ĐBQH tiết lộ “luật rừng” để được đấu nối truyền tải điện
ĐBQH tiết lộ ‘chi phí bôi trơn’ để được đấu nối truyền tải điện
Huyền Anh
Thứ sáu, ngày 07/01/2022 06:43 AM (GMT+7)
“Nhà đầu tư nhỏ muốn đấu nối truyền tải điện có thể mất số tiền rất lớn, thậm chí lên tới hàng trăm tỷ đồng. Khi đấu nối vào rồi thì sẽ có quy định từ giá điện bao nhiêu trở lên phải chia phần trăm. Nguồn thu này không vào ngân sách mà vào các nhóm nhà đầu tư”.
Đó là chia sẻ của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Văn Khải (Hà Nam), ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường tại phiênthảo luận ở tổ trong chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, liên quan đến các nội dung về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự.
Nhiều nhà đầu tư đứng trên bờ vực phá sản
Nêu ý kiến liên quan đến việc sửa đổi các điều luật về truyền tải điện, ĐBQH Trần Văn Khải đã phản ánh nhiều vấn đề thực tế trong quá trình thẩm tra liên quan đến truyền tải điện cũng như chỉ ra những điểm nghẽn để khi sửa luật cần phải tập trung để tháo gỡ.
Theo đó, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, trong vòng 3 năm trở lại (từ năm 2017 – 2020), năng lượng tái tạo phát triển vượt bậc nhờ đó Việt Nam có thêm 27.000 MW (trong khi Thủy điện Hòa Bình có 2.400 MW xây dựng trong bao nhiêu năm). Đây là điều rất tốt cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là, phát triển nguồn điện không đồng bộ với quy hoạch lưới truyền tải điện cho nên khi các nhà máy ồ ạt được xây dựng xong thì không giải phóng được công suất, không bán được điện, trong khi đất nước đang thiếu nguồn điện. Điều này dẫn đến bức xúc cho xã hội, lãng phí nguồn vốn. Rất nhiều nhà đầu tư đứng trên vực phá sản, vì vay vốn đầu tư xong nhưng không bán được điện, không có nguồn thu dẫn đến không có dòng tiền để trả cho ngân hàng.
Trước thực tế trên, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, cần thiết phải sửa luật, song cần sửa đồng bộ chứ không phải chỉ Điều 2 khoản 4 về truyền tải điện mà còn có các điều liên quan, trong đó có điều khoản về quyền đấu nối và các điều liên quan đến vấn đề này. Bởi nếu không sẽ không thể giải quyết được tất cả các điểm nghẽn đang tồn tại. Nếu không xem xét kỹ sẽ tạo ra rất nhiều hệ lụy.
Các điểm nghẽn được ông Khải đề cập đó là, không có lưới điện truyền tải để giải phóng công suất đã được sản xuất. Hiện nay, Quy hoạch điện 8 mới đang được triển khai nhưng chưa được duyệt.
Thứ hai, giá điện truyền tải hiện nay không còn giá Fit thì nếu khi ban hành luật sửa đổi mới này, chúng ta cũng không đạt được mục tiêu là huy động các nguồn lực tham gia đầu tư truyền tải điện vì không thu hồi được vốn với giá điện truyền tải rất thấp như hiện nay.
'Để được đấu nối truyền tải điện, nhà đầu tư nhỏ phải chi tiền tỷ'
Vậy giải quyết điểm nghẽn thế nào khi sửa luật?
Trả lời câu hỏi này, ĐBQH Trần Văn Khải cho rằng, thứ nhất, truyền tải điện là vấn đề hết sức nhạy cảm, cho nên xuyên suốt trong nhiều chục năm qua, nhà nước giữ độc quyền vì liên quan đến quốc phòng an ninh. Nhưng trong thực tế thẩm tra đã có những nhà đầu tư tư nhân xây dựng các đường truyền tải điện (là một hạng mục trong tổng dự án) mặc dù truyền tải điện theo luật vẫn là độc quyền của Nhà nước. Hiện nay có 5 trạm 500kV đường dây truyền tải điện do tư nhân xây dựng được đưa vào vận hành.
"Rất lo ngại khi 5 đường dây này đều cắt qua trục 500kV Bắc – Nam và khi cắt qua đó tạo ra các nút thắt rất lớn. Tại các trạm điều khiển, nếu có thế lực nào đó có ý đồ có thể điều khiển toàn bộ nguồn điện quốc gia. Trong luật chỉ sửa Điều 2 khoản 4, chưa có giải pháp nào quản lý vấn đề này", ông Khải lo lắng.
Thứ hai, theo ĐBQH Khải, đối với các đường truyền tải điện lớn 500kV, nhà đầu tư tư nhân đang đầu tư, trong quy hoạch giống như đường cao tốc, mỗi địa phương chỉ có một đường duy nhất. Khi đồng ý cho một đơn vị tư nhân vận hành truyền tải điện rất nhiều nhà đầu tư năng lượng khác phải đấu nối vào đường dây này.
"Chúng tôi khảo sát thực tế, truyền tải đó lẽ ra của Nhà nước độc quyền bây giờ chuyển sang tư nhân độc quyền. Vì vậy, quyền đấu nối của nhà đầu tư nhỏ vào đường đấu nối truyền tải điện do nhà đầu tư tư nhân đầu tư đang thực hiện theo "luật rừng", tức là tự thỏa thuận, tự đưa ra mức giá, nhà đầu tư nhỏ muốn đấu nối được có thể mất số tiền rất lớn, thậm chí lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Khi đấu nối vào rồi thì sẽ có quy định từ giá điện bao nhiêu trở lên phải chia phần trăm. Nguồn thu này không vào ngân sách mà vào các nhóm nhà đầu tư. Chúng ta phải đảm bảo quyền đấu nối cho nhà đầu tư nhỏ, nếu đưa nội dung truyền tải vào sửa luật lần này, tạo công bằng cho các doanh nghiệp" – ông Khải chỉ rõ.
Thứ ba, chi phí xây dựng đường truyền tải sẽ được tính vào giá bán điện cho người tiêu dùng. Hiện nay chính sách giá không được sửa nên khi sửa theo luật mới sẽ ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng và khách hàng. Do đó, nếu sửa luật lần này, liệu có giải quyết được tất các các điểm nghẽn không?
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, một lần nữa đại biểu Trần Văn Khải cho hay: "Qua khảo sát thực tế, nhiều nhà đầu tư thậm chí còn phải chi cả hàng trăm tỷ đồng để có thể đấu nối và đường truyền tải điện. Ví dụ, nếu bình thường theo công suất có thể bán điện được doanh thu khoảng 100 tỷ đồng/năm, nếu không bán được thì một năm trôi qua coi như mất 100 tỷ đồng. Vậy thì thôi thà mất 100 tỷ đồng để được đấu nối và "thông" cho những năm tiếp theo.
"Đó là thực tế rất dễ xảy ra và có thể đã xảy ra rồi" – đại biểu Trần Văn Khải nhấn mạnh.
Trước thực tế trên, vị đại biểu Quốc hội khẳng định, quan điểm của cơ quan thẩm tra đồng tình với việc khẩn trương sửa luật để tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia đầu tư vào xây dựng lưới điện truyền tải.
Theo đó, về vấn đề đầu tư cho hệ thống lưới điện truyền tải, ông Khải cho rằng, càng kêu gọi đầu tư xã hội càng nhiều càng tốt, kể cả đường dây điện xương sống nếu đáp ứng đủ các yêu cầu. Tuy nhiên, sau khi đầu tư xong thì vấn đề quản lý vận hành như thế nào. Đây mới là điều đáng quan tâm. Vì vận hành liên quan đến vấn đề quốc phòng an ninh.
"Việc quản lý vận hành này phải có giới hạn. Lưới truyền tải đấu nối từ nguồn lên mạng quốc gia mà không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia thì có thể giao cho tư nhân vận hành vì chỉ cục bộ trong vùng cung cấp của họ, còn những liên vùng liên tỉnh thì cần phải có kiểm soát và tốt nhất Nhà nước nên độc quyền" – ông Khải cho biết.
Liên quan đến việc lựa chọn nhà đầu tư trước lo ngại về vấn đề đảm bảo an ninh quốc gia, ông Khải cũng cho hay việc lựa chọn nhà đầu tư do bộ ngành tham mưu và Chính phủ quyết định lựa chọn. Trong luật chỉ quy định rõ năng lực kỹ thuật, năng lực tài chính của nhà đầu tư và Chính phủ có nghị định để quy định rõ việc đó. Kể cả danh mục các đường truyền tải, các dự án lưới điện theo quy hoạch đảm bảo an ninh quốc gia cũng theo thẩm quyền của Thủ tướng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.