Đây là nông dân đầu tiên ở vùng Cao Phong của Hòa Bình có tài "bắt" cây cam mọc quả ở thân

Hoài Linh Chủ nhật, ngày 26/05/2024 05:29 AM (GMT+7)
Anh Lê Xuân Tốt, ở khu 3, thị trấn Cao Phong là người đầu tiên ở thủ phủ cam Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) sáng tạo ra cách “ép” cây cam ra quả từ thân. Đây là cách làm đầy sáng tạo mang lại hiệu quả “kép”.
Bình luận 0

Vợ chồng anh Tốt có 2 vườn cam. Anh chị đã trồng cam được cả chục năm có lẻ. Bao năm gắn bó với cây có múi, nên anh cũng nếm đủ cả thành công lẫn thất bại. 

Đây là nông dân đầu tiên ở vùng Cao Phong của Hòa Bình có tài

Anh Lê Xuân Tốt bên cạnh vườn cam xanh tốt của gia đình. Ảnh: Tuệ Linh.

Mấy năm gần đây cây cam không còn mang lại tiền tỷ cho người nông dân nữa khiến nhiều người mang nợ vì trồng cam.

Theo anh Tốt, dịch bệnh và giá cả xuống thấp đã đẩy vùng cam Cao Phong rơi vào tình trạng khó khăn. Dù gặp bất lợi về thị trường và dịch bệnh, nhưng anh Tốt vẫn kiên trì làm và gia đình anh sống ổn từ cây cam.

Hôm chúng tôi đến thăm vườn, vợ chồng anh Tốt đang tất bật bón phân cho cây. Nhiều nhà vườn xung quanh đã chuyển sang trồng ngô, trồng chuối, nhưng vườn cam của vợ chồng anh vẫn lên xanh tốt. 

Anh còn biết cách truyền dịch để duy trì sự sống cho vườn. Từng cây cam gốc to khỏe vươn cành lá tươi tốt. Mỗi năm anh vẫn thu được hơn 20 tấn cam.

Theo chia sẻ của anh Tốt, giá cả có xuống đôi chút, chịu khó thay đổi cách làm thì người trồng cam vẫn sống ổn. 

Thực tế là nhiều nhà vườn phá bỏ cam, nhưng vợ chồng anh vẫn trồng mới. Anh Tốt tin rằng, cây cam không phụ người trồng. Chất lượng cam Cao Phong đã được khẳng định trên thị trường. Giờ là lúc nhà vườn phải kiên trì chăm sóc.

Đây là nông dân đầu tiên ở vùng Cao Phong của Hòa Bình có tài

Nhiều nhà vườn xung quanh anh Tốt, khu 3, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) đã chuyển sang trồng ngô, trồng chuối, nhưng vườn cam của vợ chồng anh vẫn lên xanh tốt. Ảnh: Hoài Linh.

Không chỉ tìm cách "bắt bệnh" và cứu cây bằng cách truyền dịch, anh Tốt còn có cách làm sáng tạo hơn là ép cây cam ra quả từ thân. 

Ý tưởng này của anh bắt nguồn từ việc xem cách các lão nông ở vùng vải Lục Ngạn (Bắc Giang) cho cây vải ra quả từ thân. Vốn là người yêu cây, nên anh Tốt cũng tự mày mò và tìm cách cắt tỉa tán cây cam, làm sao để chúng có thể ra quả từ thân.

Thời gian đầu anh Tốt làm thử trên vài cây, nhưng kết quả chưa được như anh mong muốn. Cứ sau mỗi lần chưa thành công là một lần anh rút ra được kinh nghiệm. Khác với cây vải, cây cam ra lộc rất mạnh vào mùa xuân. Theo đó hoa cũng theo cành lộc ra rồi đậu quả.

Đây là nông dân đầu tiên ở vùng Cao Phong của Hòa Bình có tài

Sau nhiều lần thất bại, anh Tốt đã thành công trong việc ép cây cam ra quả từ thân. Trang trại trồng cam Cao Phong của anh Tốt ở khu 3, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình). Ảnh: Hoài Linh.

Muốn cây đậu quả theo ý, việc quan trọng nhất là ép cành lộc ra từ thân. Thay vì cắt tỉa các cành nhỏ mọc ở thân như mọi năm, anh Tốt lại nuôi các cành đó. 

Tán phía trên anh cắt mạnh để "ép" cây dồn dưỡng chất vào các cành mọc ở thân. Sau 2 vụ làm thử nghiệm, anh đã bước đầu gặt hái được thành công.

Cây cam đã dần phải ra quả theo ý của anh Tốt. Thay vì chúng đậu quả sai chi chít ở đầu cành, giờ từng chùm quả đậu ở thân nom thật đẹp mắt. Mỗi chùm treo từ 5 đến 10 quả. 

"Việc cây cam ra quả ở thân sẽ có nhiều cái lợi. Thứ nhất quả to, đẹp và đều. Hơn nữa do cây đậu quả ở tầm thấp, dễ chăm sóc và thu hái, giảm được công. Việc cắt tỉa mạnh trên tán sẽ làm trẻ hóa cây.

Sau mấy năm làm thử nghiệm, tôi sẽ theo dõi tiếp vụ này, nếu như cả loạt cây cam cho quả đều đặn, tôi sẽ làm trên diện rộng", anh Tốt cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem