Đề cao trách nhiệm của nhà nông

Thứ ba, ngày 05/07/2011 17:34 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 1.7, Luật An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) có hiệu lực. Điểm nhấn của luật là kiểm soát khâu sản xuất, chế biến. Theo đó, muốn bán được sản phẩm của mình, người nông dân sản xuất nhỏ lẻ cũng cần giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Bình luận 0

Hết thời sản xuất tự phát

img

Nếu muốn bán rau ra thị trường, người nông dân phải đảm bảo sản xuất đúng quy trình ATVSTP.

Luật ATVSTP bao gồm 11 Chương, 72 Điều, trong đó có nhiều nội dung quy định rõ ràng trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh xử lý vi phạm pháp luật về ATVSTP từ khâu sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi – người nông dân.

Theo quy định của Điều 10, người nông dân phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, tác nhân gây ô nhiễm và các chất khác trong thực phẩm có thể gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người. Điều 19 trong luật cũng quy định “điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm”.

Theo đó, người dân muốn trồng trọt, chăn nuôi phải đáp ứng điều kiện về nguồn nước tưới tiêu, hệ thống xử lý nước thải, trang thiết bị chế biến, cơ sở bảo quản thực phẩm theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định cụ thể về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm hay bảo quản thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành. Và được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm mới được sản xuất và bán sản phẩm do mình làm ra.

Như vậy, theo Luật ATVSTP, người nông dân phải chấm dứt hoàn toàn việc dùng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng, thuốc bảo quản thực phẩm vô tội vạ. Khi thu hoạch, người dân cũng phải đảm bảo việc vận chuyển an toàn, sạch. Nếu vi phạm, nghị định xử phạt vi phạm ATVSTP (đang dự thảo) có thể xử phạt người nông dân từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng.

Kiểm soát thực phẩm theo “chuỗi”

img Luật ATVSTP lần đầu tiên đưa “thức ăn đường phố” - một trong những nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cao - vào diện điều chỉnh và xử phạt nặng đối với hàng quà không đảm bảo vệ sinh. Như vậy, gánh quà quê cũng sẽ bị xử phạt nếu gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng. img

Luật ATVSTP quy định trách nhiệm cho 3 Bộ. Cụ thể, Bộ Y tế chịu trách nhiệm chung về thực hiện quản lý nhà nước về ATTP, chịu trách nhiệm quản lý trong suốt quá trình sản xuất, chế biến các nhóm sản phẩm: Thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, nước uống đóng chai. Bộ NNPTNT chịu trách nhiệm quản lý toàn diện (sản xuất chế biến, vận chuyển bảo quản) đối với các sản phẩm: Thịt, thủy hải sản, rau quả, trứng, sữa tươi nguyên liệu, thực phẩm biến đổi gen.

Còn các nhóm thực phẩm: Sữa, rượu, bia, nước giải khát sẽ do Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý. Tuy nhiên, khi luật có thể “đi vào cuộc sống” thì chúng ta vẫn còn phải trông chờ vào rất nhiều các văn bản quy định, quy chuẩn để biết “thế nào là một thực phẩm an toàn”, người dân dùng bao nhiêu thuốc là đủ, các dư lượng chất bao nhiêu thì không có hại đến sức khỏe người tiêu dùng…

Với mỗi sản phẩm sẽ cần một “quy chuẩn” ATVSTP riêng. Theo ông Nguyễn Công Khẩn- Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế), phải mất ít nhất 10-15 năm mới xây dựng được một bộ số liệu từ dưới lên để có thể kiểm soát an toàn nông sản.

“Tuy vẫn còn nhiều vấn đề về ATVSTP chưa thể giải quyết ngay được nhưng Luật ATVSTP ra đời, quy định về xử phạt xuyên suốt từ sản xuất tới vận chuyển, lưu thông, tiêu dùng sẽ tiếp thêm công cụ để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa thực phẩm theo quy trình “chuỗi” từ sản xuất đến tiêu dùng. Người nông dân sẽ không thể sản xuất tự phát mà cần có trách nhiệm hơn với cộng đồng, với chính sức khỏe của con em mình, giống nòi mình”- ông Khẩn cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem