Đây là món quà lưu niệm nặn bằng đất được làm bởi dân một làng cổ ở Hội An của Quảng Nam
Đây là món quà lưu niệm nặn bằng đất được làm bởi dân một làng cổ ở Hội An của Quảng Nam
Trần Hậu - Tuyết Nhung
Thứ sáu, ngày 08/09/2023 18:58 PM (GMT+7)
Là người Hội An hay những du khách từng đến tham quan phố Hội, chắc chắn hình ảnh các nghệ nhân vo vẽ những con tò he đất đã không còn xa lạ. Những sản phẩm truyền thống quen thuộc ấy đã gắn liền với ký ức tuổi thơ của bao thế hệ tại làng nghề làm gốm truyền thống Thanh Hà (phường Thanh Hà, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam).
Phố cổ Hội An là điểm đến du lịch hấp dẫn du khách bởi nếp nhà cổ kính, phong cảnh hữu tình, con người thân thiện và những giá trị văn hoá truyền thống lâu đời. Trong đó, nghề làm tò he đất (hay còn gọi là con thổi) được các nghệ nhân trong làng gìn giữ và phát triển, tạo nét văn hóa riêng biệt mang hồn phố cổ.
Dạo bước tham quan làng gốm vào một ngày hè, du khách sẽ nhìn thấy các nia tò he được phơi khắp các ngõ ngách. Cạnh đó là những người thợ với đôi bàn tay khéo léo đang nặn tò he, "biến" nắm đất sét thô cứng thành tác phẩm có hồn.
Bà Vũ Thị Bình (68 tuổi) – Chủ cơ cở sản xuất gốm thủ công mỹ nghệ Nguyễn Thành Long chia sẻ: "Tò he là đồ chơi rất quen thuộc với trẻ em Quảng Nam, nhưng khi xưa nó chỉ được làm từ một cục đất sét vo tròn hoặc vuông, rồi đục lỗ thổi để tạo âm thanh "te te" nghe vui tai.
Khi khách du lịch đến với Hội An nhiều hơn, thì người làm gốm Thanh Hà sáng tạo nên những con tò he vui nhộn, hình 12 con giáp để đa dạng hóa các sản phẩm truyền thống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và phục vụ du khách tham quan".
Để tạo ra những con tò he xinh xắn, ngộ nghĩnh, các nghệ nhân đã phải trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ và công phu.
Đất sét nâu được lấy dọc sông Thu Bồn là nguyên liệu chính để làm tò he, cũng là loại đất được dùng để làm gốm ở Thanh Hà. Ngày xưa, người dân thường dùng ghe thuyền để chở đất về làng, nhưng hiện nay đời sống hiện đại hơn, nên mỗi nhà đều tự thuê xe chở đất về để dành làm quanh năm.
Đất sét thô để lâu dưới nắng sẽ rất cứng, nên người thợ phải xử lý qua nhiều công đoạn. Đất được băm nhỏ và xới ba lần, rồi ray mịn để có hỗn hợp đất mỏng mịn, tiếp tục rưới nước lên rồi dùng chân đạp đất cho thật dẻo và nhuyễn. Nếu xử lý đất càng kỹ thì sản phẩm càng chất lượng và đẹp hơn.
Dụng cụ để làm tò he rất đơn giản, được người thợ tận dụng từ chiếc đũa, cây viết, con dao và thậm chí là từ những thứ nhặt ngoài đường như ốc vít, miễng chai….
Giữ gìn nghề truyền thống
Hơn 20 năm gắn bó với nghề nặn tò he ở làng Thanh Hà, bà Nguyễn Thị Hạng (68 tuổi) cho hay: "Nặn tò he nghe thì đơn giản, nhưng để làm ra một sản phẩm đẹp cả về hình thức lẫn âm thanh thì không hề dễ dàng. Từ đất sét đã được nhào nhuyễn, tôi chia thành những nắm nhỏ và vo cục tròn.
Dựa vào trí tưởng tượng, tôi mô phỏng lại hình dáng đặc trưng của từng con vật để nặn nên một con tò he hình con khỉ, gà, trâu…. Sau khi khối đất đã khô ráo, thì dùng que nhọn vẽ trang trí, tạo đường nét khuôn mặt, bộ lông sao cho sinh động, rồi khoét lỗ thổi. Khoét lỗ phải canh góc độ phù hợp để khi thổi hơi vào âm thanh phát ra nghe to và thanh".
Sau khi hoàn tất các công đoạn, tò he được phơi khô dưới nắng khoảng 3 ngày rồi đưa vào lò nung khoảng 20 tiếng. Tò he hoàn thiện có màu đỏ gạch thô sơ, mộc mạc của đất sét Thu Bồn. Nếu muốn tò he bắt mắt hơn thì người thợ sẽ quét lên một lớp sơn nhũ, sơn bóng màu đỏ hoặc men gốm.
Theo bà Hạng, làm tò he hình con rắn là dễ nhất, khó nhất là con rồng. Song, mỗi sản phẩm đều yêu cầu người thợ phải khéo léo trau chuốt, kiên nhẫn, tỉ mỉ trong từng đường nét, hoa văn, cầu kỳ tạo kiểu dáng thì tò he mới giống thật, tinh xảo và hút khách.
Là người làm tò he lâu năm ở làng nghề, bà Hường cho biết: "Bên cạnh việc nặn tò he để bán, thì cửa hàng tôi còn thường xuyên đón tiếp các đoàn khách du lịch đến tham gia trải nghiệm làm gốm, tự tay làm ra sản phẩm truyền thống. Trong đó, tò he là sản phẩm rất được du khách yêu thích và mua về làm quà lưu niệm".
Mùa nắng là thời điểm thuận lợi để người làng Thanh Hà phơi và làm tò he, đồng thời đây cũng là mùa du lịch nên lượng khách đến Hội An rất đông, tò he bán chạy và đem lại cho người dân nguồn thu nhập ổn định.
Giá của một "chú tò he" dao động từ 5.000-10.000 đồng, trung bình mỗi người thợ làm ra 1.000-2.000 con tò he/tháng, đem lại nguồn thu nhập khoảng 5 triệu đồng.
Đứng trước những thách thức lớn trong xu hướng phát triển hiện đại, những người thợ làm tò he ở Hội An đã không ngừng sáng tạo để "làm mới", khắc phục và phát triển làng nghề lâu đời. Những con tò he phố Hội đã trở thành món quà mang đậm hồn cốt dân tộc, là nét đẹp văn hóa đặc trưng góp phần níu chân du khách thập phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.