ĐBQH: Xử lý tiếng ngựa hí, chó sủa thế nào để đáp ứng tiêu chuẩn?

Ngọc Lương Thứ tư, ngày 07/11/2018 17:52 PM (GMT+7)
“Tôi không hiểu tiếng trâu rống, ngựa hí, chó sủa phải xử lý thế nào để đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia như quy định. Quy định này không có tính khả thi”, đại biểu Quốc hội (ĐB) Mai Sỹ Diến nói khi góp ý dự thảo Luật chăn nuôi.
Bình luận 0

img

Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa, ảnh quochoi.vn).

Chiều nay (7.11), Quốc hội thảo luận tại hội trường để cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật chăn nuôi. Phát biểu góp ý, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đã đề cập tới điều 60 quy định xử lý tiếng ồn trong chăn nuôi. Điều luật này có hai khoản, khoản 1 quy định về tiếng ồn phát ra từ vật nuôi, thiết bị sử dụng trong chăn nuôi; khoản 2 quy định tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải xử lý tiếng ồn phát từ các hoạt động trong chăn nuôi.

“Tôi hiểu quy định như thế này thì người chăn nuôi phải xử lý cả tiếng phát ra từ vật nuôi và thiết bị sử dụng trong chăn nuôi. Nhưng trong chăn nuôi có hoạt động như nuôi chim yến, đây là loài chim trời, chúng bay trên không trung và phát ra tiếng kêu vậy người dẫn dụ chim yến không thể nào xử lý hành vi này được, mà chỉ xử lý thiết bị tạo ra âm thanh dẫn dụ. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định cho phù hợp”, ĐB Kim Bé nói.

Tại điều 64 quy định về quản lý nuôi chim yến, trong điều luật này có khoản quy định tổ chức, cá nhân nuôi chim yến phải kê khai với UBND cấp huyện nơi có cơ sở nuôi chim yến các thông tin sau: Tên chủ cơ sở nuôi chim yến; địa điểm, số điện thoại liên hệ của cơ sở; diện tích nhà yến; số lượng chim yến ước tính lúc kê khai.

“Tôi nhận thấy việc nuôi chim yến là loài chim trời, cơ sở kiểm đếm là khó khăn, bên cạnh đó việc cung cấp thông tin trên cho UBND huyện có ý nghĩa gì trong việc quản lý nhà nước lại chưa rõ ràng. Trong khi đó tại khoản 13 của điều 12 của dự thảo Luật lại quy định: “Cấm gian lận trong kê khai chăn nuôi”, như vậy vô hình chung đẩy khó khăn cho người chăn nuôi, tôi đề nghị bỏ quy định này”, ĐB Kim Bé góp ý.

Cũng đề cập tới quy định trong điều 60 của dự thảo Luật, ĐB Mai Sỹ Diến (Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa) cho biết, xử lý tiếng ồn được giải thích trong điều luật, đó là tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải xử lý tiếng ồn phát ra từ hoạt động chăn nuôi đáp ứng tiêu quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

“Tôi không hiểu tiếng trâu rống, ngựa hí, chó sủa phải xử lý thế nào để đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia như quy định. Quy định trên không có tính khả thi, nếu có quy định này thì tiếng chim hót líu lo, tiếng gà gáy báo thức mỗi buổi sáng ban mai từ nghìn đời nay cũng phải xử lý. Xin đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định định trên”, ĐB Mai Sỹ Diến góp ý.

Trong các nội dung góp ý ĐB Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đề cập tới quản lý nuôi chó mèo. Vị ĐB này đề nghị bổ sung thêm quản lý nuôi giữ chó vừa đảm bảo an toàn, vừa phù hợp với mục tiêu khống chế, thanh toán bệnh dại của Chính phủ đã ban hành. Theo ĐB Gia, việc nuôi chó mèo phải thực hiện các yêu cầu sau: Đăng ký việc nuôi chó với trưởng thôn hoặc UBND cấp xã; cam kết nuôi nhốt hoặc xích trong khuôn viên gia đình, khi đưa ra ngoài cho phải được rọ mõm, xích để giữ chó.

“Việc kê khai chăn nuôi chó với trưởng thôn và UBND xã là cần thiết vì còn liên quan tổ chức tiêm phòng, cần nắm số lượng để thực hiện”, ĐB Gia nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem