ĐB Quyết Tâm: "Nói giảm bao nhiêu tiền một đại biểu rất thiển cận"

Lương Kết Thứ hai, ngày 10/06/2019 14:35 PM (GMT+7)
Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Quyết Tâm, TP.HCM, nói việc giảm bao nhiêu tiền một đại biểu nó rất thiển cận và có một cái gì đó rất đau lòng.
Bình luận 0

img

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (ảnh quochoi.vn).

Sáng nay (10/6), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Phát biểu góp ý, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM bày tỏ cơ bản đồng ý với một số nội dung trong dự thảo sửa đổi, bổ sung 2 dự án luật trên và một số ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Đề cập về tổ chức bộ máy, ĐB Quyết Tâm cho biết, nói đến tổ chức bộ máy là nói đến cả HĐND, UBND các cấp. “Trước hết, nói về số lượng đại biểu, tôi đồng ý trong chừng mực nào đó chúng ta cần xem xét để giảm số lượng đại biểu một cách hợp lý nhưng đây là cơ quan dân cử, cần có tiếng nói rộng rãi, có sự đại diện hợp lý cho nhân dân nên cũng không chỉ nhìn vào số lượng đó để giảm đại biểu thì giảm bao nhiêu kinh phí”, ĐB Quyết Tâm nói và cho rằng đánh giá tác động như vậy là phiến diện và một cái nhìn cận cảnh không cần thiết, mặc dù đồng tiền của dân đóng thuế, của dân là rất quan trọng.

ĐB Quyết Tâm nói thêm, nói việc giảm bao nhiêu tiền một đại biểu nó rất thiển cận và có một cái gì đó rất đau lòng. “Tại sao lại phân tích đưa ra nhận xét như vậy…Tôi đề nghị phải trên nguyên tắc là hiệu quả, hiệu lực của tổ chức bộ máy đó để chúng ta tính toán chứ không phải chỉ vấn đề tiền và cũng không phải một cách máy móc là vấn đề biên chế. Tôi đề nghị Quốc hội cân nhắc kỹ vấn đề này”, ĐB Quyết Tâm nói.

Nói về vấn đề này, ĐB Nguyễn Anh Tuấn (Bình Phước) cho rằng, ngoài thực hiện tinh giản biên chế và làm sao hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì việc tăng hay không tăng biên chế quan trọng nhất là tính đến hiệu lực, hiệu quả khi sửa đổi luật. Luật Tổ chức Chính phủ cũng như Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới ban hành và có hiệu lực cách đây hơn 3 năm.

Về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh và cấp huyện, ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đề nghị xem xét cấp phó này trong tổng thể chức danh và tổ chức bộ máy Hội đồng nhân dân mỗi cấp, trên cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương thời gian qua.

“Theo tôi, luật cần quy định rõ tỷ lệ đại biểu HĐND chuyên trách trong tổng số ĐB. Đây là tỷ lệ để đảm bảo mỗi cơ quan HĐND cần có để tổ chức bộ máy hoạt động mang tính chuyên nghiệp và hiệu quả. Tại sao Quốc hội yêu cầu tới đây nâng tỷ lệ ĐB chuyên trách còn địa phương đặt nặng vấn đề giảm biên chế để quy định theo chiều hướng giảm đi”, ĐB Lâm nói.

Phát biểu tranh luận, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, trong quy định của luật không nên đi ngược với Hiến pháp. Hiến pháp đã quy định phân cấp, phân quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho Chính phủ trên 3 tiêu chí: Phân quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định số lượng đại biểu HĐND quyết định số lượng các ban HĐND, quyết định số Phó Chủ tịch HĐND hay trường trực HĐND tùy theo yêu cầu của từng thời kỳ.

Với UBND, Chính phủ có quyền quyết định số lượng thành viên của UBND, quyết định số lượng các cơ quan của UBND và quyết định số lượng Phó Chủ tịch UBND. “Như vậy, sẽ linh hoạt, phù hợp với yêu cầu đặt ra từng thời kỳ trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn, phù hợp với định hướng, chủ trương của Đảng. Chúng ta không nên quy định cứng nhắc trong luật để sau này có vấn đề thực tiễn đặt ra lại phải sửa luật”, ĐB Lê Thanh Vân nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem