc bệnh… mỗi người có những biểu hiện khác nhau.

img

Thạc sỹ tâm lý Tô Nhi A đưa ra lời khuyên cho các bà mẹ trẻ

Chị đưa ra ví dụ, những người có tính cách hoạt bát, năng động, vui vẻ… khi mắc chứng bệnh này sẽ trở nên ít nói, trầm tĩnh và thu hẹp khả năng giao tiếp. Nhưng với những người sống nội tâm, lại không thể căn cứ vào các biểu hiện này để xác định bệnh.

“Biểu hiện của phụ nữ mắc chứng trầm cảm sau sinh rất đa dạng, có thể là sự cáu gắt, nạt nộ vô cớ, trầm trọng hóa, bi kịch hóa mọi chuyện, không muốn giao tiếp với mọi người. Một số khác thì tỏ ra bi quan và không yêu vai trò làm mẹ. Sự xuất hiện của đứa con khiến họ thấy áp lực, mệt mỏi”, thạc sỹ tâm lý chia sẻ.

Chị Tô Nhi A cho biết thêm, có hai nhóm nguyên nhân dẫn đến chứng trầm cảm sau sinh, đó là những biến đổi về mặt sinh lý và tâm lý.

Sau khi sinh con các bà mẹ phải trải qua sự biến đổi đột ngột về cơ thể như: huyết áp thay đổi, suy giảm nồng độ hooc-môn… Bên cạnh đó, do phải trải qua quá tình sinh con đau đớn hoặc do chưa chuẩn bị sẵn sàng để làm mẹ, lo lắng quá nhiều về trách nhiệm làm mẹ của mình, họ cũng gặp phải nhiều vấn đề về tâm lý.

Nếu phải sống trong những mối quan hệ xã hội không tích cực như xảy ra mâu thuẫn với chồng, mẹ chồng, bạn bè… phụ nữ sau sinh cũng có thể gia tăng cảm giác chán nản và nghĩ rằng, việc mình sinh ra đứa bé chính là nguyên nhân.

Trầm cảm sau sinh là một chứng bệnh nghiêm trọng. ThS. Tô Nhi A đưa ra lời khuyên, trước và trong khi mang bầu, phụ nữ nên chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, tích lũy kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm để làm mẹ một cách chủ động.

Trong khi mang thai, các bà mẹ nên suy nghĩ tích cực và để mình ở trong trạng thái “chờ đợi” đứa con ra đời. Đặc biệt, sau khi sinh con, các bà mẹ không nên ép mình phải trở thành một bà mẹ quá hoàn hảo.

Về phía gia đình, mọi người nên quan tâm, chăm sóc và thấu hiểu để giảm thiểu tối đa căng thẳng của người nữ khi họ mang bầu.

“Tuy vậy, dù chuẩn bị  kỹ đến đâu cũng không thể tránh khỏi sự thay đổi về tâm sinh lý sau sinh nên tốt nhất, mỗi bà mẹ hãy cố gắng suy nghĩ thật lạc quan, không nghiêm trọng và bi kịch hóa vấn đề”, ThS. Tô Nhi A nhắc nhở.

Thạc sỹ tâm lý nói thêm, với những người đã phát hiện ra mình có biểu hiện của chứng bệnh trầm cảm sau sinh, cần thăm khám để tìm ra các biện pháp chữa trị kịp thời về mặt y học và tâm lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem