Giai đoạn cuối triều đại nhà Lý, nước loạn lạc, hậu cung thảm khốc, tất cả là do các bà thái hậu?
Giai đoạn cuối một triều đại phong kiến Việt Nam, nước loạn lạc, hậu cung thảm khốc là do các bà thái hậu
Thứ tư, ngày 22/05/2024 19:11 PM (GMT+7)
Nhà Lý về sau ngày càng suy yếu dẫn đến đất nước loạn lạc và nhà Trần nổi lên. Có nhiều lý do để một triều đại từ thịnh đến suy nhưng riêng nhà Lý thì phải kể đến ảnh hưởng tiêu cực của các thái hậu.
Nhà Lý là triều đại huy hoàng trong lịch sử phong kiến Việt Nam, với 9 đời vua và kéo dài 2 thế kỷ. Trong khoảng thời gian này, nền văn hóa nước ta phát triển rất mạnh khiến lân bang phải kính nể, thần phục.
Sự ổn định tương đối dài trong thời gian đầu giúp nhân dân an cư lạc nghiệp và nhiều ngành nghề phát triển.
Thế nhưng, nhà Lý về sau ngày càng suy yếu dẫn đến đất nước loạn lạc và nhà Trần nổi lên. Có nhiều lý do để một triều đại từ thịnh đến suy nhưng riêng nhà Lý thì phải kể đến ảnh hưởng tiêu cực của các thái hậu.
Bắt đầu từ Linh Chiếu hoàng thái hậu, vợ vua Lý Thần Tông, mẹ vua Lý Anh Tông là người làm nhà Lý suy yếu.
Trong vai trò thái hậu, bà nâng đỡ quyền thần Đỗ Anh Vũ lộng hành, hãm hại nhiều trung lương khiến nhà Lý hết lương thần. Và khi xã tắc hết người giỏi đảm trách các sứ mệnh nặng nề thì cỗ máy bắt đầu trục trặc.
Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” chép: Khi nhà vua mới lên ngôi, không cứ việc lớn hay nhỏ, đều do Anh Vũ quyết định cả. Hắn ra vào nơi cung cấm, tư thông với Lê Hậu (tức Linh Chiếu).
Nhân thế, Anh Vũ lại càng kiêu rông: Ở triều đình hắn vén tay, quát tháo, chỉ huy người bằng cách hất hàm, sai bảo người bằng khí sắc. Mọi người đều hé mắt sợ sệt, không ai dám nói gì.
Sau Linh Chiếu hoàng thái hậu là Chiêu Linh hoàng thái hậu (vợ vua Lý Anh Tông). Bà không phải mẹ ruột của Lý Cao Tông, nhưng ở ngôi thái hậu lại mưu việc phế lập ngôi vị cho con ruột của mình là Long Xưởng lên thay (Long Xưởng từng được phong làm thái tử nhưng Lý Anh Tông không chọn mà để Lý Cao Tông 3 tuổi lên nối ngôi). Sự việc không thành nhưng suýt làm lung lay triều Lý và cũng khiến lòng người ly tán.
Cụ thể, trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn chép: Đầu năm 1178, sau khi mãn tang tiên đế Anh Tông, thái hậu mở tiệc ở trong điện và chiêu dụ quan lại hòng lập mưu gây sức ép buộc Cao Tông phải thoái vị, nhưng các đại thần đều một lòng nghe theo Thái úy Tô Hiến Thành, người lĩnh quản cấm binh, khiến mưu sự không thành.
Sau khi thuyết phục các quan không được, bà tìm đến Tô Hiến Thành. Biết ông là người trung thực, khó mà mua chuộc, bà sai người đến gặp riêng vợ ông là Lữ phu nhân, đưa rất nhiều ngọc ngà châu báu.
Ông biết được rồi than rằng: Ta nhận mệnh tiên đế dặn lại giúp vua bé, nay lấy của đút mà bỏ vua nọ lập vua kia thì làm sao gặp tiên đế ở suối vàng?
Một hôm, thái hậu lại triệu ông vào mà thuyết phục, lời nói rằng: Ông đối với nước nhà có thể nói là người trung đấy, nhưng tuổi tác của ông cũng đã đến lúc về chiều rồi vậy mà lại đi giúp một ông vua nhỏ bé thì những việc ông làm ai biết cho?
Chi bằng lập vua lớn tuổi, có lớn tuổi thì kẻ kia mới biết mà đem sự ban thưởng của một vị vua hiền đức đến cho ông, rồi ông sẽ được giàu sang mãi mãi, há không phải đẹp đẽ hay sao?
Nhưng Tô Hiến Thành đáp lại: Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có vui làm. Lời tiên đế còn ở bên tai, thần không dám vâng mệnh. Thái hậu phẫn uất nhưng không làm gì được.
Thấy không thuyết phục được Tô Hiến Thành, thái hậu đành mưu việc tạo binh biến. Trong đêm, bà triệu gấp con trai vào cung bàn kế.
Long Xưởng vừa sợ vừa mừng, bèn dùng chiếc ghe nhỏ đi theo sông Tô Lịch để vào cung. Tô Hiến Thành nhận được mật báo, chấn chỉnh quân đội hoàng cung, ngăn cản Long Xưởng vào cung. Long Xưởng không thể vào được, đành phải rút lui. Việc mưu phế lập không thành, thái hậu từ đấy từ bỏ việc phế lập, rút lui khỏi chính trường.
Sau vụ đó, Chiêu Linh hoàng thái hậu bị giam trong hậu cung, còn mẹ đẻ của Lý Cao Tông là Đỗ Thụy Châu lên làm Chiêu Thiên Chí Lý hoàng thái hậu. Bà cũng tham nhũng quyền lực khiến nhà Lý càng đổ nát.
Tiếp đến là Đàm thái hậu, vợ vua Lý Cao Tông cũng góp phần khiến nhà Lý sụp đổ nhanh. Năm 1210, Cao Tông hoàng đế băng hà. Đàm thái hậu phong em trai là Đàm Dĩ Mông làm Thái sư, cùng thái hậu trông coi triều chính, Huệ Tông không can dự vào. Từ đó, chính sự nhà Lý càng thêm bất ổn.
Lời bàn:
Linh Chiếu hoàng thái hậu trọng dụng Đỗ Anh Vũ vì tư tình, Chiêu Linh hoàng thái hậu mưu đảo triều chính vì muốn có ngôi cho con trai, Chiêu Thiên Chí Lý hoàng thái hậu dùng em trai bất tài Đỗ An Di, Đàm thái hậu phong em trai Đàm Dĩ Mông ít học nhưng làm Thái sư...
Mấy triều liên tiếp bị các bà thái hậu âm mưu dùng những kẻ bất tài thì nhà Lý làm sao mà duy trì được sự thịnh vượng.
Chính các bà thái hậu vì tư tình và tham quyền lực đã đẩy nhà Lý từ thịnh thành suy. Điều nguy hiểm ở đây là việc các bà thái hậu lợi dụng địa vị, chức vụ để tham nhũng quyền lực, dùng người bất tài và hậu quả là đã kéo đổ một triều đại hưng thịnh.
Tiền của đặt sai chỗ sẽ biến thành rác. Nhân tài nếu đặt sai vị trí sẽ trở thành kẻ bất tài. Và người bất tài được đặt sai vị trí, nói cách khác là “ngồi nhầm” ghế, thì sẽ trở thành kẻ phá hoại.
Tiếc rằng, không chỉ có ngày xưa mà ngày nay “ngồi nhầm” ghế đã trở thành “căn bệnh” trầm kha. Và đáng lo là bệnh ngồi nhầm đã lan từ bên ngoài vào trong trường học; rồi ngược lại, từ trường học lan ra ngoài, những cái “ghế do học sinh ngồi nhầm lớp”, được nhà trường cấp “bằng” ra làm “công bộc” đã kiềm hãm sự phát triển của đất nước, của xã hội. Và chỉ có những “cái lò nóng” mới là thuốc đặc trị để loại trừ căn bệnh này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.