Để kinh tế Nga sụp đổ, dừng chiến sự Nga - Ukraine, kinh tế Đức phải "hy sinh"
Nếu cấm vận hoàn toàn với dầu khí, chiến sự Nga - Ukraine sẽ dừng nhưng kinh tế Đức chịu nhiều đau thương
Huỳnh Dũng
Thứ hai, ngày 18/04/2022 08:03 AM (GMT+7)
Một con đường để ngừng chiến sự Nga - Ukraine trong vòng một hoặc hai tháng tới nếu phương Tây áp dụng lệnh cấm vận hoàn toàn đối với dầu khí của Nga. Khi đó nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ, nhưng kinh tế Đức có thể chịu nhiều đau thương.
Có thể thấy, sự lên án của quốc tế cùng với các vòng trừng phạt sau khi chiến sự Nga - Ukraine diễn ra đã khiến nền kinh tế Nga rơi vào một trong những cuộc suy thoái sâu sắc nhất trong lịch sử hiện đại của nước này. Biến động cũng đang khiến người sử dụng lao động phải đối mặt với một tương lai sa sút, khi lạm phát ăn sâu vào ngân sách hộ gia đình, các doanh nghiệp nước ngoài thu hẹp quy mô hoạt động, và các hình phạt cũng hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ và tài chính của Nga.
Chính quyền phải lựa chọn giữa việc cứu nền kinh tế Nga hoặc tiếp tục chiến sự Nga - Ukraine
Các biện pháp trừng phạt tiếp theo của phương Tây nhằm buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phải đứng trước một lựa chọn khó khăn: Tiếp tục chi tiêu cho chiến sự Nga - Ukraine, hoặc chuyển tiền mặt để thúc đẩy nền kinh tế Nga đang gặp khó khăn. Đó là chiến lược được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đưa ra trong bài phát biểu tại Hội đồng Đại Tây Dương.
Cuộc chiến của Nga tại Ukraine đang dần loại bỏ nước này khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, và phương Tây phải đoàn kết để giữ áp lực kinh tế lên chính quyền Putin, Yellen nói. Bà nói thêm: "Điện Kremlin sẽ buộc phải lựa chọn giữa hỗ trợ nền kinh tế và tài trợ cho cuộc chiến tại Ukraine".
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, Wally Adeyemo đã trình bày chi tiết các mục tiêu tương tự trong một cuộc phỏng vấn với kênh Associated Press. Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cho biết, các biện pháp trừng phạt tiếp theo có thể khiến "cỗ máy chiến tranh" của Nga bị bỏ đói nguồn kinh phí cần thiết, và chuyển trọng tâm của Nga từ cuộc chiến sang cứu lấy nền kinh tế của mình.
Adeyemo cũng nói với hãng thông tấn AP rằng, Mỹ và các đồng minh đang chú ý đến các biện pháp nhắm vào các chuỗi cung ứng quan trọng đối với lực lượng vũ trang của Nga, cũng như các "thiết bị quân sự" được chế tạo để chặn khả năng "duy trì sức mạnh" quân sự của Nga ở lãnh thổ Ukraine.
Yellen cũng đưa ra cảnh báo nghiêm khắc đối với các quốc gia đang đứng về phía Nga. Ấn Độ đã tiếp tục mua dầu của Nga, trong khi Trung Quốc không gia hạn các hợp đồng dài hạn của riêng mình để làm điều tương tự. Những doanh số bán hàng đó đã nâng cao thu nhập của chính phủ Nga, vào ngày 8/4, một quan chức chính phủ Ukraine tuyên bố rằng, Nga thu về hơn 1,1 tỷ đô la mỗi ngày chỉ từ hoạt động buôn bán dầu của mình trước các lệnh cấm vận phương Tây đang diễn ra.
"Các quốc gia đang "ngồi trên hàng rào" như kiểu Nga có nguy cơ phá hoại trật tự quốc tế, hòa bình thế giới và kinh tế thịnh vượng. Dĩ nhiên khối Liên minh thống nhất của các quốc gia trừng phạt Nga sẽ không thờ ơ với các biện pháp trừng phạt mà chúng tôi đã đưa ra nhằm ngăn các hành động phá hoại", Yellen cho biết.
"Trung Quốc gần đây đã khẳng định mối quan hệ đặc biệt với Nga", Yellen nói. "Tôi nhiệt thành hy vọng rằng, Trung Quốc sẽ tạo ra điều gì đó khác biệt hơn cho mối quan hệ này và giúp chấm dứt cuộc chiến này".
Nền kinh tế Nga đang đối mặt với thách thức 'cấu trúc khổng lồ' qua thuật ngữ "perestroika"
Ngân hàng Trung ương Nga cảnh báo rằng, nền kinh tế Nga phải đối mặt với một "perestroika" mới, khi buộc phải điều chỉnh để thích nghi với cuộc sống dưới các lệnh trừng phạt nặng nề và sự cô lập quốc tế.
"Nền kinh tế Nga đang bước vào giai đoạn điều chỉnh cơ cấu quy mô lớn và điều này sẽ đi kèm với một giai đoạn tạm thời, nhưng không thể tránh khỏi tình trạng lạm phát cao hơn", Ngân hàng Trung ương Nga chia sẻ thêm.
Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát của Nga đã ở mức cao nhất trong 24 năm qua trong những tuần sau cuộc xâm lược Ukraine. Các quan chức Nga cảnh báo không nên mua một cách hoảng loạn khi một số cửa hàng ở Nga báo cáo tình trạng thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu như đường và giấy vệ sinh do nhu cầu tiêu dùng tăng vọt trong bối cảnh giá cả lại tăng nhanh.
Trong một cuộc họp báo, Thống đốc Nga Elvira Nabiullina cho biết: "Kể từ đầu tháng 3, lạm phát đã tăng nhanh đáng kể. Điều này được phản ánh bởi sự gia tăng nhu cầu đối với một số hàng hóa tiêu dùng do sự gia tăng bất ổn, kỳ vọng lạm phát cao hơn và sự bất ổn của đồng rúp".
"Các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực đã báo cáo những khó khăn với sản xuất và hậu cần trong bối cảnh áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại, và tài chính đối với Nga. Sự bất ổn gia tăng mạnh đang ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng và triển vọng của người dân và doanh nghiệp Nga", Ngân hàng Trung ương Nga cho biết.
Cơ quan quản lý hiện chính thức dự báo về sự sụt giảm GDP Nga trong quý thứ hai của năm. Các nhà phân tích cũng cho rằng, nền kinh tế Nga có thể sẽ giảm hơn 10% vào năm 2022, và cuộc khủng hoảng kinh tế này có thể là cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất mà Nga phải đối mặt kể từ khi Liên Xô cũ sụp đổ.
Thuật ngữ "perestroika" được Ngân hàng Trung ương Nga sử dụng để mô tả thách thức mà nền kinh tế Nga phải đối mặt - có nghĩa là "điều chỉnh lại" hoặc "tái thiết", và nó sẽ có liên quan chặt chẽ nhất với các cải cách kinh tế mở ra vào cuối thời Liên bang Xô viết cũ để mở cửa. Ở đây, các nhà bình luận cho rằng, nền kinh tế Nga có thể đang quay trở lại thời kỳ đó, với việc các doanh nghiệp phương Tây rời khỏi đất nước và chính phủ đang cân nhắc các lựa chọn như quốc hữu hóa và trưng thu tài sản nhằm giảm thiểu mất việc làm.
Tổng thống Vladimir Putin cũng cảnh báo rằng, người Nga nên chuẩn bị cho tình trạng thất nghiệp gia tăng trong những tuần tới, đồng thời đổ lỗi cho phương Tây cũng như những kẻ phản bội Nga đã tấn công Nga và nền kinh tế Nga.
Một con đường để ngừng cỗ máy chiến sự của Nga: Đánh vào khí đốt, kinh tế Nga sụp đổ, dù Đức có thể chịu nhiều đau thương
Alina Polyakova, giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích Chính sách Châu Âu nói rằng, quyết định quyết liệt của Đức ngừng mua năng lượng của Nga sẽ làm thay đổi tiến trình lịch sử. Chiến sự Nga - Ukraine ngay từ đầu đã là một nỗi kinh hoàng không thể dung thứ được.
Hiện tại, Mỹ lại đang dẫn đầu thế giới trong cuộc đối đầu với một cuộc khủng hoảng châu Âu có nguy cơ trở thành một cuộc chiến toàn cầu. Viện trợ an ninh của Mỹ cho Ukraine dưới thời chính quyền Biden hiện là hơn 2 tỷ USD. Tổng số tiền châu Âu dành cho lực lượng quân sự Ukraine hiện nay tổng cộng khoảng 1,6 tỷ USD.
"Điều quan trọng là các đồng minh châu Âu của chúng tôi phải tăng cường cam kết cung cấp viện trợ quân sự trực tiếp. Nhưng thực tế là đòn bẩy lớn nhất của châu Âu chống lại cuộc chiến của Nga vẫn chưa được tạo ra hoàn chỉnh, và điều đó đang chưa làm suy giảm đáng kể việc Đức do dự ngừng hoàn toàn mua năng lượng của Nga", Alina Polyakova nói thêm.
Không nghi ngờ gì nữa, điều này sẽ là một sự hy sinh to lớn đối với người dân Đức. Việc cắt đứt tất cả nguồn cung cấp khí đốt của Nga sẽ khiến nền kinh tế Đức rơi vào suy thoái. Nó cũng sẽ có tác động đến lối sống của những người Đức, những người phụ thuộc vào khí đốt của Nga để sưởi ấm nhà cửa và cung cấp năng lượng cho nơi làm việc của họ. Nhưng ảnh hưởng tương ứng đối với nền kinh tế Nga và cỗ máy chiến tranh Nga có thể sẽ còn tác động hơn nhiều.
"Chiến tranh sẽ kết thúc", cô Alina Polyakova nói. "Họ sẽ chỉ hết tiền".
Cỗ máy chiến tranh của Nga dựa vào các khoản thanh toán trực tiếp cho năng lượng. Cắt các khoản thanh toán này, đồng nghĩ bạn cắt tiền của họ. Nó đơn giản về lý thuyết và vượt trội trên thực tế vì tác động thực sự và tức thời của nó đến đời sống của con người và nền kinh tế của các quốc gia là không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, Đức có nghĩa vụ đạo đức phải thực hiện các bước đi rõ ràng, tích cực nhằm giảm mạnh việc mua năng lượng của Nga, chẳng hạn như hủy bỏ quyết định đóng cửa các nhà máy hạt nhân vào cuối năm nay. Chúng ta đang nói về việc chấm dứt nạn diệt chủng, và như nước Đức đã công nhận trong luật pháp và văn hóa của mình, vì vậy, quốc gia này phải có trách nhiệm nâng cao hơn nữa trong vấn đề này.
Người Ukraine đã chiến đấu dũng cảm và cho thế giới thấy rằng, họ có thể bảo vệ tổ quốc của mình. Nhưng họ không thể níu kéo mãi được. Một số quốc gia tự do ở khắp mọi nơi sẽ phải hy sinh. Chúng tôi kêu gọi châu Âu hành động ngay bây giờ để hỗ trợ Ukraine, giúp chấm dứt chiến tranh và mang lại lợi ích cho toàn nhân loại.
Nga có thể sẽ ngừng chiến tranh Ukraine 'trong vòng một hoặc hai tháng' nếu phương Tây áp dụng lệnh cấm vận hoàn toàn đối với dầu khí của Nga
Mới đây, Cựu cố vấn kinh tế của Vladimir Putin đã gợi ý rằng, Nga sẽ ngừng các hoạt động quân sự ở Ukraine "trong vòng một hoặc hai tháng" nếu các nước phương Tây ngừng mua dầu và khí đốt của Nga. Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình "Talking Business", Andrei Illarionov, người đã cố vấn cho Putin từ năm 2000 đến 2005 cho biết, tổng thống Putin có thể yên tâm bởi dòng doanh thu xuất khẩu năng lượng liên tục ổn định, điều này cho phép ông ấy tiếp tục cuộc chiến sự.
Tiến sĩ Illarionov cho rằng Tổng thống Putin đã chuẩn bị sẵn sàng để chịu đựng một tác động đối với nền kinh tế cho thấy các ưu tiên của ông nằm ở đâu. "Tham vọng lãnh thổ của ông ấy, tham vọng đế quốc của ông ấy, quan trọng hơn nhiều so với bất cứ điều gì khác, bao gồm cả sinh kế của người dân Nga và tình hình tài chính của đất nước ... thậm chí tình trạng tài chính của chính phủ của ông ấy", Tiến sĩ Andrei Illarionov nói.
Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy gần 20 triệu người Nga sống trong cảnh nghèo đói. Trong những năm gần đây, Tổng thống Putin đã cam kết giảm một nửa con số đó. Giờ đây, Tiến sĩ Illarionov cho biết "chúng ta sẽ thấy số lượng những người này có thể tăng gấp đôi, thậm chí có thể tăng gấp ba" khi nền kinh tế gặp khó khăn. Thậm chí, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Việc làm có trụ sở tại Moscow cũng ước tính, 2 triệu việc làm có thể bị mất trong năm nay do tỷ lệ thất nghiệp tăng từ mức thấp kỷ lục.
Ông Andrei Illarionov cho biết: Lạm phát hiện đã tăng lên 15,7% vì chiến sự, có nghĩa là mọi người có thể ngừng tiêu tiền vào những thứ như phòng tập thể dục và ăn uống trong nhà hàng và "đó là tin xấu đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ". Trong khi đó, một số mặt hàng thực phẩm cơ bản như đường, hành tây và bắp cải đã tăng giá hơn 40% kể từ đầu năm nay.
Andrei Illarionov nói: "Chúng tôi đã giải thích với mọi người rằng chính sách của Putin sẽ dẫn nước Nga vào một thảm họa, bao gồm cả một thảm họa xã hội và kinh tế, bao gồm cả sự suy giảm mức sống mà chúng ta chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua. Tôi phải nói rằng điều đó đi kèm với một cái giá cực kỳ cao. Chúng tôi không muốn xem những gì đang xảy ra ngày hôm nay".
Ông cũng thẳng thắn chia sẻ rằng, nếu các nước phương Tây thực hiện "một lệnh cấm vận hoàn toàn, triệt để đối với xuất khẩu dầu và khí đốt từ Nga" thì "trong vòng một hoặc hai tháng, các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine có thể sẽ bị chấm dứt". Andrei Illarionov nói thêm: "Đó là một trong những công cụ rất hữu hiệu mà các nước phương Tây vẫn sở hữu".
Nền kinh tế Nga được dự báo sẽ giảm tới 15% trong năm nay sau khi các quốc gia phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt sâu rộng và các công ty rút khỏi đất nước sau cuộc xâm lược Ukraine. Andrei Illarionov dự đoán Nga sẽ không bị tàn phá hoàn toàn về kinh tế nhờ vào sức mạnh xuất khẩu - đặc biệt là xuất khẩu năng lượng. Bởi cuất khẩu chiếm hơn một phần tư nền kinh tế Nga, với quốc gia này là nước xuất khẩu dầu, khí đốt, kim loại quý và ngũ cốc. Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính rằng, Nga chiếm 45% lượng khí đốt nhập khẩu của Liên minh châu Âu và khối này cho biết họ nhận được nhiều dầu từ Nga.
Illarionov nói: "Cứ 2 ngày rưỡi, một tỷ euro (khoảng 1,1 tỷ USD) lại vào túi Putin. Điều đó cực kỳ hữu ích để Putin tiếp tục duy trì hệ thống của mình, để tiếp tục tài trợ cho chiến sự. Vì vậy, một khi dòng tiền tệ này bị gián đoạn, Putin sẽ phải suy nghĩ lại về các chính sách của mình, vì ông ấy sẽ không có nhiều nguồn lực để tài trợ cho những hành động gây hấn hơn nữa".
Ông nói thêm: "Nhưng tôi cũng nói rằng trong vòng vài tháng sau rắc rối kinh tế sâu sắc thực sự mà chúng ta chưa từng thấy trong 30 năm qua, nó cũng sẽ thay đổi tâm trạng của xã hội. Nhiều người sẽ bắt đầu lên tiếng". Cựu cố vấn của Tổng thống Putin, Tiến sĩ Andrei Illariono hiện đang sống ở Mỹ cho biết, việc thay đổi chính phủ là điều không thể tránh khỏi "sớm hay muộn". Ông nói "hoàn toàn không thể có bất kỳ tương lai tích cực nào đối với nước Nga, với chế độ chính trị hiện tại".
Ông nói rằng, dưới thời Tổng thống Putin, "không có chuyện đất nước đó có thể hội nhập trở lại vào quan hệ quốc tế, vào nền kinh tế thế giới".
Sau đó, Andrei Illarionov, cựu cố vấn kinh tế chính của Tổng thống Nga Putin cũng giải thích rõ trên Đài CNN rằng, tại sao ông cho rằng lệnh cấm vận hoàn toàn đối với dầu mỏ của Nga sẽ nhanh chóng kết thúc chiến sự. Gần đây, ông nói với hãng BBC rằng nếu các nước phương Tây thực hiện "lệnh cấm vận thực sự" đối với xuất khẩu dầu và khí đốt từ Nga, các hoạt động của Nga ở Ukraine có thể sẽ bị dừng "trong vòng một hoặc hai tháng."
"Tôi nghĩ rằng đó là một công cụ phi quân sự rất quan trọng để ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định ở Điện Kremlin", Illarionov nói với Brianna Keilar của đài CNN. "Lý do rất đơn giản. Hiện tại, nguồn thu trực tiếp từ xuất khẩu dầu và khí đốt từ Nga được coi là chiếm khoảng 40% tổng thu ngân sách ở Nga. Nó sẽ tính đến các khoản thu trực tiếp và gián tiếp. Nhìn chung, nó cũng chiếm gần 60% tổng doanh thu cho ngân sách liên bang".
Illarionov tiếp tục giải thích các điều kiện cần thiết để tạo ra áp lực kinh tế đủ để ngăn chặn các hoạt động của Nga ở Ukraine. "Giả sử rằng doanh thu này sẽ bị giảm đáng kể do thực hiện lệnh cấm vận hoàn toàn đối với xuất khẩu năng lượng từ Nga, và giả sử rằng Nga vào thời điểm này không có quyền tiếp cận thị trường tín dụng vì các lệnh trừng phạt, và giả sử rằng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga bị đóng băng lâu dài, thì chính phủ Nga, chính phủ của Putin không có nguồn lực để tài trợ cho chiến sự nữa". Illarionov lưu ý rằng tất cả các khoản chi tiêu này sẽ bị buộc phải "giảm từ 40% đến 50%", một con số thậm chí chưa từng thấy vào những năm 1990.
"Đó là lý do tại sao chế độ chiến sự sẽ ở vào tình thế cần phải ngừng hoạt động, tìm kiếm một số hiệp định đình chiến và xem một số cuộc đàm phán với Ukraine", ông tiếp tục.
Thu hồi thương mại với Nga sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế nước này
Theo Thượng nghị sĩ Tom Carper (cũng là chủ tịch của Tiểu ban Tài chính về Thương mại Mỹ, đồng thời là chủ tịch của Ủy ban Môi trường và Công trình công cộng, và là thành viên cấp cao của Ủy ban An ninh Nội địa và Các vấn đề Chính phủ Mỹ), đã gần 2 tháng kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra Hoa Kỳ, các đồng minh châu Âu và các đối tác toàn cầu hoàn toàn liên kết trong sự ủng hộ vững chắc đối với Ukraine, và những người dân dũng cảm ở đó.
Cho đến nay, Mỹ đã trang bị cho Ba Lan các hệ thống phòng thủ tên lửa để ngăn chặn các lực lượng Nga, và đã đồng ý cung cấp cho Ukraine các hệ thống chống thiết giáp, máy bay không người lái, vũ khí và các nguồn lực quân sự khác để củng cố cuộc chiến chống lại Nga. Nhưng hành động của Mỹ sẽ không thể kết thúc ở đó. Mỹ cũng cần áp đặt các chi phí trừng phạt đối với Nga.
Thượng nghị sĩ Tom Carper nói: "Đúng là chúng tôi đã đạt được tiến bộ trên mặt trận này, tăng cường nỗ lực nhằm phá vỡ vị thế kinh tế của Tổng thống Nga Putin và gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng, chúng tôi sẽ không dung thứ cho cuộc chiến vào Ukraine. Chúng tôi đã loại bỏ các ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, trừng phạt giới tài phiệt bên trong của Putin và nhắm mục tiêu vào lĩnh vực năng lượng béo bở của đất nước. Hoa Kỳ thậm chí còn cấm nhập khẩu các mặt hàng của Nga như rượu vodka, kim cương và hải sản".
"Tuy nhiên, với tư cách là lãnh đạo của Tiểu ban Tài chính Thượng viện về Thương mại, chúng tôi biết rằng chúng tôi cần phải làm nhiều hơn nữa nếu chúng tôi muốn thực sự tấn công Điện Kremlin. Chúng tôi đã xây dựng hệ thống thương mại quốc tế của mình để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu và hạ thấp hàng rào thuế quan cho các đối tác thương mại của chúng tôi. Nhưng các quốc gia chỉ nên gặt hái những lợi ích đó nếu họ tuân theo các quy tắc. Putin rõ ràng đã phá vỡ các quy tắc, và không nên có quyền truy cập vào hệ thống đó nữa. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là Quốc hội Mỹ đã họp và thông qua dự luật thu hồi quy chế thương mại ưu đãi của Nga, đình chỉ quan hệ thương mại bình thường với Nga - một động thái sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Nga. Và chỉ vài ngày sau đó, Tổng thống Biden đã ký ban hành dự luật quan trọng này thành đạo luật chính thức.
Khi các quốc gia có quy chế thương mại ưu đãi, nó cho phép họ buôn bán cởi mở bằng cách mở rộng khả năng tiếp cận thị trường và giảm thuế quan. Việc cắt bỏ Nga khỏi quy chế này sẽ gây khó khăn cho Điện Kremlin trong việc tiếp tục giao dịch hàng hóa cần thiết với phần còn lại của thế giới tự do. Nó sẽ tăng thuế đối với hàng hóa sản xuất của Nga và các sản phẩm năng lượng, và nó sẽ không chỉ là một mức tăng nhỏ. Các chuyên gia cho rằng, biện pháp này sẽ làm tăng thuế quan của Mỹ đối với các sản phẩm của Nga trung bình từ khoảng 4% lên khoảng 30%.
"Bằng cách thực hiện bước này với sự phối hợp của G7 và các đồng minh châu Âu, chúng tôi đang tiến bước cùng với hơn một nửa nền kinh tế toàn cầu để đảm bảo Nga sẽ bắt đầu cảm thấy những hậu quả kinh tế lớn hơn nữa", Thượng nghị sĩ Tom Carper chia sẻ thêm.
Việc hủy bỏ quan hệ thương mại bình thường với Nga sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Putin rằng, ông ấy không thể không hành động mà không có hậu quả.
Thượng nghị sĩ Tom Carper đưa ra lập trường thẳng thắn rằng, giờ đây, dự luật này đã trở thành luật, Mỹ cùng với các đồng minh của mình biết rằng động thái này sẽ giáng vào nền thương mại Nga, thứ mà nó sẽ khiến ông ấy tổn thương nhiều nhất. Và đối với những tội ác mà ông ấy đã gây ra và tiếp tục gây ra đối với người dân Ukraine, phương Tây nên áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nữa cho đến khi tài khoản ngân hàng của ông ấy hết sạch.
Quan chức Nga cho biết, Nga sẽ phục hồi sau các lệnh trừng phạt mất 'nhiều năm'
Alexei Kudrin, cựu bộ trưởng bộ tài chính, hiện là người đứng đầu Phòng Kiểm toán Nga cho biết, Nga sẽ mất "nhiều năm" để xây dựng lại nền kinh tế của mình nếu các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Ukraine vẫn còn hiệu lực trong một thời gian dài. "Nếu các biện pháp trừng phạt vẫn ở mức hiện tại, sẽ mất khoảng hai năm để lên kế hoạch tái thiết bước đầu", Alexei Kudrin nói.
"Sau đó, chúng tôi sẽ phải xây dựng lại trong nhiều năm, bởi vì những gì chúng tôi đang nói đến là thay thế toàn bộ hàng loạt sản phẩm nhập khẩu". Kudrin cũng nói rằng, lạm phát có thể tăng vọt có thể lên tới 20% vào cuối năm nay.
Gần đây, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng nền kinh tế Nga đã xoay sở để vượt qua hàng loạt các lệnh trừng phạt chưa từng có được áp đặt, kể từ khi ông gửi quân đến Ukraine vào ngày 24 tháng 2.
Nhưng các nhà kinh tế tin rằng, tác động kinh tế tồi tệ nhất của các lệnh trừng phạt vẫn sẽ xảy ra với Nga, vốn phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu thiết bị sản xuất và hàng tiêu dùng, vì thế họ dễ rơi vào suy thoái sâu.
"Một trong những rủi ro chính hiện nay là sự co lại của nền kinh tế do một mặt hạn chế về hậu cần và mặt khác là thiếu thanh khoản", Alexei Kudrin nói với Thượng viện Nga, Hội đồng Liên bang Nga. Alexei Kudrin còn cho biết, ngành công nghiệp và thương mại Nga giảm 11% do lệnh trừng phạt. Ông nói, để hỗ trợ nền kinh tế, chi tiêu ngân sách nhà nước đã tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.