ĐBSCL: Dân bỏ mía, nhà máy ngừng hoạt động

Thứ hai, ngày 17/12/2012 15:05 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Giá mía xuống quá thấp, nhiều nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bỏ mía hàng loạt, chuyển sang trồng lúa. Trong khi đó, các nhà máy do càng chạy càng thua lỗ, cũng đã ngừng hoạt động.
Bình luận 0

Bỏ mía trồng lúa

Gia đình bà Lê Thị Nương trồng 6 công mía ở xã Vĩnh Viễn A (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) vừa thu hoạch xong bán với giá chỉ 650 đồng/kg. Sau khi thu hoạch, trừ chi phí, gia đình bà lỗ gần 10 triệu đồng. Bà Nương cho biết: "Vùng này năng suất mía không cao, chữ đường lại thấp nên thương lái thường trả giá thấp so với các vùng khác. Do vậy, gia đình đành chịu lỗ sau gần 1 năm ròng chăm sóc". Do thua lỗ, nên sau khi thu hoạch, gia đình bà Nương đã chuyển toàn bộ diện tích mía sang trồng lúa.

img
Nhiều nông dân ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đã đốn bỏ mía để trồng lúa.

Không riêng gia đình bà Nương, rất nhiều nông dân khác trong xã Vĩnh Viễn A cũng chọn cây lúa hay hoa màu khác thay cây mía. Ông Lâm Quốc Hùng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Viễn A cho biết: "Do giá mía thấp, nông dân thua lỗ, nên thu hoạch được bao nhiêu là bán ra làm lúa cho kịp vụ đông xuân". Theo ông Hùng, toàn xã có 250ha mía, hiện nông dân đã thu hoạch được 50% diện tích. Trong đó, đã chuyển 40ha mía sang trồng lúa vì không hiệu quả. Nếu giá mía còn tiếp tục thấp, sẽ có thêm nhiều hộ nông dân khác trong xã cũng bỏ mía.

Ở các địa phương khác, nông dân cũng bắt đầu bỏ mía với lý do tương tự. Ngay từ đầu vụ, ông Trần Văn Tư ở ấp Phương An (xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) đã chấp nhận bán sớm 6 công mía với giá 900 đồng/kg để chuyển qua trồng màu. Ông Tư cho biết: "Năm nay, nông dân trồng mía chẳng lời được bao nhiêu, gia đình nào năng suất thấp coi như bị lỗ. Tôi đành quyết định chuyển qua trồng rau cải bán trong dịp cận tết".

Hiện tình hình mía đường đang gặp nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp đã phải chủ động khuyến cáo bà con nông dân một số vùng trồng mía không hiệu quả nên chuyển sang cây trồng khác.

Nhà máy đóng cửa

Hơn 1 tuần qua, Nhà máy Đường cồn Long Mỹ Phát (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) đã ngừng hoạt động vì thua lỗ. Các nhà máy khác trong khu vực thì dồn ứ mía, chạy cầm chừng vì càng chạy càng lỗ. Trong khi đó, lượng đường tồn kho ngày càng lớn. Hiện nay, Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (CASUCO) còn tồn khoảng 20.000 tấn đường dù sử dụng nhiều biện pháp khuyến mãi để tiêu thụ nhưng lượng đường bán ra chưa tới phân nửa tổng lượng sản xuất.

Trước tình hình khó khăn hiện nay, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã đề nghị Chính phủ cho cơ chế thuận lợi để xuất khẩu đường, đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ đường nội địa, đặc biệt Chính phủ cần có biện pháp mạnh tay xử lý nạn đường nhập lậu…

Ông Phạm Quang Vinh - Phó Tổng Giám đốc CASUCO cho biết: "Tình hình hiện nay hết sức khó khăn cho các nhà máy, vì càng chạy càng lỗ. Giá đường chỉ ở mức 14.200 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất trên 15.000 đồng/kg nên nhà máy lỗ ít nhất 800 đồng/kg".

Ông Vinh cũng nói thêm, trong thời gian qua, nhà máy mua mía với giá 1.020 đồng/kg (10 chữ đường tại cầu cảng Nhà máy Đường Phụng Hiệp) để giúp nông dân không bị lỗ. Sắp tới, các nhà máy trong khu vực sẽ tiếp tục giảm khoảng 50 đồng/kg để cầm cự.

Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng: "Giá đường giảm mạnh trong thời gian qua là do nạn đường lậu từ Thái Lan tràn qua biên giới Tây Nam thao túng thị trường. Nếu tình hình này tiếp tục tái diễn sẽ gây khó khăn cho các nhà máy đường và cả người trồng mía".

Theo ông Long, hiện các nhà máy đường đang lâm vào cảnh hết sức khó khăn do đường tồn kho lớn, phải gánh lãi suất ngân hàng, giá bán thấp nên thua lỗ… Ngoài ra, một nhà máy đường đã ngừng hoạt động sẽ kéo theo việc dồn ứ mía và nhiều nhà máy khác cũng hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động thì việc giải quyết mía nguyên liệu còn lại trong dân hết sức khó khăn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem