ĐB Lưu Bình Nhưỡng: DN sợ kiện vì đối diện tham nhũng “Vô phúc đáo tụng đình”

Thế Anh Thứ tư, ngày 04/09/2019 12:14 PM (GMT+7)
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho biết: Trong trường hợp có tranh chấp giữa hai bên thì tốt nhất đưa ra toà để giải bài toán về lợi ích, nếu cứ để 2 bên cãi nhau, cơ quan nhà nước lại cậy mình là người quản lý, "người cầm cương” là rất nguy hiểm.
Bình luận 0

Tại Hội thảo “Truyền thông về hạ tầng giao thông nhìn nhận và định hướng” do Hội nhà báo VN và Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN phối hợp tổ chức sáng nay, các đại biểu Quốc Hội, lãnh đạo các Bộ, Ngành và các chuyên gia đã thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế khi đầu tư vào hạ tầng giao thông.

Trước những thông tin cho rằng, hiện nay việc kêu gọi đầu tư hạ tầng giao thông đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt nhiều nhà đầu tư lo ngại rủi ro khi tham gia các dự án trọng điểm, trao đổi với PV Dân Việt, Đại biểu Quốc Hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho rằng: “Nhiều doanh nghiệp rất sợ kiện ra toà bởi vì đối diện với một tham nhũng này đã chết rồi mà đối mặt tiếp với tham nhũng khác là “Vô phúc đáo tụng đình”.

img

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng.

Thưa ông, hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư BOT không dám tham gia đầu tư vào các dự án giao thông trọng điểm vì lo lắng rủi ro, ông đánh giá thế nào về việc này?

- Việc có thu hút được nhà đầu tư BOT hay không đều có nhiều vấn đề cần được làm rõ, bây giờ phải quay lại đánh giá toàn bộ quá trình thành lập dự án. Khi lập dự án chúng ta phải định đúng hay không đúng, sau đó mới đi đến quá trình thực hiện. Nếu chúng ta lập dự án đúng nhưng khi thực hiện lại không đúng thì cộng trách nhiệm,  ngược lại nếu sai từ đầu thì phải truy trách nhiệm của từng cá nhân, sai khâu nào thì phải chịu trách nhiệm ở đó.

Theo quan điểm của tôi cơ quan quản lý nhà nước đặt bút ký vào hợp đồng thì phải có trách nhiệm vì là chủ thể hợp đồng. Trong trường hợp có tranh chấp giữa hai bên thì tốt nhất  đưa ra toà để giải bài toán về lợi ích, nếu cứ để 2 bên cãi nhau, cơ quan nhà nước lại cậy mình là người quản lý, "người cầm cương” là rất nguy hiểm.  Đáng ra, cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm với doanh nghiệp khi cùng ký hợp đồng với nhau.

Trước những phản ánh của một số doanh nghiệp lo ngại khi khó khăn, xảy ra tranh chấp hợp đồng với cơ quan nhà nước họ không dám đưa ra toà để đòi quyền lợi, ông nhìn nhận thế nào?

- Cần phải nói, đây là một thói quen của người Việt, chúng ta chưa bám được kinh tế thị trường, chưa hành xử với nhau theo cơ chế thị trường, vẫn hành xử với nhau theo cơ chế xin cho. Có nhiều doanh nghiệp phản ánh với tôi, khi doanh nghiệp ý kiến thì Bộ lại chỉ đạo xuống doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp lại ỉ lại, hoặc có thể thay quân đổi tướng hay không muốn nhận trách nhiệm bởi vấn đề tiền bạc đang có dấu hiệu muốn chiếm dụng của nhau.

Tôi muốn nói một cách chân thành rằng, nhiều doanh nghiệp rất sợ kiện ra toà bởi vì đối diện với một tham nhũng này đã chết rồi mà đối mặt tiếp với tham nhũng khác là “Vô phúc đáo tụng đình”. Tiếp tục đối mặt thêm với tham nhũng trong hệ thống tham nhũng là nguy hiểm, từ hành pháp tới tư pháp thì người ta không thể chịu được, nếu không “chết thì chết luôn” doanh nghiệp họ luôn sẵn sàng.

Thưa ông, có phải từ những nguyên nhân trên khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài vào nước ta làm BOT còn hạn chế?

- Việc thu hút nước ngoài là cả một câu chuyện dài, không dễ gì mà Trung ương lại ra Nghị quyết, Bộ Chính trị ra Nghị quyết để xem xét lại đầu tư nước ngoài. Chúng ta đừng nghĩ là chúng ta thu hút họ khó hay dễ, chúng ta cứ hình dung nhà đầu tư nước ngoài họ tiêu từng đồng và hết sức thận trọng khi ở một môi trường xa lạ với họ. Đặc biệt, là khi họ đầu tư vào một môi trường có rất nhiều tham nhũng, cho nên vốn đăng ký của họ thì nhiều nhưng vốn trực tiếp đưa vào dự án thì ít.

Chúng ta phấn đấu vốn đến 25% - 50% đã là siêu đẳng, Tuy nhiên, với một hệ thống chính sách sớm nắng chiều mưa nhà đầu tư rất sợ họ không hiểu. Gần đây tôi còn nhận được rất nhiều ý kiến của nhà đầu tư nước ngoài rằng, phương pháp của họ tốt, giá thành thấp nhưng vẫn bị đẩy ra ngoài để đưa 1 ông có giá thành cao vào thầu, nên họ cho rằng có sân sau. Vậy chúng ta thu hút làm sao được đầu tư nước ngoài.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem