TP.HCM: Chấm dứt dạy thêm, học thêm từ 2016 liệu có khả thi?

Quốc Hải Thứ năm, ngày 09/06/2016 10:40 AM (GMT+7)
Tại buổi gặp gỡ với Bộ GD-ĐT, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho biết, sẽ kiên quyết “dứt điểm” tình trạng dạy thêm, học thêm từ năm học 2016-2017. Rất nhiều phụ huynh lẫn giáo viên ủng hộ quan điểm, tuy nhiên vẫn có không ít ý kiến phản đối bởi nếu chưa giải quyết gốc rễ vấn đề về bệnh thành tích, thu nhập của giáo viên… sẽ xảy ra nhiều “biến tướng” khác nhằm lách luật dạy thêm, học thêm.
Bình luận 0

Cô N.T.T, giáo viên một trường THCS tại quận 3 nói, việc dạy thêm hiện nay là theo nhu cầu của học sinh, có cầu thì mới có cung. Nếu cấm đoán mà không cải tiến chương trình theo hướng gọn nhẹ hơn thì chắc chắn phụ huynh sẽ tìm cách cho con đi học thêm.

"Hiện nay, tôi thấy có xu hướng đang nở rộ là các bậc phụ huynh gọi điện “đặt hàng” giáo viên đến tận nhà để dạy con mình ngoài giờ. Nếu giờ mà cấm thì có quản lý hết được hay không" - cô giáo này băn khoăn.

Cô T cũng cho biết, thực tế, khá nhiều GV chểnh mảng dạy trong các tiết dạy chính khóa và bắt ép học sinh đi học ở nhà nếu muốn vượt qua những bài kiểm tra có “kiến thức nâng cao”. Nguyên nhân vì dạy thêm ở nhà có thu nhập quá “khủng”, nhiều thầy, cô giáo chỉ dạy mỗi tuần ba buổi ở nhà đã kiếm vài chục triệu đồng/tháng, trong khi dạy thêm ở trường thì thu nhập cũng chẳng bằng được 1/10 số đó.

Một giáo viên THPT tại quận 10 lại đặt vấn đề, thành phố chỉ cho phép tổ chức dạy thêm, học thêm tại các trung tâm ngoại ngữ, bồi dưỡng văn hóa ngoài nhà trường. Vậy ai sẽ mở được cơ sở dạy thêm đủ điều kiện như yêu cầu của thành phố? Phải chăng chỉ là những người có tiền hoặc quen biết mới làm được. Khi đó, nhu cầu của học sinh thì đông mà cơ sở dạy thêm thì hạn chế liệu có xảy ra tình trạng chèn ép giáo viên với mức lương rẻ mạt?

"Tôi cũng đang có con đang học phổ thông. Ở góc độ làm cha mẹ, tôi cũng muốn cho con học thêm không phải vì con học yếu, mà vì mong muốn con mình “vững” kiến thức để vào được những trường đại học top đầu" - giáo viên này cho hay.

Nhiều GV khác cho biết, nếu đã cấm thì cấm toàn bộ, không cho bất cứ chỗ nào dạy nữa. Một GV ở quận 1 thẳng thắn: "Nếu phát hiện dạy “chui” thì phải phạt nặng. Còn nếu chưa có chế tài mạnh mà vẫn hô hào cần dạy thêm, học thêm thì chỉ là… khẩu hiệu suông mà thôi".

img

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cũng tổ chức dạy thêm.

“Bốc thăm” để chọn trường, chọn lớp?

Liên quan đến quy định cấm dạy thêm, học thêm, ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Ánh Sáng cho hay, với góc độ là bậc phụ huynh có con đang theo học bậc phổ thông tại TP.HCM, ông cho rằng việc cấm dạy thêm, học thêm trong năm học 2016-2017 là rất khó thực hiện vì nhu cầu học thêm là có thực và rất lớn, có cung ắt sẽ có cầu và khi bị cấm cản thì người ta sẽ có những biện pháp “lách luật” khác nhau.  

Vì vậy, theo ông muốn chấm dứt dứt điểm tình trạng này phải cải tiến công tác tuyển sinh đầu cấp. Chẳng hạn như việc tuyển sinh ĐH hiện nay đã chấm dứt được tình trạng thí sinh “luyện lò”, bậc phổ thông cũng vậy, phải cải tiến khâu tuyển sinh đầu cấp thì sẽ hạn chế được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan.

“Tôi ví dụ, có thể tuyển sinh đầu cấp theo hướng… “bốc thăm”. Theo đó các trường sẽ tự lựa chọn hồ sơ thí sinh trên địa bàn và việc “bốc thăm” này sẽ do HĐND các địa phương tổ chức giám sát. Có như vậy thì mới công bằng và hạn chế dứt điểm tình trạng chạy trường, chạy lớp, dạy thêm học thêm” - ông Sáng nói.

Một chuyên gia giáo dục đang công tác tại ĐH Quốc gia TP.HCM rất đồng ý với “sáng kiến” này. Theo vị chuyên gia, thực tế khoảng cách chất lượng giữa các trường công lập ở nhiều quận huyện đã rất gần với nhau, thế nên việc “bốc thăm” chọn trường cũng có thể sẽ khả thi nếu được HĐND địa phương giám sát tốt.

Dù vậy, chuyên gia này cũng cho biết, cách tốt nhất để chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan vẫn là tìm cách nâng cao mức thu nhập cho giáo viên. Bởi, có một thực tế là thu nhập từ dạy thêm, học thêm thường cao gấp 5, 6 lần, thậm chí là cả chục lần so với thu nhập chính thức từ việc giảng dạy ở trường.

“Có khi giáo viên lại không truyền đạt hết kiến thức ở lớp mà sẽ dạy “chương trình nâng cao” để giúp học sinh vượt qua những kỳ thi với “kiến thức nâng cao”. Cứ như vậy tiêu cực sẽ tiếp nối tiêu cực và dạy thêm sẽ có nhiều cách núp bóng khác nhau rất khó triệt tiêu” - vị này nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem