ĐBQH, Thiếu tướng Ngô Ngọc Bình: Tăng thời hạn tại ngũ để tránh đổ nhiều xương máu

Hải Phong Thứ năm, ngày 13/11/2014 09:14 AM (GMT+7)
Chiều 12.11 thảo luận về Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) sửa đổi, những vấn đề gây ra nhiều ý kiến tranh luận trái chiều giữa các đại biểu Quốc hội vẫn là việc tăng thời hạn tại ngũ từ 18 tháng lên 24 tháng, tăng độ tuổi gọi nhập ngũ từ 18 - 25 tuổi lên 18 - 27 tuổi và có nên thực hiện nghĩa vụ thay thế...
Bình luận 0

Tại ngũ: 18 tháng hay 24 tháng?

Đại biểu (ĐB) đoàn Hà Nội Đỗ Kim Tuyến cho biết, về cơ bản ông đồng tình với một số thay đổi quan trọng của dự thảo Luật NVQS (sửa đổi), tuy nhiên vẫn còn một số băn khoăn. Về việc nâng tuổi gọi nhập ngũ, ông Tuyến cho rằng thực tế quân đội mỗi năm mới chỉ gọi nhập ngũ được khoảng 6% số người đến tuổi do điều kiện của quân đội chỉ đòi hỏi như vậy. Nay nới rộng độ tuổi gọi nhập ngũ lên 27 tuổi thì rõ ràng đối tượng trong diện phải nhập ngũ sẽ tăng lên, nhưng thực sự điều kiện của quân đội có đòi hỏi thêm không?

img

Đại biểu Ngô Ngọc Bình (TP.HCM) phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Hoàng Ngọc

ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) lại cho rằng việc nâng tuổi gọi nhập ngũ như vậy là hợp lý để tránh tình trạng thanh niên lợi dụng việc học để trốn thực hiện NVQS: “Hiện nhiều thanh niên lợi dụng “giấy gọi nhập học” để trốn tránh NVQS dù thực tế họ không theo học mà chỉ “loanh quanh để chờ thi đại học lại vào năm sau”.

Về nâng thời hạn tại ngũ, ĐB Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) không đồng tình khi cho rằng, thời bình nhu cầu quân thường trực không quá cao, chỉ nên giới hạn thời gian nhập ngũ để tạo điều kiện cho công dân học tập, làm việc, nên giữ nguyên như hiện tại là 18 tháng. Riêng đối với một số đơn vị, quân chủng đóng ở những vị trí địa lý đặc biệt thì có thể quy định kéo dài thêm thời gian từ 24 – 30 tháng tùy theo yêu cầu. ĐB Đỗ Kim Tuyến cũng đồng tình nên giữ thời gian tại ngũ là 18 tháng để tạo điều kiện cho nhiều người được thực hiện NVQS với Tổ quốc hơn so với khi kéo dài tới 24 tháng.

Phản đối các ý kiến trên, thiếu tướng Ngô Ngọc Bình - Phó tư lệnh Quân khu 7 khẳng định, dự thảo luật quy định chênh thêm 6 tháng so với luật cũ, nhưng 6 tháng này là vô cùng quý giá cho công tác huấn luyện tân binh. ĐB Bình dẫn chứng: “Chiến tranh biên giới Tây Nam, có thực trạng “gà mẹ dẫn đàn gà con” làm lãng phí xương máu của chiến sĩ. Chỉ huy hy sinh trước cũng một phần do công tác huấn luyện chưa đáp ứng đầy đủ. Thậm chí có những chiến sĩ lúc có lệnh bắn thì không dám bóp cò mà bỏ súng để bịt lỗ tai. Hiệu quả chiến đấu thấp khiến cho nhiều đơn vị trả giá rất đắt, bằng chính xương máu”. Đồng quan điểm với ông Bình, ĐB Bùi Đức Hạnh (Lào Cai) cho rằng, thời gian tại ngũ 24 tháng còn tạo điều kiện cho những người có nhu cầu thi vào các trường của quân đội, đủ thời gian phát triển Đảng cho tân binh vì bộ đội biên phòng thường tuyển quân ở các xã biên giới nên đây là hạt nhân phát triển cho địa phương sau khi hoàn thành NVQS.

Ngăn ngừa lợi dụng NVQS cho việc cá nhân

Quan điểm

Thiếu tướng Nguyễn Văn HưngĐBQH TP. Hồ Chí Minh
 Về đối tượng được miễn, hoãn thực hiện NVQS, nên nghiên cứu đưa thêm đối tượng thuộc diện xóa đói giảm nghèo. Có lần tôi đi nhận giao quân, có thanh niên đã có vợ và một con, thuộc diện gia đình xóa đói giảm nghèo nhưng địa phương vẫn gọi đi. Khi gọi giao quân, cô vợ anh này đã ôm con bỏ ngay trước hàng quân rồi đi về trước sự ngỡ ngàng của mọi người. 
Về thực hiện nghĩa vụ thay thế cũng được các ĐB Chu Sơn Hà, Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) đặt ra. ĐB Thảo cho rằng: Với những đối tượng không muốn thực hiện NVQS, có điều kiện và muốn đi ra nước ngoài học thì phải đóng tiền thay thế. Tiền này chúng ta sử dụng để đầu tư, xây dựng lực lượng quốc phòng chính quy hiện đại.

Phản ứng khá gay gắt đề xuất này, ĐB Đào Trọng Thi (Hà Nội) lập luận: Thời gian thực hiện NVQS không chỉ coi là làm nghĩa vụ với Tổ quốc mà còn là thời gian để huấn luyện kỹ năng quân sự, quốc phòng cho mỗi thanh niên để khi họ trở về xã hội sẽ trở thành những quân nhân dự bị, khi đất nước xảy ra sự cố có thể cầm súng chiến đấu. Còn nếu dùng tiền thay thế thì làm sao họ có được những kiến thức quốc phòng cơ bản. “Vấn đề này còn làm nảy sinh tình trạng người nhập ngũ toàn con em nông dân, nhà nghèo, trong khi con nhà giàu thì trốn NVQS gây ra bức xúc trong xã hội, làm mất đi sự thiêng liêng của NVQS” - ĐB Thi nhấn mạnh.

Góp ý thêm cho việc nâng cao chất lượng tuyển quân hàng năm của Bộ Quốc phòng, sau khi đề cao vai trò của những người lính đang làm nhiệm vụ ở những tuyến đầu như tại quần đảo Trường Sa, coi họ như những anh hùng khi sẵn sàng hy sinh tính mạng vì Tổ quốc, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng đưa góp ý thẳng thắn: Hiện nay tình trạng thanh niên nghiện hút lọt vào quân ngũ cũng có. Có đơn vị nói vừa rồi đi tuyển lựa vẫn có những đối tượng nghiện hút được tuyển vào. Do đó, đề nghị không để xảy ra tình trạng chạy chọt, tiêu cực nhằm đưa con em vào quân đội để cai nghiện. Cùng chung mục đích, ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) cũng đề nghị cấm sử dụng người thực hiện NVQS vào việc cá nhân. “Trong thực tế có, tôi biết có em nói đi NVQS nhưng toàn phải đi lượm banh cho các sếp. Điều đó chúng ta phải cấm tuyệt đối” - bà Dung dứt khoát.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem