Dạy thêm học thêm cần độc lập với nhà trường

Thứ tư, ngày 15/06/2016 09:22 AM (GMT+7)
Có nhiều ý kiến trái chiều về việc cấm dạy thêm học thêm nhưng nhiều người thừa nhận yêu cầu không dạy thêm với mục đích vụ lợi cho nhà trường, giáo viên là đúng và nên thực hiện.
Bình luận 0

img

Học sinh trong lớp học thêm sau giờ học chính khóa

Có tìm hiểu thực tế mới thấy, nhiều phụ huynh rất ức chế khi buộc phải cho con mình đi học thêm chính giáo viên (GV) đã dạy con mình cả ngày ở trên lớp và cũng không thể nói lại với nhà trường.

Một phụ huynh có con học Trường THCS Việt Nam - Angiêri (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Không biết có phải chủ trương của trường hay không nhưng lớp nào GV cũng tổ chức dạy thêm ngay tại trường 4 môn văn, toán, tiếng Anh và vật lý với mức học phí 50.000 đồng/học sinh (HS)/buổi. Lớp học 2 buổi/ngày rồi nhưng hết giờ HS vẫn tiếp tục ở lại để... học thêm. Con tôi phải học chính những cô giáo đã dạy mình, vẫn cô dạy tiếng Anh đó, thầy dạy toán kia... Ngày nào cháu cũng về nhà lúc hơn 6 giờ tối, mệt phờ và chán nản”.

Theo phản ánh của nhiều ông bố bà mẹ, dù không bắt buộc học thêm nhưng trên thực tế phụ huynh không tham gia sẽ gặp đủ hệ lụy kèm theo. HS bị phê bình trước lớp vì học đuối, phụ huynh cũng bị gọi điện phàn nàn về kết quả học tập của con... Mỗi lớp có trung bình 45 HS, nhiều phụ huynh tặc lưỡi thôi thì động viên con học để giải quyết vấn đề... thu nhập của GV, để thầy cô vui vẻ hơn.

Khái niệm “tựu trường” hay “khai giảng” ngày càng mất dần ý nghĩa khi học sinh phải cắp sách đến trường từ tháng 7 dù dưới hình thức bắt buộc hay “tự nguyện”.

Núp bóng trung tâm

Ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy rất hiếm trường công lập ở Hà Nội không tổ chức dạy thêm cho chính HS của mình. Nhiều trường vẫn có thể tổ chức học 2 buổi/ngày nhưng lại dành buổi thứ hai để dạy thêm các môn toán, văn, ngoại ngữ. Không ít trường THCS như Thái Thịnh (Q.Đống Đa), Nguyễn Trường Tộ (Q.Ba Đình) thay vì xây dựng một đề án tổ chức dạy thêm, học thêm theo đúng quy định thì lại núp bóng một trung tâm bồi dưỡng văn hóa để hợp thức hóa việc dạy thêm cho chính HS của mình. Trên thực tế, dù là “trung tâm” tổ chức dạy thêm nhưng HS vẫn học chính GV của mình. Chỉ có điều, phụ huynh sẽ phải trả mức học phí cao hơn so những trường tự đứng ra tổ chức vì chịu thêm khoảng 20% chi phí “đứng tên” của trung tâm nữa.

Vấn nạn dạy thêm không chỉ xảy ra với GV ở trường công lập mà trường ngoài công lập có mức học phí cao, phụ huynh cũng không thoát khỏi nỗi ấm ức này. Một phụ huynh có con học lớp 7 Trường THCS dân lập Đoàn Thị Điểm cho biết, gia đình chọn trường dân lập để việc học của con đỡ nặng nề, nhưng GV của trường vẫn tổ chức dạy thêm cho HS của mình ở cơ sở thuê bên ngoài sau giờ học.

Dù rất cần tình thương và sự hỗ trợ của ba mẹ khi học tại các trường chuyên biệt nhưng nhiều trẻ tự kỷ, down lại phải cô đơn khi hè về.

Thực tế, áp lực của các kỳ thi lớn như tuyển sinh vào lớp 10 và đại học khiến đa số bậc cha mẹ khó nói không với việc học thêm. Với những phụ huynh kỳ vọng cho con vào trường chuyên, trường đại học danh tiếng thì áp lực càng nặng nề. Một GV khối THPT chuyên cho rằng đề thi môn toán để tuyển HS lớp 10 nhưng độ khó lại ngang với đề thi HS giỏi của lớp 12. Cách ra đề như vậy thì không thể tránh khỏi những cuộc chạy đua cho các buổi học thêm triền miên.

Tuy nhiên, hầu hết phụ huynh có con đang học thêm đều có chung một câu trả lời, nếu được lựa chọn, họ sẽ vẫn cho con mình đi học thêm nhưng không phải theo cách như hiện nay các trường tổ chức.

Việc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng đề xuất cho học sinh nghỉ hè trọn vẹn 3 tháng đang khiến nhiều phụ huynh quan tâm và học sinh thì khấp khởi vui mừng.

Còn nặng thi cử, còn dạy thêm

Theo ông Lê Kim Long, Hiệu trưởng Trường THPT Khoa học giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, khi việc dạy 2 buổi/ngày ở trường thực sự đáp ứng được nhu cầu của người học, lớp học phân loại theo từng đối tượng cụ thể và bố trí GV phù hợp để dạy thì lúc đó việc dạy thêm sẽ không bị coi là vấn nạn nữa.

Anh Nguyễn Quốc Vương, một nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Nhật trong bài viết bàn về dạy thêm, cho rằng một khi trong giáo dục còn có sự lựa chọn dựa vào thi cử, chừng ấy sẽ còn có học thêm. Tuy nhiên, ở các nước, các hoạt động dạy thêm học thêm diễn ra độc lập với hệ thống các trường phổ thông. Ví dụ như ở Nhật, theo quy định của luật pháp, các GV đang giảng dạy tại các trường phổ thông thuộc hệ thống giáo dục quốc dân không được phép dạy thêm hoặc làm thêm nghề phụ ngoại trừ các nghề phụ đặc biệt có tác dụng hỗ trợ hoạt động chuyên môn (nghiên cứu, viết báo, dịch thuật). Vì vậy, ở trường phổ thông sẽ không có hoạt động dạy thêm. Các hoạt động dạy thêm học thêm sẽ diễn ra ở các trường “dự bị” hoặc các trung tâm luyện thi... Phụ huynh muốn bổ túc cho con môn học nào, muốn luyện thi vào trường nào sẽ có lớp và GV phù hợp đáp ứng.


Đà Nẵng, Bắc Giang không tổ chức dạy văn hóa trong hè
Ông Nguyễn Tiến Khải, Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương (Đà Nẵng), cho biết dịp hè HS được nghỉ hoàn toàn. Chỉ một số HS học yếu, phải thi lại để lên lớp, nhà trường tổ chức lớp bồi dưỡng miễn phí.
Những trường tiểu học, THCS đóng trên địa bàn Q.Hải Châu đều không tổ chức chương trình dạy hè. “Hè này chỉ có 2 trường tiểu học Trần Thị Lý và Lý Tự Trọng đăng ký dạy hè nhưng chỉ dạy năng khiếu theo chương trình quản lý HS ngoài giờ, tuyệt nhiên không dạy chương trình văn hóa”, bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng Giáo dục Q.Hải Châu, cho hay.
Sở GD-ĐT Bắc Giang có hướng dẫn hoạt động hè riêng với từng bậc học. Với tiểu học, thời gian nghỉ hè được ấn định tối thiểu 2 tháng, trong thời gian nghỉ hè, các trường không tổ chức dạy văn hóa tại trường. Với cấp trung học, sau khi kết thúc năm học đến ngày 31.7.2016, nghiêm cấm các trường tổ chức dạy thêm học thêm (trừ khối 12 chuẩn bị thi THPT quốc gia). Từ ngày 1.8, các trường có thể tổ chức ôn tập, phụ đạo cho HS.
Diệu Hiền - Tuệ Nguyễn

Cần thay đổi 2 điều
Từ khi Bí thư TP.HCM tuyên bố thành phố cần xóa việc dạy thêm học thêm trong nhà trường thì vấn đề tưởng im lìm từ mấy năm nay lại bùng lên.
Tôi không ủng hộ việc cho HS học thêm vì như thế sẽ mất nhiều thời gian cũng như HS sẽ không có giờ tự học, tự sáng tạo. Điều này không đúng với mục đích giáo dục chân chính. Tôi cũng không ủng hộ việc có những tổ chức dạy bồi dưỡng văn hóa từ lớp 5 đến lớp 12 vì những nơi này chỉ làm lệch lạc đầu óc trẻ con bằng những đề toán, bài văn bí hiểm.
Nếu chỉ dạy và học theo đúng chương trình trong sách giáo khoa thì có thể đậu trong những kỳ thi chuyển cấp không? Nếu phải học chương trình nâng cao hơn mới có thể trúng tuyển được thì lỗi do cách ra đề thi. Vậy nên rà soát lại chương trình học, cần sửa đổi cách soạn đề thi và chấm thi. Vấn đề là làm thế nào các thầy cô giáo dạy các kiến thức trong trường bảo đảm cho việc lên lớp và thi đậu chuyển cấp thì sẽ xóa nạn học thêm (nếu HS nào không theo kịp chương trình sẽ được học phụ đạo).
Việc nâng lương cho các thầy cô giáo đủ sống, tôi xin có đề nghị là ngân sách giáo dục tăng cho bậc phổ thông, như thế lương của các thầy cô giáo được nâng lên, bảo đảm đời sống vật chất, an tâm dạy dỗ lớp trẻ.
Nếu thay đổi 2 điều này, có thể trong một thời gian ngắn sẽ hạn chế việc dạy thêm học thêm. Không một phụ huynh nào muốn con mình “chạy sô” đi học điên cuồng cũng như không một thầy cô giáo nào thích dạy 12 giờ/ngày suốt tuần, suốt tháng, quanh năm.
Nguyễn Hồng Cúc
(Giáo viên tại TP.HCM)

Tuệ Nguyễn (Thanh niên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem