Đại biểu Quốc hội Lê Xuân Thân (ảnh VPQH).
Chiều nay (4.6), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật chăn nuôi. Phát biểu góp ý đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho rằng, việc xây dựng và ban hành Luật chăn nuôi là rất cần thiết, đảm bảo yêu cầu phát triển trong thời gian tới.
Liên quan đến giải thích từ ngữ gia súc là các loài vật nuôi gồm trâu, bò, ngựa, lợn, dê, cừu, thỏ, đại biểu Diến đặt câu hỏi: Chó mèo có phải gia súc không?. “Theo từ Bách khoa thì gia súc là loài động vật có vú được nuôi thuần hóa trong gia đình thì được gọi là gia súc. Từ dẫn chứng trên tôi đề nghị dự luật đưa chó, mèo vào phần giải thích từ ngữ của dự thảo Luật”, đại biểu Diến nói.
Cũng đề cập tới vấn đề giải thích từ ngữ trong dự thảo Luật, đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cho rằng quy định chưa hợp lý. Ông cho rằng có nhiều loại chim nhưng tại sao chim cút lại được vào dự thảo Luật, còn các loại chim khác thì không. Ông nêu ví dụ như chim yến, ở Khánh Hòa người dân xây cả nhà cho chim yến. “Rồi nuôi ong, sâm cầm, chó mèo, chuột bạch… những loài vật này được gọi là gì, nên có giải thích từ ngữ theo hướng mở”, đại biểu Thân nói.
Vẫn theo đại biểu Thân, dự thảo Luật có quy định rất lạ đó là quyền của vật nuôi. Tại điều 50 quy định phải đối xử nhân đạo với vật nuôi, điều 51 là đảm bảo quyền của vật nuôi. “Khái niệm này tôi thấy không chuẩn vì khi nói đến quyền và nghĩa vụ thì luôn luôn gắn với con người và tổ chức, không thể nào nói quyền của vật nuôi hay cây trồng, nếu có chỉ trong văn thơ chứ không thể trong Luật. Đề nghị Ban soạn thảo thiết kế lại”, đại biểu Thân góp ý.
Vẫn theo đại biểu Thân, vấn đề nêu trên là cần thiết, hiện nay trên thế giới có những quy định bảo vệ động vật, như không được gây đau đớn cho vật nuôi. Ông dẫn ví dụ ở Ý hay Thụy Sĩ có quy định không cho phép đưa con tôm hùm vào nồi lẩu đang sôi, đó là việc đối xử nhân đạo với vật nuôi. “Đối với nước ta tinh thần này đưa thế nào vào Luật cho phù hợp nhưng không thể nói là quyền của vật nuôi”, đại biểu Thân nhấn mạnh.
Đại biểu Lê Xuân Thân cũng đề nghị Ban soạn thảo viết lại, thể hiện lại điều luật nếu không sẽ cho ra đời một nghề hết sức lạ đó là nghề thụ tinh nhân tạo. Điểm b khoản 3 điều 41 quy định: Đối với người hành nghề thụ tinh nhân tạo phải có trình độ từ trung cấp trở lên, được đào tạo về thụ tinh nhân tạo. Khi đại biểu Thân đọc quy định này lên nhiều đại biểu Quốc hội đã cười.
Sau phần góp ý của đại biểu Thân, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, người điều hành phiên thảo luận đã nói: Đại biểu đã góp ý rất sâu sắc.
Theo đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh), dự Luật quy định cấm chăn nuôi trong nội thành, nội thị, chăn nuôi trang trại trong khu dân cư, nhưng lại không giải thích khái niệm “nội thành”, “khu dân cư”. Hiện nay cũng chưa có văn bản nào giải thích các cụm từ này, điều đó sẽ gây khó khăn khi thực hiện.
Về quy định đăng ký, kê khai chăn nuôi, theo đại biểu So là cần thiết, giúp cho công tác quản lý và hoạch định chính sách phát triển ngành. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu bổ sung quy định hình thức đăng ký, kê khai phù hợp với từng loại hình, khu vực, đối tượng vật nuôi để đảm bảo tính khả thi.
“Ví dụ các hộ nông dân ở miền Tây nuôi vịt chạy đồng, không có định thì đăng ký, kê khai ở đâu?. Việc nuôi ong, nuôi tằm thì đăng ký số lượng thế nào?. Việc đăng ký, kê khai đối với chăn nuôi nhỏ lẻ cũng gặp nhiều khó khăn do thường xuyên thay đổi, trong khi Luật lại quy định kê khai mỗi năm một lần. Nếu tháng này nuôi, vài tháng sau bỏ thì việc đăng ký, kê khai có còn ý nghĩa không?. Ngoài ra, cần có cơ chế trách nhiệm ràng buộc người chăn nuôi thực hiện đúng nghĩa vụ khai báo của mình trước pháp luật”, đại biểu So góp ý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.