Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh có dấu hiệu của "tứ ệ" không?

Quỳnh Nguyễn Thứ ba, ngày 31/10/2023 19:54 PM (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đặt câu hỏi này về con đường thăng tiến của ông Nguyễn Công Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh, mới bị đề nghị xem xét kỷ luật vì sử dụng bằng giả.
Bình luận 0

Những ngày qua, thông tin Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã đề nghị xem xét kỷ luật đối với ông Nguyễn Công Thắng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh vì sử dụng bằng thạc sĩ giả gây xôn xao dư luận. 

Theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh, khi bảo vệ luận án và nhận bằng tiến sĩ, ông Thắng đã sử dụng giấy công nhận văn bằng trình độ thạc sĩ không do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp (giấy công nhận văn bằng giả) và dùng bằng tiến sĩ để thi nâng ngạch; ông Thắng đã vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc sử dụng giấy công nhận không hợp pháp, vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; vi phạm của ông đã ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, nếu con em của lãnh đạo có tư chất tốt, có đạo đức tốt thì việc được đề bạt, bổ nhiệm sẽ được dư luận, nhân dân ủng hộ. Nhưng nếu không phát triển khách quan, ỷ thế vào gia đình, quan hệ, để tiến thân nhanh chóng thì xã hội cực kỳ lên án.

Nói về trường hợp của vị Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh, đại biểu Lê Thanh Vân đặt câu hỏi, con đường thăng tiến của ông Nguyễn Công Thắng có dấu hiệu của "tứ ệ" đó là "nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ" hay không? 

"Trường hợp này đã xác định có biểu hiện sử dụng bằng giả. Như vậy anh có thuộc vào nhóm "tứ ệ" khi bổ nhiệm không?", ông Vân đặt câu hỏi.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh có dấu hiệu của "tứ ệ" không? - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân. Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho biết, ngày xưa gian lận về bằng cấp ở trường thi, trong xét tuyển quan lại là một trọng tội, phạm tội khi quân, lừa dối triều đình.

"Con người liêm sỉ lớn nhất là sự trung thực, trong trung thực thì trung thực học vấn, bằng cấp, sự liêm chính trong con đường quan trường đặc biệt phải coi trọng", ông Vân nói và cho rằng, hành vi dùng bằng giả để tiến thân là lừa dối Đảng, lừa dối dân về năng lực thật của mình.

Đại biểu Lê Thanh Vân cũng cho rằng, để lọt lưới trường hợp dùng bằng giả để tiến thân thì trách nhiệm thuộc về người tiến cử, đề cử nhân sự. Sau đó gắn với trách nhiệm cá nhân với tập thể thông qua phương án nhân sự đó.

"Phải xử lý trách nhiệm nhóm tiến cử, nhóm thông qua phương án nhân sự. Nhóm thông qua phương án nhân sự thì phải tách bạch trách nhiệm tập thể và cá nhân. Nếu cứ kỷ luật tập thể, không có trách nhiệm cá nhân thì có thể vẫn tái diễn vi phạm", ông Vân nói.

Ông Lê Thanh Vân nêu quan điểm, nếu tội phạm tham nhũng kinh tế gây ra hậu quả về tiền bạc chúng ta có thể khắc phục được, nhưng tội phạm lộng hành trong quyền lực, bố trí người không đủ tiêu chuẩn, dùng bằng cấp giả, gian dối vào bộ máy nắm giữ quyền lực thì hậu quả khôn lường.

"Loại tội phạm đó lợi dụng chức vụ quyền hạn, tham nhũng quyền lực, cần phải trừng trị hết sức nghiêm khắc, có như vậy thì mới ngăn chặn được những kẻ không đủ năng lực vào bộ máy, có ý đồ "chui sâu, leo cao", theo ông Lê Thanh Vân.

Trước đó, trao đổi với Dân Việt, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, thực tế từ xưa đến nay có không ít trường hợp "con ông cháu cha", "hậu duệ" nhưng tài năng, có phẩm chất đạo đức tốt thì hoàn toàn xứng đáng với vị trí được bổ nhiệm.  

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh có dấu hiệu của "tứ ệ" không? - Ảnh 4.

Nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Ông Quốc đánh giá cao Quy định 114 về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ mà Bộ Chính trị mới ban hành hồi tháng 7/2023. Theo ông, quy định này sẽ giúp công bằng hơn trong tuyển chọn người tài, loại bớt những người không tài mà lại có thế, cả "dòng họ làm quan" gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.

"Cái nguy hiểm trong xã hội này là người tài không được thu hút vào Nhà nước, bao nhiêu trí lực dồn chỗ khác, điều đó cũng tốt thôi nếu nhìn mặt bằng chung xã hội nhưng Nhà nước không còn là tinh hoa nữa, thậm chí đất nước biến thành một nơi cho người ta lợi dụng, mượn chỗ để làm việc riêng, mang lại lợi ích riêng cho mình, điều này cực kỳ nguy hiểm", ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Như Dân Việt thông tin, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh vừa họp xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm, trong đó có ông Nguyễn Công Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh vì sử dụng bằng giả.

Ông Thắng sinh năm 1983, có trình độ đại học chuyên ngành tài chính ngân hàng; đại học chuyên ngành luật; thạc sĩ kinh tế, chuyên ngành quản trị kinh doanh; thạc sĩ luật, chuyên ngành luật hình sự và tố tụng hình sự; tiến sĩ kinh tế, chuyên ngành kinh tế chính trị; cao cấp lý luận chính trị.

Ông Nguyễn Công Thắng được bổ nhiệm, giữ nhiều chức vụ quan trọng ở các địa phương và Tỉnh ủy Bắc Ninh, dù tuổi đời còn khá trẻ. 32 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Huyện ủy Tiên Du. 36 tuổi, ông Thắng được bổ nhiệm làm Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Ninh và sau đó là vị trí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem