Đề án XKLĐ chất lượng cao: “Vẽ” cũng khó, triển khai càng khó

Thùy Anh Thứ bảy, ngày 11/02/2017 06:15 AM (GMT+7)
Bộ LĐTBXH đang xây dựng dự thảo Đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025” sang làm việc tại Nhật Bản, CHLB Đức, Hàn Quốc, Slovakia... Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp (DN) đề án này sẽ khó thực hiện.
Bình luận 0

Phải xem thị trường cần gì

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Lê Nhật Tân – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực (LOD) cho rằng nếu được xây dựng, triển khai thì đề án sẽ mang lại hiệu quả lớn cho thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) của Việt Nam. Tuy nhiên, quan sát dưới góc độ DN, ông Tân cho rằng ở Việt Nam không phải cái gì tốt cũng thực hiện dễ dàng.

img

Ngành thiết kế web, chế tạo, lắp ráp linh kiện điện tử... sẽ là những ngành nghề được nhiều quốc gia cần trong thời gian tới.  Ảnh: Minh Nguyệt 

Tỷ lệ thất nghiệp ở những lao động có trình độ ĐH, CĐ tại Việt Nam tương đối cao. Năm 2016, cả nước có trên 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. XKLĐ có trình độ kỹ thuật là hướng đi mới không chỉ làm nâng cao vị thế của lao động Việt Nam trên thị trường quốc tế, mà còn là một trong những giải pháp trước mắt giải quyết việc làm cho số sinh viên tốt nghiệp đang thất nghiệp hoặc có việc làm không ổn định”.

Ông Doãn Mậu Diệp –
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH

“Chúng tôi đã từng tiếp nhận đơn hàng của một đối tác ở Trung Đông. Họ có 150 ngành nghề, lương tháng từ cao xuống thấp, nhưng khi tiếp nhận đơn hàng này, các DN Việt Nam lại phải nhìn, thậm chí giành nhau các vị trí tuyển dụng từ mức lương thấp lên cao. Điều này có thể thấy rằng, khả năng đáp ứng về chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đang ở mức độ nào” – ông Tân viện dẫn.

Ông Tân phân tích, hiện nay, XKLĐ của Việt Nam đi các thị trường trên khắp thế giới đâu đâu cũng chỉ thấy lao động phổ thông. Lác đác mới có một số thị trường đưa được lao động chất lượng cao, ví dụ như đưa điều dưỡng đi Nhật, đi Đức. Tuy nhiên, kể cả lao động có trình độ thì sang nước ngoài vẫn phải đào tạo lại.

Theo ông Tân, việc XKLĐ chất lượng cao chỉ khả thi trong trường hợp các DN ngoài nước vào Việt Nam đầu tư, sau một thời gian thì đưa lao động của chính công ty họ ra nước ngoài làm việc. Như vậy, lao động vừa có thu nhập cao, vừa được nâng cao tay nghề.

“Còn nếu nói “nhổ” lao động có kinh nghiệm và kỹ thuật ở Việt Nam để đi XKLĐ thì không dễ thực hiện. Đưa họ đi XKLĐ 2-3 năm ở nơi đất khách quê người, kể cả mức lương có cao gấp 2-3 lần so với lương trong nước, nhưng lúc trở về họ lại không có công ăn việc làm thì chẳng ai đi cả”- ông Tân nói thêm.

Đề cập tới câu chuyện, nếu được triển khai đề án sẽ tạo điều kiện việc làm cho 200.000 cử nhân CĐ, ĐH của Việt Nam đang thất nghiệp, ông Tân chỉ biết lắc đầu. “Chúng ta phải nhìn vào sự thật. Tham gia thị trường lao động quốc tế, chúng ta không thể nói chúng ta có gì mà phải xem các bạn ấy (thị trường lao động ấy – PV) cần gì? Không thể nói tôi có 200.000 cử nhân đang thất nghiệp đây, anh dùng được không thì tôi xuất” – ông Tân nêu quan điểm.

Chưa xác định được  ta có gì?

Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Tống Hải Nam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết đơn vị này đang gấp rút xây dựng đề án. Tuy nhiên, việc xây dựng đề án cũng gặp phải nhiều khó khăn. “Muốn triển khai trước mắt cần phải thực hiện việc đánh giá nhu cầu thị trường cần tuyển lao động có trình độ kỹ thuật cao. Tiếp sau đó, thực hiện đánh giá nguồn cung về nhân lực chất lượng cao của Việt Nam. Từ đó khớp nối dữ liệu mới có thể lên đề án thực hiện” – ông Nam nói.

Cũng theo ông Nam, mặc dù Việt Nam hiện nay có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp nhưng chưa có con số thống kê chính thức nào cho thấy những cử nhân này thuộc ngành nào. Mặt khác, nhìn chung các  cử nhân của Việt Nam cũng có nhiều hạn chế về ngoại ngữ, kỹ năng, nên nếu muốn XKLĐ với nhóm này thì cần thực hiện đào tạo tăng cường về các kỹ năng này. Chỉ khi có dữ liệu thì đơn vị mới tính toán lập đề án được.

“Điều đặc biệt, qua tìm hiểu, một số thị trường như Nhật Bản, CHLB Đức, Hàn Quốc, Slovakia, Cộng hòa Séc, Israel… đang cần tuyển lao động trình độ kỹ thuật cao. Tuy nhiên, bản thân thị trường đó chỉ cần lao động ở một số chuyên ngành như: Điều dưỡng, kỹ thuật, cơ khí, xây dựng… không có nhu cầu lao động ở các chuyên ngành nghiên cứu, xã hội học” – ông Nam nói thêm.

Về phía Bộ LĐTBXH, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, thời gian qua Việt Nam chủ yếu XKLĐ, có trình độ tay nghề thấp. Vài năm gần đây, Bộ bắt đầu đưa những lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở nhóm ngành điều dưỡng viên, hộ lý đi làm việc ở Đức, Nhật Bản và lao động kỹ thuật có bằng cấp chuyên môn sang Hàn Quốc theo chương trình Visa E7. Tuy nhiên, số lượng lao động đi theo những chương trình này còn rất hạn chế.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lan Hương (Viện Khoa học lao động) thì cho rằng, nếu được triển khai thì đây là một tín hiệu lạc quan cho thị trường lao động Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần xem xét kỹ nhu cầu của thị trường xem họ cần cái gì, mình có đáp ứng được không?.

“Không cần và không thể XKLĐ lao động bằng mọi giá. XKLĐ được nhóm cử nhân CĐ, ĐH đang thất nghiệp thì tốt quá, nhưng phải đưa học đi làm đúng ngành nghề, tránh lãng phí công đào tạo” – bà Lan Hương nói.

Chưa có thống kê chính thức nào về việc các cử nhân CĐ, ĐH của chúng ta thuộc ngành đào tạo nào, nhưng nhìn chung qua theo dõi thì thấy số này chủ yếu rơi vào nhóm cử nhân CĐ, ĐH thuộc các chuyên ngành xã hội. Nhóm lao động có chuyên môn kỹ thuật cao thuộc nhóm ngành tự nhiên, kỹ thuật rất ít.

Ông Tống Hải Nam cho biết, sau khi có dữ liệu làm đề án, Bộ LĐTBXH sẽ gửi các đơn vị có liên quan như Bộ GDĐT và các đơn vị khác lấy ý kiến trình Chính phủ xem xét. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem