ĐBQH băn khoăn "lái xe trở thành cử nhân luật thì sắp xếp việc làm thế nào"?
ĐBQH băn khoăn "lái xe trở thành cử nhân luật thì sắp xếp việc làm thế nào"?
Quỳnh Nguyễn
Thứ ba, ngày 25/06/2024 18:13 PM (GMT+7)
Đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) nêu một số băn khoăn, bởi qua thực tiễn thời gian qua nhiều đơn vị, nhất là những đơn vị mới thành lập cốt tuyển đủ người thôi chứ không tuyển người theo chuyên môn, theo vị trí việc làm.
Chiều 25/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.
Đánh giá cao về nội dung tăng lương theo tờ trình của Chính phủ, đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cho biết, việc tăng lương tại thời điểm này là phù hợp và đảm bảo được mức thu nhập ổn định, qua đó đông viên cán bộ, viên chức, người lao động làm việc, hoàn thành nhiệm vụ được giao tốt hơn.
Tuy nhiên, đại biểu Cừ cũng nêu một số băn khoăn, bởi qua thực tiễn thời gian qua nhiều đơn vị, nhất là những đơn vị mới thành lập cốt tuyển đủ người thôi chứ không tuyển người theo chuyên môn, theo vị trí việc làm.
Hiện nay đã xác định được vị trí việc làm thì mới thấy thiếu rất nhiều nhân sự không làm được việc, làm không đúng chuyên môn, nhưng cũng thừa rất nhiều nhân sự vì không biết làm gì.
Theo đại biểu đoàn Hà Nội, để cải cách tiền lương thì cần phải tích cực tinh giản biên chế. Tuy vậy, có đơn vị thừa đến hàng trăm người nhưng kể từ năm 2020 đến nay cũng không tinh giản biên chế được.
"Cũng có một số người khi tuyển vào là lái xe, nhưng đến bây giờ họ đã trở thành cử nhân luật. Bây giờ mà xếp họ vào vị trí luật là rất bí và cũng không dám bố trí việc khác hoặc tinh giản biên chế đối với họ", đại biểu Trương Xuân Cừ nêu thực tế.
Về thang bảng lương của lãnh đạo quản lý, đại biểu Cừ cho rằng, việc tăng lương, xếp lương đúng là sự động viên rất kịp thời. Nhưng trong công tác cán bộ của chúng ta hiện vẫn theo nhiệm kỳ, vẫn đủ 5 năm.
"Tôi lấy ví dụ một cán bộ vụ phó rất giỏi nhưng chỉ còn thời gian công tác 4 năm, trong khi vụ trưởng đã nghỉ hưu. Vậy thì vụ phó giỏi ấy có được bổ nhiệm không? Hay là một người khác, ở chỗ khác trình độ năng lực kém hơn lại được bổ nhiệm về, được hưởng mức lương cao vút lên. Tôi đã chứng kiến một vụ phó một tháng giải quyết được đúng 1 văn bản, trong khi đó 1 chuyên viên một tháng giải quyết được tới 97 văn bản. Cho nên nếu chúng ta không đổi mới về công tác cán bộ thì sẽ dẫn đến triệt tiêu nhân tài, việc tăng lương không đem lại hiệu qua cao trong công việc", đại biểu Cừ nói.
Trong khi đó, đại biểu Lý Anh Thư (Kiên Giang) đề nghị, khi điều chỉnh tăng mức lương cơ bản, lương hưu và trợ cấp thì cần chú ý kiểm soát giá các mặt hàng trên thị trường, tránh lập lại tình trạng "lương tăng thì giá tăng", cuối cùng là lương tăng không được bao nhiêu, làm giảm hiệu quả của việc điều chỉnh mức lương cơ sở.
Về các nội dung khác, đại biểu Lý Anh Thư cho biết, khi tiếp xúc cử tri và những đối tượng nhận trợ cấp xã hội thì đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình với mức tăng bảo trợ xã hội 500 nghìn đồng.
"Mức tăng bảo trợ xã hội như vậy ở thời điểm này là phù hợp với cái mặt bằng chung của cuộc sống". Đưa ra nhận định này, đại biểu lý giải, trong thời gian tới Chính phủ cũng có lộ trình từng bước tăng dần trợ cấp xã hội để phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước trong từng giai đoạn, từng thời điểm. Cùng với đó, Chính phủ sẽ triển khai chính sách hỗ trợ thêm với những đối tượng không có khả năng thoát nghèo.
Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày báo cáo của Chính phủ về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.
Theo đó, đối với khu vực doanh nghiệp thực hiện đầy đủ theo đúng Nghị quyết số 27, gồm 2 nội dung: Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng (theo tháng và theo giờ) theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng 6% áp dụng từ ngày 1/7/2024); Quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp Nhà nước (áp dụng từ ngày 1/1/2025 để phù hợp với năm tài chính của doanh nghiệp).
Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công), Chính phủ đề xuất trong thời gian chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương cho thực hiện giải pháp tăng lương khu vực công từ ngày 1/7/2024 với 3 nội dung.
Thứ nhất, thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2024 (chưa bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay). Theo tính toán của Bộ Tài chính, khi thực hiện đủ các nội dung cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết số 27 thì mức tăng tổng quỹ lương (không bao gồm tiền thưởng) của cán bộ, công chức, viên chức là 30,6%.
Căn cứ cơ sở đó, Chính phủ đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%). Với việc điều chỉnh này thì đương nhiên các đối tượng hưởng chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở cũng được tăng tương ứng mức 30%.
Về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội, Chính phủ đề xuất từ 1/7/2024 điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6/2024).
Đồng thời đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng.
Điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng/tháng (tăng 35,7%), cao hơn 5,7% so với mức tăng lương 30% của công chức.
Điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360 nghìn đồng lên 500 nghìn đồng/tháng (tăng 38,9%).
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, mức tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng (30%) là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở, cải thiện đời sống người hưởng lương và trợ cấp.
Đồng thời, việc tăng lương cơ sở góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị xã hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.