Đau xót tục đi sim biến tướng với karaoke, liều lĩnh "ăn trái cấm"

San Nguyễn Thứ sáu, ngày 04/07/2014 15:27 PM (GMT+7)
Trong tiếng Pa Kô, đi sim là poọc xu. Ông Kray Sức, người Pa Kô ở thôn A Vương, xã Tà Rụt, (Đăkrong, Quảng Trị) là một người am hiểu và tâm huyết với văn hóa của dân tộc mình.
Bình luận 0

Ông bảo: Từ xa xưa, người Pa Kô có thói quen phát rẫy theo vùng, cứ một vùng là 5, 7 hộ cùng phát. Họ dựng lên trên rẫy những căn chòi nhỏ để có nơi trú nắng, trú mưa. Căn chòi này gọi là “xu”, còn “poọc” theo tiếng Kinh có nghĩa là “đi”. Thuật ngữ “poọc xu” có từ đây. Sau những đêm ca hát như vậy trên nương rẫy, những cặp đôi phải lòng nhau sẽ có với nhau những quy ước nho nhỏ. Mỗi đêm trăng, đặc biệt là trăng tròn, thời điểm lý tưởng cho những buổi đi sim, chàng trai Pa Kô sẽ tìm đến nhà cô gái mình thương nhớ, thổi những điệu khèn môi, khèn bè hoặc gõ nhẹ vào bức vách bên cạnh buồng cô gái. Đó là những tín hiệu đã được ngầm quy ước để cô gái nhận ra chàng trai trong lòng mình.

Ông Hồ Văn Thăng, ở thôn A Rông Dưới, xã A Ngo, huyện Đăkrong nhớ lại, ngày xưa con trai Pa Kô muốn cưới ai là phải đi sim trước để tìm hiểu nhau, sau đó mới hỏi ý kiến gia đình 2 bên. Vào cái tuổi 14 - 15, con trai, con gái đã đi sim rồi. Trong những đêm sim, trai gái người Pa kô không bao giờ nói thẳng tâm sự của mình mà mượn những câu ca dao, tục ngữ, những làn điệu dân ca. Làn điệu Tê Ra Tếch, là một trong những làn điệu được trai gái người Pa Kô thường xuyên sử dụng trong những buổi đầu gặp gỡ. Đi sim - nét sinh hoạt độc đáo không chỉ thể hiện sự bình đẳng nam nữ trong hôn nhân, gia đình mà còn chứa đựng nhiều giá trị truyền thống của người Pa Kô. “Đấy là ngày xưa thôi, bây giờ lớp trẻ ít quan tâm đến truyền thống dân tộc lắm. Những làn điệu dân ca dưới ánh trăng đã bị thay thế bằng những bài hát tân thời trong quán karaoke. Đau xót hơn là lũ trẻ đánh liều “ăn trái cấm” để tình trạng mang thai ngoài ý muốn diễn ra phổ biến.

Luật tục của người Pa Kô ngày trước tuyệt đối cấm kỵ việc quan hệ tình dục trước hôn nhân. Nếu ai cố tình vi phạm sẽ bị làng phạt vạ rất nặng; nhẹ là phạt trâu, phạt bò để cúng Giàng; nặng thì sẽ bị đuổi khỏi làng” - ông Thăng buồn bã nói.

Rõ ràng là tục đi sim đã bị biến tướng và dần mất đi những nét đẹp truyền thống của luật tục này. Theo ông Kray Sức, nếu không bảo tồn và gìn giữ tục đi sim, có lẽ chỉ một thời gian không xa nữa phong tục này sẽ hoàn toàn bị xóa sổ. Sẽ không còn ai được nghe những câu hát giao duyên, không còn thấy những gia đình hạnh phúc được hình thành từ những đêm trăng đẹp, những làn điệu ngọt ngào, lãng mạn…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem