ĐB Trương Anh Tuấn (Nam Định) có phát biểu gây chú ý. Ảnh: VPQH.
Sáng 9.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Phát biểu góp ý đại biểu (ĐB) Trương Anh Tuấn (Nam Định) đưa ra vấn đề rất đáng chú ý.
ĐB Tuấn cho rằng, có quan niệm phụ nữ là phái yếu, đàn ông là phái mạnh, nên công tác bình đẳng giới là bảo vệ bênh vực phụ nữ, như vậy cũng chưa đúng. Bình đẳng giới là vấn đề cần quan tâm với cả nam và nữ. “Khi nói về bạo hành gia đình, nạn nhân không chỉ có phụ nữ và trẻ em, thậm chí thực tế có những nạn nhân bị bạo hành là nam giới, bị vợ con hắt hủi, bị cấm vận, thậm chí bị đánh. Trong những trường hợp này, do sĩ diện nên ít người đàn ông nói ra và xã hội cũng chưa thực sự quan tâm”, ĐB Tuấn nói.
Vẫn theo ĐB Tuấn, tuổi thọ bình quân của phụ nữ là 76,1, của nam là 70,8, như vậy về sức khỏe, tuổi thọ phụ nữ đã vượt đàn ông. “Tôi xin khẳng định lại là phụ nữ không yếu, nếu trước kia là phái yếu thì theo tôi hiện nay phụ nữ là phái đẹp”, ĐB Tuấn nói.
ĐB Tuấn nêu thêm vấn đề đáng quan tâm là tư tưởng gia trưởng trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại trong xã hội. Khi sinh con đa số mong có con trai dẫn đến tỷ lệ giới tính khi sinh mất cân đối. “Theo số liệu thống kê năm 2016, hiện nay có 112 bé trai ra đời thì chỉ có 100 bé gái, ở nhiều địa phương tỷ lệ đó cao hơn nhiều, cao nhất lên đến tới 120 bé trai/100 bé gái. Nếu không có những thay đổi kịp thời thì đến năm 2050, Việt Nam sẽ dư ra từ 3-4 triệu đàn ông, đây là một mối lo lớn cho những người đàn ông trong tương lai”, ĐB Tuấn cảnh báo.
Ở góc độ khác ĐB Nguyễn Thị Thu Hà (Bắc Giang) cho rằng, một số chỉ tiêu trong báo cáo về công tác bình đẳng giới tuy đạt nhưng không phản ánh thực chất. Bà ví dụ như chỉ tiêu giảm tỷ lệ phá thai đang được đánh giá là đạt và vượt kế hoạch nhưng đây mới là thống kê ở hệ thống y tế công chưa phải là con số thực.
“Không những thế tỷ lệ phá thai của Việt Nam vẫn rất cao so với thế giới đặc biệt phá thai ở tuổi vị thành niên. Thậm chí có những chỉ tiêu tuy đạt nhưng đang ở mức báo động…”, ĐB Hà nói.
Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, xung quanh ý kiến sa thải lao động trong doanh nghiệp khối FDI nhất là phụ nữ sau 35 tuổi trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội, nhiều ĐB đã phát biểu và hôm nay cũng nhiều ĐB nêu ý kiến.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, tại khu vực FDI có khoảng 2,6 triệu người lao động, 3,9 triệu người đóng bảo hiểm xã hội. Sau khi Quốc hội thảo luận kinh tế - xã hội nêu vấn đề sa thải lao động nữ sau 35 tuổi, có một số tập đoàn lớn trong khối FDI đã gặp trực tiếp cơ quan quản lý lao động, trong đó như Poinchen hiện nay sử dụng 157 nghìn lao động, Samsung 150 nghìn lao động, hãng Nike 400 nghìn lao động.
Các tập đoàn này thời gian vừa qua cũng có nhiều đổi mới chăm lo cho người lao động. Tuy nhiên, cũng một số nơi vừa qua có những việc chưa tốt, thậm chí có những nơi còn phát thẻ cho công nhân đi vệ sinh, 100 người trong buổi sáng chỉ có 3 thẻ, nên công nhân tranh nhau đi vệ sinh. "Những vấn đề trên, Chính phủ đã cho tiến hành kiểm tra, thậm chí là xử phạt những doanh nghiệp này. Có những nơi nếu tiếp tục diễn ra cần thiết phải có những giải pháp can thiệp về mặt chính quyền”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.