Dạy nghề làm lồng chim ở Thanh Oai: Chưa sát, chưa đạt

Thứ bảy, ngày 02/06/2012 09:40 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Giám sát lỏng lẻo, học hành phập phù... đó là thực tế được ghi nhận ở lớp dạy nghề làm lồng chim cho nông dân xã Dân Hòa (huyện Thanh Oai, Hà Nội).
Bình luận 0

Chương trình chưa sát

Dân Hòa có trên 9.000 dân với hơn 2.500 hộ thì có tới 90% hộ tham gia nghề làm lồng chim, trung bình mỗi gia đình có từ 5 – 6 lao động làm nghề này. Với những cơ sở có quy mô lớn như gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ, Nguyễn Thanh Sứ thì số lao động có lúc tăng gấp đôi, gấp ba tùy từng mùa và đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Nhờ vậy mà đời sống bà con ngày càng “thay da đổi thịt”.

img
Người làm nghề đan lồng chim ở xã Dân Hòa cần được học nghề đúng nhu cầu.

Năm 2011, Sở NNPTNT Hà Nội phối hợp tổ chức đào tạo 4 lớp dạy nghề làm lồng chim cho số lao động nông thôn từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và 1 lớp tập huấn nâng cao tay nghề cho các lao động đã có nghề để họ áp dụng các khoa học kỹ thuật tiên tiến vào làm nghề.

Anh Nguyễn Hòa Lâm, thôn Tiên Lữ, thành viên tham gia lớp học chia sẻ: “Tham gia lớp học, tôi được hướng dẫn cách chọn nguyên liệu mới là trúc (thay vì bằng nứa như trước đây) để lồng chim được tốt và bền hơn. Ngoài ra, khi học được tiếp xúc với các loại máy móc không phải làm thủ công nên giảm được ngày công. Được giao lưu với các bạn nghề, học hỏi những mẫu mã cách tân, hiện đại”.

Tuy nhiên, anh Lâm cho biết, tỷ lệ chuyên cần đi học không cao. Một số người không mấy quan tâm tới lớp học mà đăng ký học nghề để cho có… phong trào Anh Nguyễn Thanh Sứ, xóm Thế Hiển, thôn Canh Hoạch lý giải: “Chúng tôi là làng nghề nên nhiều người đã rất thạo nghề, có khá nhiều bí quyết làm nghề, trong khi lớp học lại bắt đầu dạy từ sơ đẳng cho những người chưa có nghề là chưa thực sự hợp lý. Bản thân chúng tôi cũng đã từng đi truyền nghề cho các làng khác và thấy chương trình đó chỉ phù hợp với người mới học”.

Thực tế, ngay cả anh Lâm- khi chúng tôi hỏi thời gian học và quá trình học như thế nào thì anh cũng lúng túng nói khi thì tập huấn 10 ngày, lúc lại 3 tháng. Tôi có chút tò mò muốn xem qua sách vở anh đã ghi chép thì anh nói: “Chúng tôi ngồi nghe cho biết chứ không ghi chép gì cả”.

Cần có các tiêu chí rõ ràng

Ông Nguyễn Đình Thủy – Chủ tịch UBND xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai khẳng định: 4 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối với nghề lồng chim xã Dân Hòa do Sở NNPTNT phối hợp với Hội Nông dân tổ chức. Thế nhưng, ông Nguyễn Đắc Chung – Chủ tịch Hội Nông dân xã Dân Hòa cho hay, Hội Nông dân chỉ phối hợp lập danh sách hội viên nông dân đăng ký tham gia, còn nội dung – giáo trình học nghề thế nào thì ông Chung không biết: “Và ngay cả xã chắc cũng không biết”- ông Chung chia sẻ.

“Chúng tôi đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển các làng nghề, khẳng định thương hiệu, tạo thế mạnh trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, khi dạy nghề gì, nội dung thế nào thì xã không được bàn bạc, tham gia”.

Bởi vậy, khi nông dân phản ánh về chương trình chưa phù hợp, đi học không chuyên cần thì UBND xã cũng như Hội Nông dân không có ý kiến vì: “Làm sao chúng tôi can thiệp được vào chương trình dạy của các trung tâm dạy nghề. Chúng tôi cũng không có chuyên môn để thẩm định xem họ dạy thế là đúng hay sai…”- ông Chung nói.

Về phía Hội Nông dân huyện, ông Nguyễn Hữu Nhất – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Oai cho biết: “Các lớp dạy nghề này thuộc chương trình khuyến công, có các tiêu chí riêng chứ không phải thuộc Đề án 1956 nên chúng tôi cũng không thể có ý kiến. Riêng về phía Hội Nông dân, chúng tôi cũng thắc mắc Đề án 1956 triển khai đã hơn 2 năm nhưng trên địa bàn chưa mở được lớp nào như vậy. Mặc dù Hội cũng đã nhiều lần đưa vấn đề này trao đổi với Phòng LĐTBXH huyện Thanh Oai nhưng đến nay vẫn không thấy trả lời”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem