Để chấm dứt cuộc chiến Nga-Ukraine, phải vạch trần lời nói dối cốt lõi này của phương Tây

Phương Đăng (theo Antiwar) Thứ ba, ngày 23/01/2024 08:24 AM (GMT+7)
Lập luận cơ bản được sử dụng để tránh đàm phán và tiếp tục ủng hộ cuộc chiến ở Ukraine dựa trên lời nói dối rằng, khi Tổng thống Nga Putin quyết định đưa quân vào Ukraine, ông đã có ý định chinh phục toàn bộ Ukraine và “tiêu diệt” nước này, nhà báo kỳ cựu Ted Snider và Giáo sư Khoa học chính trị Nicolai N. Petro bình luận.
Bình luận 0
Để chấm dứt cuộc chiến Nga-Ukraine, phải vạch trần lời nói dối cốt lõi này của phương Tây- Ảnh 1.

Binh sĩ Ukraine bắn về phía các vị trí của Nga. Ảnh IT

Lời nói dối đó đã bị các chuyên gia quân sự vạch trần nhiều lần. Nhiều người đã chỉ ra, cả trước và sau cuộc chiến, Nga không thể có ý định chinh phục toàn bộ Ukraine vì nước này không huy động đủ lực lượng để làm điều đó. Thật vậy, đây là lý do chính tại sao các quan chức cấp cao Ukraine, và thậm chí cả chính Tổng thống Volodymyr Zelensky từng tuyên bố chỉ vài ngày trước khi xung đột nổ ra rằng, chiến tranh sẽ không xảy ra.

Sai lầm mà hầu hết các nhà phân tích vào thời điểm đó mắc phải là cho rằng, do quân đội do Nga huy động tới biên giới Ukraine không đủ để chinh phục toàn bộ Ukraine nên sẽ không xảy ra chiến tranh toàn diện, hoặc thậm chí một cuộc chiến giới hạn.

Sau này, các nhà lãnh đạo chính trị phương Tây đã biến sai lầm trên thành lợi thế tuyên truyền của họ khi nhấn mạnh rằng, Nga luôn có ý định đánh chiếm Kiev đầu tiên, sau đó là toàn bộ Ukraine và cuối cùng là tấn công cả NATO.

Nhưng nếu tính đến logic quân sự cơ bản, thì việc Tổng thống Putin chỉ cử 120.000 - 190.000 quân tham gia chiến dịch quân sự ở Ukraine và không huy động thêm nguồn lực cho đến nhiều tháng sau đó - sau khi Kiev từ chối thỏa thuận hòa bình Istanbul - cho thấy rằng các mục tiêu của ông ở Ukraine rõ ràng rất hạn chế và chỉ xoay quanh việc đảm bảo an ninh cho người dân Donbass, Crimea khỏi các cuộc tấn công của Ukraine cũng như bảo vệ nước Nga khỏi sự bành trướng của NATO.

Do Ukraine đã cắt điện và nước của Crimea nhiều năm trước, điều này đòi hỏi một cầu nối đất liền với khu vực; do đó, mới có sự sáp nhập các vùng Kherson và Zaporozhye của Ukraine vào lãnh thổ Nga, nhà báo kỳ cựu Ted Snider chuyên phân tích chính sách và lịch sử đối ngoại của Mỹ tại Anti War và Giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Rhode Island, Nicolai N. Petro bình luận.

"Chúng tôi cũng có xác nhận gián tiếp rằng lãnh thổ không phải là mục tiêu của ông Putin từ một nguồn đáng tin cậy: Tổng thư ký NATO từng tuyên bố rằng, Tổng thống Putin tấn công Ukraine để ngăn chặn sự mở rộng của NATO. Điều này sẽ giải thích tại sao, ngay khi những mục tiêu này nằm trong tầm tay khi các quan chức Ukraine chấp nhận thảo luận thỏa thuận hòa bình Istanbul, Nga đã tạm dừng cuộc tấn công vào tháng 3/2022, rút lực lượng khỏi Kiev thay vì tiến sâu hơn vào Ukraine", 2 chuyên gia Snider và N. Petro nhận định.

Bối cảnh này rất quan trọng vì lý lẽ của phương Tây để ủng hộ việc tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào tuyên bố rằng, Nga luôn có ý định tấn công cả NATO.

Học giả chính trị quốc tế nổi tiếng John Mearsheimer cũng đã nhấn mạnh rằng, thôn tính Ukraine chưa bao giờ là một trong những mục tiêu của ông Putin. Theo ông Mearsheimer, không có bằng chứng nào trong hồ sơ công khai cho thấy ông Putin có ý định biến Ukraine thành một phần của nước Nga mở rộng khi ông đưa quân đội của mình tới nước láng giềng vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Nhưng điều này chưa bao giờ được lãnh đạo Ukraine coi trọng.

Chính David Arakhamia, người đứng đầu nhóm đàm phán của Ukraine tại Belarus và Istanbul gần đây cũng đã thừa nhận, cuộc xung đột ở Ukraine không phải vì lãnh thổ là “điểm mấu chốt” đối với Nga mà là Ukraine không gia nhập NATO, còn “mọi thứ khác chỉ đơn giản là lời lẽ khoa trương và ‘gia vị’ chính trị”.

Nhìn lại xa hơn nữa, nếu Tổng thống Putin thực sự muốn sáp nhập các nước từng thuộc Liên Xô cũ, thì ông đã có cơ hội lý tưởng để làm điều đó vào tháng 8/2008, khi quân đội Nga chỉ cách thủ đô Tbilisi của Gruzia. Lẽ ra nhà lãnh đạo Nga có thể đơn giản công nhận nền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia, rồi sáp nhập 2 khu vực này vào Nga, nhưng ông đã không làm vậy. 

Tường thuật sai lệch về ý định của Nga đã phục vụ cho mục đích thiết yếu là tập hợp các nước phương Tây đứng sau Ukraine. Tuy nhiên, việc tiếp tục nhấn mạnh vào điều này sẽ có nguy cơ khiến NATO trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột và đe dọa đến sự sống còn của Ukraine, 2 chuyên gia Snider và N. Petro cảnh báo.

Đến một lúc nào đó, phương Tây sẽ phải đưa ra quyết định nhằm mở rộng viện trợ cho Kiev hoặc phó mặc Ukraine. Hiện tại, với tình trạng thiếu kinh phí, vũ khí và tổn thất đáng kể về nhân lực, Ukraine có thể sẽ sớm phải đối mặt với một cuộc phản công lớn của Nga.

Tuy nhiên, trước một cuộc tấn công như vậy, Nga có thể đưa ra cho Ukraine các điều khoản hòa bình mới, thậm chí kém thuận lợi hơn nhiều so với những điều khoản mà họ đưa ra vào tháng 3/2022. Nếu Ukraine không chấp nhận, Nga sẽ phải tiến lên, giành thêm lãnh thổ, điều mà họ không thực sự muốn nhằm buộc Ukraine ngồi vào bàn đàm phán.

Vào thời điểm đó, phương Tây sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn mang tính định mệnh: chấp nhận sự đầu hàng của Ukraine hoặc gửi quân NATO tới. Cả hai kịch bản đều có khả năng dẫn đến sự chia rẽ sâu sắc trong liên minh NATO, vì Slovakia, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ... đều cho thấy rằng họ muốn có một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột chứ không phải leo thang.

Tóm lại, chính lời nói dối ban đầu của phương Tây về các mục tiêu của Nga ở Ukraine đã dẫn chúng ta đến bức tranh ảm đạm ngày này: An ninh châu Âu suy yếu, bóng ma chiến tranh hạt nhân, Ukraine bị phá hủy và vị thế toàn cầu của Mỹ bị suy yếu.

Lời nói dối đó đã được sử dụng để hủy bỏ Thỏa thuận Istanbul, thỏa thuận có thể kết thúc chiến tranh trước khi hàng trăm nghìn người thiệt mạng. Vì thế, để các cuộc đàm phán hòa bình trở thành một giải pháp thay thế cho sự hủy diệt lẫn nhau, lời nói dối này phải được vạch trần và loại bỏ, nhà báo kỳ cựu Ted Snider và Giáo sư Khoa học chính trị Nicolai N. Petro nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem