ĐBQH Lê Thanh Vân: Khuyến khích, bảo vệ hiền tài, phải trừng trị thích đáng kẻ “cậy vây, cậy càng” ngáng trở

Lương Kết (thực hiện) Thứ sáu, ngày 31/07/2020 13:00 PM (GMT+7)
ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, nếu như Quy định về bảo vệ cán bộ đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đột phát được ban hành cũng là một nội dung quan trọng của “chiếu cầu hiền tài”. Đảng đến lúc thấy cần thiết phải bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung bằng quy định.
Bình luận 0

Mới đây, kết luận phiên họp thứ 18 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, nêu một trong những nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2020. Đó là sớm ban hành Quy định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Liên quan đến vấn đề này, PV có trao đổi với ĐBQH Lê Thanh Vân, ông nhìn nhận:

Thực ra việc ban hành Quy định trên càng sớm càng tốt. Thời gian vừa qua có nhiều cán bộ, đảng viên không có chỗ dựa để được bảo vệ khi họ muốn đổi mới, muốn đột phá, họ phải đơn phương một mình chịu trách nhiệm.

ĐBQH Lê Thanh Vân: Khuyến khích, bảo vệ hiền tài, phải trừng trị thích đáng kẻ “cậy vây, cậy càng” ngáng trở  - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì và kết luận phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (ảnh noichinh.vn)

Quy định nêu trên rất đáng làm nhưng phải làm thực sự chí thành, nghĩa là thành tâm, thực lòng, còn như ban hành quy định xong để đó thì không phải là chí thành. Đưa ra quy định nhưng cùng với đó là vấn đề thực thi, nếu có quy định mà không thực hiện được còn đáng sợ hơn trường hợp không có quy định.

Liên hệ rộng ra, nhìn vào quy định về bảo vệ người đứng ra tố cáo tiêu cực, tham nhũng, trên quy định thấy chí thành nhưng thực hiện lại không thấy chí thành. Có những lực lượng xấu, lực lượng lợi ích nhóm, họ có muôn phương nghìn kế để trừng trị lại người đã tố cáo. Tuy nhiên pháp luật chưa đủ sức bảo vệ người tố cáo, vậy thử hỏi ai còn dũng cảm đấu tranh nữa.

Quay trở lại với Quy định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, có thể nói đây là quyết tâm không chỉ từ ý tưởng cho đến lúc ban hành mà phải quyết tâm trong hành động mới thay đổi căn bản vấn đề.

ĐBQH Lê Thanh Vân: Khuyến khích, bảo vệ hiền tài, phải trừng trị thích đáng kẻ “cậy vây, cậy càng” ngáng trở  - Ảnh 2.

ĐBQH Lê Thanh Vân (ảnh quochoi.vn)

Nếu Quy định này sớm được ban hành sẽ khuyến khích những cán bộ, đảng viên có tài năng phát huy cao nhất năng lực của họ, ông nghĩ sao?

- Khuyến khích, bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đột phá là một nội dung quan trọng của "Chiếu cầu hiền" rất cần được ban hành hiện nay. Đảng đến lúc thấy cần thiết phải khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung bằng các quy định. Đây cũng như lời hiệu triệu, kêu gọi những người tài năng, có niềm tin để cống hiến, đề xuất, khởi xướng những việc làm có thể thay đổi tình thế.

Còn vấn đề rất quan trọng nữa là việc tổ chức thực hiện, việc tổ chức thực hiện phụ thuộc vào cán bộ lãnh đạo, đặc biệt người đứng đầu. Về thực trạng về cán bộ và người đứng đầu hiện nay thì liên quan đến câu chuyện "một bộ phận không nhỏ thoái hóa, biến chất".

Khi Quy định được ban hành và để đi vào cuộc sống cần sự quyết tâm và đòi hỏi trách nhiệm rất cao của người đứng đầu tổ chức Đảng các cấp và người đứng đầu chính quyền các cấp.

Theo ông khi Quy định nêu trên được ban hành nó sẽ góp phần loại bỏ được những kiểu cán bộ lãnh đạo chỉ làm kiểu an toàn để tránh va chạm, tránh vi phạm, khuyết điểm, thay vào đó sẽ có nhiều cách làm đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo?

- Nói về câu chuyện cán bộ lãnh đạo làm kiểu an toàn, tròn vai có nhiều biểu hiện. Thứ nhất, họ không dám làm gì để cho mình khỏi mắc vi phạm, khuyết điểm, đây là nhận thức sai lầm, theo quy định thì người ở vị trí lãnh đạo nào đó đều phải làm việc này, việc kia, không dám làm nghĩa là đã chống đối lại trách nhiệm cấp trên hoặc tập thể giao cho.

Không làm gì là vi phạm quy định phải bị trừng trị mới đúng nhưng nhận thức lâu nay người không làm gì coi như không mắc lỗi, không mắc lỗi thì không xử lý. Đây là điều cần phải nhận thức lại để làm sao để cán bộ đã ngồi lên vị trí nào đó họ có trách nhiệm phải làm, nếu không làm được phải nhường chức cho người khác.

Thứ hai, diện cán bộ lãnh đạo không làm là vì không biết gì, cấp dưới tham mưu thế nào thì làm thế, người không biết nghĩa là không xứng đáng ở vị trí đó cần phải thay ngay để sạch bộ máy.

Thứ ba là loại cố ý không làm, họ tính toán mưu lợi cho mình, cái gì có lợi cho mình thì làm, không thì thôi. Cả ba loại cán bộ này cần phải thay thế.

Phải khuyến khích những cán bộ đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Họ biết dù không có quy định rõ ràng trong nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhưng hàm chứa những nội dung rộng lớn hơn có thể vận dụng được để đột phá thì họ dám lựa chọn và chịu trách nhiệm khi thực hiện, điều quan trọng nhất là kết quả đạt được, mục tiêu đặt ra; kết quả đạt được nghĩa là phải thay đổi được tình huống tích cực hơn, còn mục tiêu là vì nước vì dân, vì lợi ích chung.

Như ông đã nói, quy định ban hành hay nhưng điều quan trọng nữa là phải thực hiện chí thành, như vậy cần phải có công cụ để kiểm soát việc thực hiện?

- Nếu như hành quy định khuyết khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá nhưng trên thực tế người đó vẫn bị kẻ xấu tìm trăm phương nghìn kế để diệt, như kiểu ganh tị, đố kỵ, "cậy càng, cậy vây" để trù dập một cách hèn mạt thì việc ban hành văn bản không có ý nghĩa.

Cần công cụ để kiểm soát, nếu như phát hiện ra ở đâu đó người đứng đầu hoặc cấp dưới của người đứng đầu hay tập thể ở đó có hành vi cản trở những người dám nghĩ, dám làm, dám phá rào thì phải xử lý thật nghiêm, để dân tin, để những người có dũng khí, có trí tuệ tin tưởng thì họ mới dám xả thân.

Thực tiễn luôn biến động, còn nhận thức của con người là một quá trình. Cho nên nhận thức của bậc đại trí, đại dũng mới có thể theo kịp thời cuộc, dự báo, tiên lượng được sự thay đổi của thời cuộc để có hành động. Tính dự báo của những người có tư duy vượt trội bao giờ cũng khác thường, vì khác thường nên hay bị số đông không hiểu cản trở. Bảo vệ người tài giỏi khi họ có những đột phá có thể làm thay đổi diện mạo, hiện trạng vì lợi ích chung là chủ trương rất đúng đắn, rất cần ủng hộ.

Xin cảm ơn ông (!)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem