Trong văn bản, Bộ NNPTNT nêu rõ, thời gian gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng, việc đưa thông tin về diễn biến tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa thực sự chính xác, tần suất đăng tải quá nhiều; đặc biệt là nhiều trường hợp cá nhân lợi dụng mạng xã hội để câu view, xuyên tạc, đưa thông tin không đúng về tình hình dịch bệnh khiến người tiêu dùng hoang mang và có biểu hiện quay lưng với sản phẩm thịt lợn, gây thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi lợn nói riêng và người chăn nuôi cả nước nói chung.
Tổ chức tiêu độc khử trùng phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Trần Quang.
Để triển khai có hiệu lực hiệu quả các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/2/2019, Bộ NNPTNT đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương tăng cường chỉ đạo công tác tổ chức thông tin, tuyên truyền về các biện pháp xử lý, mức và thời gian hỗ trợ của nhà nước đối với tổ chức, cá nhân có động vật nghi mắc bệnh, đã mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Tiếp tục thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi; trong đó tập trung tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch theo nguyên tắc vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn.
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những thông tin đăng tải sai sự thật để tránh gây hoang mang trong xã hội.
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), từ ngày 1/2 đến 10/3, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 136 xã, 37 huyện của 13 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình và Nam Định).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.