Quy định thời gian tại ngũ: Không nên máy móc, cào bằng

Hải Phong (thực hiện) Thứ sáu, ngày 07/11/2014 15:06 PM (GMT+7)
Hai nội dung chính trong dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) sửa đổi được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình Quốc hội ngày 3.11 vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận khác nhau. Trao đổi của phóng viên NTNN với đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến cho thấy điều này. 
Bình luận 0

Thưa ông, theo dự thảo Luật NVQS (sửa đổi), Bộ Quốc phòng đề nghị tăng thời hạn tại ngũ từ 18 tháng tới 24 tháng đối với tất cả các quân binh chủng. Có ý kiến cho rằng thời gian kéo dài như vậy là không cần thiết trong hoàn cảnh thời bình?

imgĐại biểu Quốc hội Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng

- Theo tôi nếu có thể được, cũng nên xem xét đối với những quân, binh chủng, quân chủng cần có thời gian để tìm hiểu sâu hơn về các loại vũ khí, khí tài, nghiên cứu về kỹ năng sử dụng thì nên tăng thời gian lên 24 tháng. Còn đối với những binh chủng bình thường như bộ binh chẳng hạn thì nên giữ nguyên thời gian tại ngũ như hiện nay là 18 tháng để các em, các cháu, sau khi thi vào được đại học, cao đẳng hoặc học nghề, hoàn thành 18 tháng NVQS có thể sớm hòa nhập trở lại với môi trường xã hội bên ngoài, đây cũng là nơi giúp họ phát huy năng lực cá nhân để phục vụ cho Tổ quốc.

Do đó, quan điểm của tôi là không nên máy móc, cào bằng quy định thời gian tại ngũ của toàn quân là như nhau. Tôi nhắc lại, chỉ vào những quân-binh chủng mang tính chất đặc thù như không quân, hải quân, radar, tên lửa… đòi hỏi hàm lượng khoa học kỹ thuật cao thì có thể tăng thời gian phục vụ.

Bên cạnh đó, được phục vụ trong quân đội mà được tiếp cận với môi trường khoa học công nghệ thì bản thân người thực hiện NVQS cũng hài lòng vì họ sớm được làm quen, tiếp thu các tiến bộ trong khoa học công nghệ, sau này khi xuất ngũ, vào các trường dân sự thì kiến thức họ có được cũng sẽ tương thích với nền tảng kiến thức họ sẽ được học trên giảng đường. Còn đối với các binh chủng bình thường như lục quân thì giữ nguyên 18 tháng thôi.

imgThanh niên Hà Nội trong ngày lên đường nhập ngũ. (Ảnh: Giang Huy)

Về việc tăng độ tuổi gọi nhập ngũ, trước là từ 18 – 25 tuổi, nay dự thảo luật đề nghị tăng lên thành từ 18 – 27 tuổi khi Bộ Quốc phòng cho rằng như vậy để tăng chất lượng tuyển quân. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng nhiều thanh niên sau khi hoàn thành NVQS thì đã 29, 30 tuổi, như vậy là quá muộn màng để họ có thể bắt tay khởi nghiệp?

- Theo tôi nên giữ nguyên ở mức tuổi từ 18 – 25 tuổi vì ở độ tuổi này vừa phải, nếu kéo dài thêm 2 năm nữa là tới 27 tuổi thì không nên. Thứ nhất là trong thời bình chúng ta không cần quá nhiều quân số tới mức đó, không thể coi như trong thời chiến được. Có thể khi chiến tranh thì chúng ta có thể huy động NVQS với độ tuổi mở nhưng thời bình thì không cần như vậy.

Hiện nay nhu cầu tuyển quân trong quân đội rất hạn chế, nhiều thanh niên có nguyện vọng mà vẫn chưa được thu nhận. Còn với lý giải là kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ lên 27 tuổi để nâng cao chất lượng quân ngũ, tuyển thêm được nhiều người có trình độ cao thì tôi cho rằng không cần thiết. Vì từ khoảng 22, 23 tuổi, anh đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Từ 23 - 25 tuổi ta vẫn có thể gọi nhập ngũ, thậm chí với độ tuổi đó, họ đã kịp học xong thạc sĩ.

Vậy theo ông, muốn nâng cao chất lượng tuyển quân, Bộ Quốc phòng cần có giải pháp nào khác?

- Cứ bằng chế độ chính sách thôi. Như quân đội các nước trên thế giới, một người nhập ngũ có thể nuôi cả gia đình. Nếu như mình có chính sách chế độ ưu đãi cao hơn thì sẽ hút được những người tài. Dân số của ta ngày càng nhiều, trong khi tỷ lệ vào quân đội chúng ta rất ít. Chính tôi là người từng phục vụ trong quân đội 18 năm nên tôi rất hiểu, nếu có chế độ chính sách hợp lý, sẽ không ít người có năng lực, thực tài có mong muốn cống hiến trong quân ngũ.

Chúng ta nói sửa Luật NVQS để đảm bảo công bằng bình đẳng giữa mọi người nhưng vẫn quy định chỉ tạm hoạn gọi nhập ngũ với người học đại học hệ chính quy?

- Tôi nghĩ đã là đại học thì nên bình đẳng với nhau, vì ngay trong Luật Giáo dục đại học cũng không phân biệt đại học chính quy hay không chính quy. Do đó, nếu tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ thì nên hoãn, miễn với các đại học chính quy và không chính quy.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem