Một cây đa cổ thụ khổng lồ ở Hòa Bình, bia đá cổ ghi chép về cây có từ thời vua Lê Kính Tông

Thứ sáu, ngày 26/05/2023 15:15 PM (GMT+7)
Tại bảng giới thiệu cây đa cổ thụ ở xóm Bào, xã Thanh Hối (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) có từ thế kỷ XVII, thời vua Lê Kính Tông (1600-1619). Cây đa cổ thụ cao 36m (vượt tiêu chuẩn 11m), chu vi gốc 21,4m (vượt tiêu chuẩn 6,4m), cây có tán lá vươn rộng tới 60m...
Bình luận 0

Tại bảng giới thiệu cây đa cổ thụ ở xóm Bào có từ thế kỷ XVII, thời vua Lê Kính Tông (1600-1619). Cây đa cổ thụ cao 36m (vượt tiêu chuẩn 11m), chu vi gốc 21,4m (vượt tiêu chuẩn 6,4m), cây có tán lá vươn rộng tới 60m. 

Nhìn từ 4 hướng đều có hình dáng cây cảnh vĩ đại, điểm đặc sắc ở các cành thẳng đều có hình dây đa leo, vương giả anh hùng. Các cành la có tất cả 17 rễ phụ, dáng đơn như cột trụ chống trời, dánh kép xoắn vào nhau như dây thừng bện, cắm xuống đất vững chắc, chống đỡ cho 12 cành vươn xa, bốn mùa lá đa xanh tốt, phủ kín một vùng.

Về lịch sử, cây đa trăm rễ, nghìn cành nhưng có hai cành chính bị cụt là do bom đạn giặc Mỹ đánh phá bằng không quân, tiếp sau là gió bão đánh gãy vào các năm 1968-1970. Trong những năm giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, tán lá cây đa vươn ra, che chở cho cả đơn vị bộ đội tên lửa và pháo phòng không bảo vệ bầu trời miền Bắc XHCN. 

Cụ thể là kho vũ khí phục vụ chiến trường 3 nước Đông Dương, có tên là Kho 05 (ở trong các hang núi Mãn Đức) và cũng là lá chắn chở che vòng ngoài cho phía tây Hà Nội. Năm 1962, tại gốc đa xóm Bào, dân quân du kích địa phương nêu cao tinh thần cảnh giác đã bắt được tên biệt kích nhảy dù xuống ẩn nấp trong gốc đa.

Về văn hóa, các cụ già cho biết, cây đa này rất linh thiêng, cổ kính, có tên trong bài mo sử thi 14 đêm "Đẻ đất, đẻ nước" nổi tiếng của dân tộc Mường ở chương "cuối lìa" do ông mo đọc lời khấn để đưa linh hồn người mới chết đang tập trung dưới gốc đa (đợi nam tào, bắc đẩu) đưa lên trời làm con dân thượng đế. 

Một cây đa cổ thụ khổng lồ ở Hòa Bình, bia đá cổ ghi chép về cây có từ thời vua Lê Kính Tông - Ảnh 1.

Cây đa cổ thụ xóm Bào, xã Thanh Hối (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) là ây đa di sản Việt Nam. Cây đa cổ thụ khổng lồ ở Hòa Bình, bia đá cổ ghi chép về cây có từ thời vua Lê Kính Tông ở đầu thế kỷ thứ 17...

Ngày xa xưa, đi từ Lạc Sơn ra Kỳ Sơn bằng đường mòn qua các xóm làng, tới cây đa xóm Bào thường nghỉ chân tránh nắng hoặc họp chợ dưới gốc đa rợp bóng mát. Khoảng năm 1950, giặc cờ đen, cờ vàng kéo đến đốt chợ, lều quán của bà Hảo, người Kẻ Chợ làm (tựa) vào gốc đa cũng bị cháy để lại vết tích cho đến bây giờ. Khoảng năm 1920-1925, thực dân Pháp lấy sức dân làm đường 12, từ đó, khách bộ hành không đi qua cây đa xóm Bào nữa.

Theo truyện cổ dân tộc Mường, có một chuyện tình về cây đa là con trai thần mặt trăng gặp cây lội là con gái vua Khú ở bờ suối (khú là chúa tể của muôn loài dưới nước), họ lấy nhau sinh được một con tên là Sáo. 

Biết chuyện con gái lên trần chơi lấy chồng sinh con, vua Khú tức giận làm nước dâng lên, con cháu sợ hãi phải chạy lên trời với thần mặt trăng. Sau 9 tháng, 12 ngày, cây cối trên mặt đất đã chết hết. Vua Khú tin rằng, con hư, cháu bỏ đã chết mới làm nước rút về sông, về biển như cũ. 

Vợ chồng Sáo được ông Bụt cho cây giống đem về trần gian trồng. Họ trở lại sống hạnh phúc ở bên bờ suối cũ. Từ đó, Sáo và cây cối cùng lớn lên đơn hoa kết trái, mọc trên đồi núi thành rừng, phủ xanh kín cả trần gian, mặt đất. 

Theo tục lệ hàng năm, vào ngày mồng 8 tháng giêng là ngày lễ Khuống mùa - nay gọi là lễ hội Khai hạ, người chủ gia đình các xóm Bào, Tam đều chuẩn bị một mâm xôi gà, ngũ quả, hương hoa đưa đến chùa Tam cũng bái thành hoàng để cầu xin sức khoẻ cho gia đình, cầu trời làm mưa thuận, gió hòa, mùa màng no đủ… rồi bà con trở lại gốc đa xóm Bào dự lễ khai hạ đầu xuân.

Theo lời các cụ già 100 tuổi qua các thế hệ kể rằng: Đã mấy trăm năm, cây đa này là chứng nhân của bà con tổ chức lễ hội Khuống mùa - Khai hạ vào ngày 7 tháng giêng theo lịch Mường, ngày lui tháng tới - tức mồng 8 tháng giêng theo âm lịch. 

Các bố mế và trẻ nhỏ, nam - nữ thanh niên đến trung niên xúng xính trong bộ quần áo mới tập trung dưới tán lá cây đa cổ thụ hát thường rang, bộ mẹng, đánh cù, đi kheo, đánh mảng, ném còn. Tối đến, phường cồng chiêng đánh bài "đi đường" đến từng nhà hát chúc mừng năm mới, gia đình sức khoẻ, làm ăn kinh tế dưa thừa. 

Gia chủ làm thủ tục thưởng cho phường vài bát gạo ngon, đôi ba cái bánh chưng gói tròn hay con gà làm canh. Đôi bên đều có trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc… cho đến tận bây giờ.

Với những căn cứ trên, cây đa xóm Bào, mái chùa xóm Tam xứng đáng là cây di sản quốc gia kết hợp với lịch sử và du lịch.

Nguyễn Hữu Duyên (68/28 phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình) (Báo Hòa Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem