ĐBQH tranh luận vụ bác sĩ Lương: “Không vì sợ phản ứng mà im lặng"

Lương Kết (thực hiện) Chủ nhật, ngày 27/05/2018 08:06 AM (GMT+7)
"Sau khi các đại biểu và các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều về phiên tòa đang xét xử vụ bác sĩ Hoàng Công Lương, tôi thấy không thực sự tích cực. Chính vì thế tôi mới lên tiếng", đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình nói như vậy khi trao đổi với Dân Việt.
Bình luận 0

img

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình).

Tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 26.5, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình giơ biển xin tranh luận. Ông đã nói về vụ bác sĩ Lương trái ngược hẳn với một số đại biểu đã từng phát biểu tại tổ, phát biểu trên báo chí, PV Dân Việt có trao đổi với đại biểu Sinh xung quanh việc này.

Thưa ông khi phát biểu trước Quốc hội để tỏ thái độ không đồng tình với những đại biểu có phát biểu trên báo về vụ bác sĩ Lương, ông có nghĩ tới chuyện bị phản ứng, bị tranh luận, thậm chí bị đám đông dư luận “ném đá”?

- Cái đó là đương nhiên, mọi người đều phải có trách nhiệm với lời nói của mình, tôi không phải vì ngại chuyện đó mà không nói. Sau khi các đại biểu và các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều về phiên tòa đang xét xử vụ bác sĩ Hoàng Công Lương, tôi thấy không thực sự tích cực. Chính vì thế tôi mới lên tiếng.

Sau khi nghe 2 đại biểu Quốc hội thuộc ngành Y tranh luận và còn có 3 đại biểu giơ biển tranh luận ông có suy nghĩ gì?

- Tôi rất tôn trọng ý kiến tranh luận của các đại biểu Quốc hội trong trao đổi thảo luận, từ đó tôi thấy ý kiến của mình đã được lắng nghe và có trao đổi lại. Việc tranh luận này đã được Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, người điều hành phiên thảo luận kết luận: Đây là vụ án đang trong quá trình tố tụng, các ý kiến của đại biểu Quốc hội, của cử tri sẽ được các cơ quan chức năng nghiên cứu xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Tôi cảm thấy như vậy rất thỏa đáng.

img

Luật sư động viên bác sĩ Lương (ảnh PLO).

Được biết ông cũng thường có những phát biểu thẳng thắn trên nghị trường, nếu không phải là đại biểu của Hòa Bình liệu ông có lên tiếng việc liên quan đến phiên tòa xử vụ bác sĩ Lương, thưa ông?

- Tôi nói thật là cũng phải cân nhắc, việc cân nhắc không phải chuyện diễn ra ở địa phương mình hay không mà vấn đề biết rõ việc đó đến đâu. Tôi nghĩ cần phải căn cứ vào từng vụ việc để lên tiếng. Tôi lấy ví dụ như vụ bác sĩ Hoàng Công Lương, nếu như Tòa đã tuyên án rồi việc cái đại biểu lên tiếng thể hiện quan điểm, phân tích những điều bất cập nếu phát hiện ra thì phù hợp hơn. Từ đó các cơ quan bảo vệ pháp luật khi thực hiện trình tự phúc thẩm hay giám đốc thẩm có thể có thêm căn cứ để xem xét vụ án.

Nói như vậy để thấy tùy từng vụ việc, tùy từng giai đoạn của vụ việc để đại biểu Quốc hội lên tiếng. Đối với đại biểu Quốc hội thì không thể nói theo dư luận được.

Như 2 đại biểu Quốc hội tranh luận lại phát biểu của tôi có nói trách nhiệm với phát biểu của họ, điều đó là rõ ràng không ai phủ nhận, nhưng trách nhiệm phải rộng ra. Vụ án bác sĩ Lương đang được Tòa xét xử, chưa có phán quyết cuối cùng, ở vào thời điểm như vậy, những người có tiếng nói lại phát biểu về vụ án như gieo một điều gì đó tạo sự nghi nghi ngờ trong hoạt động tự pháp là không nên.

Theo quy định của pháp luật, Tòa xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, ông có nghĩ việc các đại biểu phát biểu nói bác sĩ Lương vô tội, rồi nói mức án đề nghị cho bác sĩ Lương là không chấp nhận được, liệu có sự tác động đến Hội đồng xét xử?

- Tôi nghĩ chắc có tác động, như ý kiến của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan khi tranh luận cho rằng, đại biểu không phải phát biểu để định hướng tòa án, dư luận, nhưng chị lại nói: Tất cả đều là con người, tòa cũng có thể có những sai lầm, hoặc chưa lắng nghe ý kiến của tất cả các bên. Cho nên, thông qua nghị trường Quốc hội và báo chí để phát biểu. Đại biểu Phong Lan còn đặt vấn đề:  Nếu không có dư luận, không có phân tích thì vụ VN Pharma (thuốc ung thư giả) có được xem xét lại không.

Điều đó có thể thấy, rõ ràng phát biểu của đại biểu Quốc hội có sức nặng, đặc biệt thông qua phương tiện truyền thông. Tôi muốn nói rằng, đại biểu phát biểu là thực hiện quyền nhưng cần hết sức thận trọng và đánh giá trên tổng thể để phát biểu làm sao đó vụ việc được xem xét giải quyết một cách khách quan.

Có ý kiến cho rằng trong vụ án này nhiều người lên tiếng bênh vực bác sĩ Lương, cũng là bênh người yếu thế, ông nghĩ sao?

- Nói như vậy thì ai là người có thế mạnh ở đây, đặt vấn đề như vậy thì những nạn nhân hay người nhà nạn nhân đã tử vong có phải người yếu thế. Đây là tòa xét xử tội phạm vi phạm pháp luật hình sự, các cơ quan xét xử là đang bảo vệ pháp luật đem lại sự công bằng cho những người bị hại.

Yếu thế ở đây muốn nói có những người khác có trọng trách cao hơn bác sĩ Lương nhưng lại không bị xem xét thưa ông?

- Đó là câu chuyện khác, nếu như trong quá trình tố tụng có chuyện bỏ lọt tội phạm, thì qua tranh tụng tại tòa, qua xem xét một cách toàn diện, nếu thấy trong vụ án còn những người liên quan khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì Tòa sẽ khởi tố vụ án để điều tra, đó là quyền và trách nhiệm của Tòa án. Nguyên tắc xét xử là suy đoán vô tội, nếu không có căn cứ chứng minh có tội phạm trong vụ án này đối với các bị cáo thì đương nhiên Tòa phải tuyên họ vô tội.

Xin cảm ơn ông (!)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem