ĐB Dương Trung Quốc: Lò nóng nhưng phải mong lò sớm vào bảo tàng

Lương Kết Thứ năm, ngày 31/05/2018 17:59 PM (GMT+7)
Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Trung Quốc (Đồng Nai), hình tượng lò nóng không chỉ thiêu cháy phẩm chất chính trị của những cán bộ hư hỏng nhưng đằng sau câu chuyện này là khối tài sản lớn của người dân, điều đó mới là xót xa.
Bình luận 0

Chiều nay (31.5), Quốc hội thảo luận tại tổ để cho ý kiến về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN -sửa đổi).

Phát biểu góp ý, ĐB Dương Trung Quốc đã nhắc lại lịch sử khi mới thành lập Nhà nước, Hồ Chủ tịch đã sớm nhìn ra các yếu tố có thể nảy sinh tiêu cực trong quá trình phát triển. Theo ông Luật PCTN đang đáp ứng yêu cầu rất lớn nhất là trong bối cảnh hiện nay đang có hiệu ứng xã hội lớn nên người dân kỳ vọng rất nhiều.

ĐB Dương Trung Quốc cho rằng, trong điều kiện hiện nay cơ quan kiểm tra còn mỏng không nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước. Mở rộng đối tượng trong lúc này là không cần thiết, không mang khả thi “Những người không có quyền lực thì không bao giờ lấy tài sản của nhà nước được, người không phải cán bộ nhà nước muốn lấy tài sản nhà nước chỉ có thể trộm cắp và cướp, việc này đã có Bộ luật Hình sự điều chỉnh. Còn lợi dụng quyền lực để chiếm công vi tư mới là tham nhũng”, ĐB Quốc nói.

img

Đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu tại tổ (ảnh PV).

Theo ĐB Quốc trong phòng, chống tham nhũng điều quan trọng là phải đạt mục tiêu cuối cùng. “Tôi nghĩ chúng ta đang rất hào hứng với hình tượng lò cháy ngùn ngụt, nhưng chúng ta cũng phải mong muốn ngày nào đó lò phải vào bảo tàng. Bởi lò nóng không chỉ thiêu cháy phẩm chất chính trị của những cán bộ hư hỏng mà đằng sau đó là khối tài sản lớn của người dân, điều đó mới là xót xa”. 

ĐB Quốc nói và cho biết thêm: Trong công tác PCTN cần đi đến nguyên lý lâu nay nhiều người vẫn nói, đó làm sao để cán bộ không dám tham nhũng, nghĩa là có chế tài mạnh mẽ; thứ hai không thể tham nhũng, nghĩa là có sự quản lý chặt chẽ; thứ ba không muốn tham nhũng, nghĩa là cán bộ có đời sống đảm bảo.

Về đối tượng kê khai tài sản, ĐB Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) bày tỏ quan điểm ủng hộ việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản như đề xuất của Ban soạn thảo, như vậy đảm bao phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. “Đây cũng là cách để chúng ta đề phòng, đề phòng từ xa việc tham nhũng. Với năng lực trình độ quản lý của chúng ta có thể còn nhiều khó khăn, không phải dễ ràng tổ chức thực hiện quy định mở rộng đối tượng kê khai tài sản. Nhưng chúng ta có quy định trong luật để cố gắng từng bước làm tốt hơn”, đại biểu Hạnh nói.

Cũng đề cập tới quy định đối tượng kê khai, ĐB Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nêu quan điểm ủng hộ mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản. “Mở rộng như dự thảo Luật vẫn chưa đủ, cần phải mở rộng hơn nữa, bởi vì tham nhũng từ đâu, từ dự án đầu tư, qua các công trình đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, mua sắm các thiết bị...những việc đó có “sân sau – lợi ích nhóm” như báo cáo thẩm tra đã đề cập. Tham nhũng tài sản nhà nước không chỉ đơn thuần những cán bộ nhà nước với nhau mà còn có trung gian”, ông Thanh nói.

ĐB Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: Tại kỳ họp thứ 4, Chính phủ trình 2 phương án nhưng cũng có những ý kiến đề nghị mở rộng thêm ra tất cả cán bộ công chức, viên chức từ cấp phó phòng trở lên đều phải kê khai tài sản; lại có ý kiến ngược lại đề nghị thu hẹp đối tượng phải kê khai, chỉ tập trung vào những đối tượng có nguy cơ tham nhũng cao hoặc những cán bộ trong diện được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm….

Qua tham khảo ý kiến của các ĐBQH cho thấy cũng còn nhiều ý kiến khác nhau, chủ yếu xuất phát ở việc nếu đối tượng kê khai rộng quá thì khó xác minh, thẩm tra đảm bảo tính xác thực của bản kê khai. Nếu vẫn tình trạng kê khai xong cất ngăn kéo thì mở rộng đối tượng kê khai ra cũng không để làm gì cả. Cách tiếp cận hiện nay của Chính phủ khi trình ra kỳ họp thứ 5 là đề xuất chọn phương án 1, tức phương án mở rộng đối tượng kê khai tài sản và cho rằng phương án này phù hợp với chủ trương của Đảng. Gắn với việc mở rộng đối tượng kê khai là các giải pháp xử lý, xác minh, thẩm tra bản kê khai tài sản đó.

“Tôi cho rằng tiếp cận như vậy cũng là hợp lý. Hiện nay, phương án này có các ưu điểm như: cách thức xử lý bản kê khai và tài sản kê khai có sự phân tầng, tức đối với mọi cán bộ công chức và viên chức từ phó phòng trở lên đều phải kê khai tài sản khi được bổ nhiệm lần đầu. Nhưng việc kê khai này chỉ phục vụ mục đích làm cơ sở dữ liệu, để có đầy đủ thông tin và khi có vấn đề, tức khi tài sản có sự tăng lên đột biến (từ 300 triệu đồng trở lên) hoặc khi có đơn thư khiếu nại tố cáo liên quan đến tài sản của đối tượng kê khai thì mới tiến hành xác minh chứ không phải tất cả mọi đối tượng kê khai đều xử lý như nhau", ĐB Tùng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem