![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2017/images/2017-11-06/150996538491090-hien1.jpg)
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền. (Ảnh: VPQH)
Trong phát biểu, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền dành thời gian đề cập nhiều tới vấn đề trẻ em, phụ nữ bị xâm hại tình dục.
ĐB Hiền cho biết tại diễn đàn trẻ em các quốc gia được tổ chức vào tháng 8 vừa qua, một đại biểu bức xúc phát biểu ý kiến cho biết nhiều kẻ phạm tội xâm hại tình dục trẻ em vẫn nhởn nhơ sống ngoài vòng pháp luật. “Có phải người lớn cho rằng lỗi là do các cháu, nếu như nạn nhân là con cháu, người thân của các cô chú làm công tác điều tra, xét xử họ sẽ cảm thấy thế nào, liệu có xử lý chậm như với người ngoài không? Đó là phát biểu của một đứa trẻ đang trong độ tuổi lẽ ra rất vô tư, nhưng xót xa thay lời phát biểu đó lại thốt lên bằng sự vô cảm của người thực thi pháp luật, sự tắc trách của cơ quan có thẩm quyền, từ sự chới với không biết dựa vào đâu”, ĐB Hiền nói.
Theo ĐB Minh Hiền, nhiều vụ xâm hại tình dục có dấu hiệu khuất tất, bỏ lọt tội phạm, có vấn đề về đạo đức cán bộ, tư duy tư pháp. Trong 15 cơ quan có chức năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em, không chỉ là các cơ quan tư pháp, đoàn thể mà có cơ quan tư pháp, đặc biệt nơi có thẩm quyền cao nhất đó là Quốc hội.
ĐB Hiền nhắc lại câu chuyện diễn ra trong tháng 9 vừa qua, đó là người mẹ (ở Long An) viết đơn xin tước bỏ quyền tự do của mình (viết đơn xin đi tù). “Người phụ nữ này buộc phải chấp nhận hành vi đồi bại của kẻ khác trong lúc bị đe dọa nhằm bảo vệ tính mạng bản thân và hai con nhỏ. Kẻ gây ra cũng đã thừa nhận hành vi. Khi thụ lý vụ việc, cơ quan điều tra cho rằng đó là sự đồng tình, đó là thông dâm không phải hiếp dâm. Cơ quan công an đã tổ chức họp báo công khai danh tính và bí mật đời tư, cả ba mẹ con đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng, họ bị chà đạp, kỳ thị, thậm chí bị đe dọa. Cách xử lý một vụ việc nhạy cảm có liên quan đến phụ nữ và trẻ em của cơ quan điều tra đã khiến dư luận hết sức bất bình”, ĐB Hiền nói.
Qua những vụ việc xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em, ĐB Hiền đặt vấn đề: Liệu rằng trong thân phận suy nghĩ của cùng đồng loại có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi từ khi nào, tại sao quyền trẻ em, quyền lên tiếng của công dân, nhân phẩm, danh dự của một con người bị xâm hại nặng nề nhưng lại trở nên bình thường đến như vậy? “Sự cạn kiệt về niềm tin của những nạn nhân yếu thế đối với cơ quan tư pháp ở một số địa phương đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh báo hay chưa”, ĐB Hiền nói.
Bà kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm đến công tác giám sát của hoạt động cải cách tư pháp, bảo đảm xét xử đúng người đúng tội. Đặc biệt quan tâm đến kỹ thuật lập pháp, tính dự báo để hoàn thiện hành lang pháp lý tránh việc hiểu khác nhau nên vận dụng luật khác nhau trong quá trình tố tụng, làm kéo dài và khoét sâu thêm nỗi đau của nạn nhân.
Kết thúc phát biểu, ĐB Hiền cho biết, dù không mong muốn nhưng bà hiểu phát biểu của mình ít nhiều cũng sẽ khơi lại nỗi đau, những tổn thương mất mát, sẽ chạm vào nỗi oan của nạn nhân trong các vụ bị xâm hại tình dục. Bà đã nói lời xin lỗi những người là nạn nhân bị xâm hại tình dục ngay trên nghị trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.