ĐBSCL: Diện tích lúa giảm còn 1,7 triệu ha, thủy sản lên 550.000ha

Chúc Ly Chủ nhật, ngày 28/05/2017 10:30 AM (GMT+7)
Nhằm đưa ra những giải pháp canh tác hợp lý trước những tác động tiêu cực của biến động khí hậu (BĐKH), ngày 26.5, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT Hậu Giang tổ chức diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp “Giải pháp canh tác cây trồng hợp lý thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL” tại tỉnh Hậu Giang.
Bình luận 0

Thay đổi thời vụ

Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, BĐKH đang ngày càng có những tác động mạnh mẽ tới ĐBSCL. Sự dâng lên của nước biển, giảm thiểu dòng chảy từ thượng nguồn, gia tăng hạn hán, xâm thực mặn, phèn hóa đang biểu hiện ngày càng rõ rệt và chưa có xu hướng dừng lại. Vì vậy, cấp thiết phải xây dựng các giải pháp nhằm giảm thiểu, khắc phục các tác động này.

img

Thu hoạch dưa lưới trồng theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, thích ứng BĐKH tại Hậu Giang. Ảnh: C.L

Ông Trần Văn Khởi - quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia khuyến cáo: Áp dụng những giải pháp canh tác cây trồng hợp lý, tập trung vào các nội dung chủ yếu là quy hoạch vùng sản xuất thích hợp; chọn được giống có khả năng chống chịu cao; nâng cao kỹ thuật canh tác như trồng xen, tưới nước tiết kiệm, bón phân vi sinh… Đồng thời bố trí thời vụ cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết, có thể chuyển vụ hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp hơn. 

Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng cần ra soát lại quy hoạch sử dụng đất vùng ĐBSCL trong điều kiện BĐKH, có xét đến suy giảm cả lũ và phù sa. Trong điều kiện các tác động bất lợi đến 2 vụ lúa chính trên đồng bằng cùng với sự suy thoái, mất phù sa, cần thiết nghiên cứu các giải pháp thay đổi thời vụ cho các vùng nhằm giảm tập trung nước trong các tháng đầu mùa mưa và đầu mùa khô, kết hợp với giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất mùa lũ.

Đại diện Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã giới thiệu các dự án khuyến nông thích ứng BĐKH, như: Dự án xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn tại các vùng trồng lúa chủ yếu; áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI nhằm nâng cao hiệu quả, góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa; xây dựng, nhân rộng mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa...

Cơ cấu lại cây trồng

Theo thạc sĩ Lê Thanh Tùng - Phụ trách Văn phòng phía Nam Cục Trồng trọt, xu thế xâm nhập mặn hiện nay so với trước đây cho thấy mặn thường xuất hiện sớm hơn so với trước đây 1-1,5 tháng; mặn có thể kéo dài đến 6 tháng hoặc hơn do các hồ thượng nguồn tích nước sớm; đầu mùa khô (tháng 1-2) nồng độ mặn có thể lớn hơn giữa mùa khô (tháng 3-4), ngược lại so với quy luật xâm nhập mặn trước đây.

img

Cụ thể, theo Cục Trồng trọt, các vùng sản xuất lúa bị ảnh hưởng bởi BĐKH hàng năm gồm: Diện tích vụ lúa đông xuân ở một số tỉnh ven biển có khoảng 958.000ha; diện tích có khả năng bị hạn và xâm nhập mặn nếu tình hình khô hạn xảy ra như đông xuân 2015-2016 khoảng 10.000ha.

Còn đối với vụ lúa hè thu hàng năm khoảng 1,6 triệu ha, tình hình khô kéo dài đến tháng 6, toàn vùng sẽ có khoảng 500.000ha không xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước, chiếm hơn 40% diện tích các tỉnh ven biển và gần 30% diện tích gieo trồng toàn khu vực.

Chính vì vậy, ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc Trung tâm Kinh tế nông nghiệp và thông tin địa lý, phân Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp miền Nam, cho rằng: Cần rà soát, bổ sung quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ lực ở các tỉnh, thành phố phù hợp với các quy hoạch chung toàn vùng. Có chính sách khuyến khích người thực hiện theo quy hoạch.

“Cần lập quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH; xây dựng chuỗi cung ứng cho các sản phẩm chủ lực toàn vùng. Các địa phương trên cơ sở quy hoạch chung của vùng sẽ lập quy hoạch cho từng sản phẩm chủ lực; lập quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng chuỗi giá trị cho từng sản phẩm chủ lực của địa phương” - ông Dũng kiến nghị.

Ông Lê Văn Đời - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang thông tin: Hiện tỉnh đã xây dựng hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, sử dụng cống đập thời vụ nếu nồng độ mặn cao, dịch chuyển mùa vụ, khôi phục lại tập quán cày ải phơi đất. Triển khai thực hiện chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) nhằm nâng cao năng lực của người nông dân trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; tuyên truyền biện pháp tưới ngập khô xen kẽ trong canh tác lúa để tiết kiệm được lượng nước.

“Đồng thời, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ canh tác lúa 3 vụ sang 2 lúa – 1 màu, chú trọng cây trồng cạn hoặc cây công nghiệp ngắn ngày để hạn chế nước tưới, góp phần thích ứng với BĐKH” - ông Đời cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem