Đề nghị FAO kết nối, đàm phán với Trung Quốc về xuất khẩu lợn

Hà Linh (ghi) Thứ ba, ngày 02/05/2017 06:05 AM (GMT+7)
Từ tháng 12.2016, Bộ NNPTNT đã cử 2 đoàn công tác sang Trung Quốc làm việc với Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) để thảo luận một số vấn đề nhằm thúc đẩy sản phẩm nông nghiệp giữa hai nước trong đó có sản phẩm lợn sống và thịt lợn đông lạnh xuất khẩu từ Việt. Tuy nhiên, đến nay việc xuất khẩu lợn chính ngạch sang thị trường này vẫn gặp bế tắc.
Bình luận 0

Để tháo gỡ vấn đề này, Cục Thú y đã đề xuất Bộ NNPTNT, tiếp tục đề nghị FAO hỗ trợ kết nối, đàm phán với Cục Thú y Trung Quốc để cung cấp các yêu cầu vệ sinh thú y đối với lợn sống và thịt lợn xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc

Xung quanh vấn đề này, trao đổi tại cuộc tọa đàm trực tuyến “Giải cứu ngành chăn nuôi lợn” do Bộ NNPTNT phối hợp với Báo NTNN/Dân Việt tổ chức ngày 28.4, ông Dương Tiến Thể- Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết:

-Hiện Việt Nam và Trung Quốc chưa có thỏa thuận xuất khẩu lợn chính thức. Tuy nhiên, những năm gần đây Việt Nam vẫn xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch. Theo số liệu sơ bộ của các Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai: Năm 2016, tổng số lợn sống xuất bán qua Trung Quốc khoảng 4,17 triệu con (gồm có: 743.000 con lợn thịt và 3,427 triệu con lợn sữa).So với tổng đàn hơn hiện nay chiếm chưa đến 10% (tổng đàn cả nước có 51 triệu con) và số lợn xuất khẩu sang nước Trung Quốc đa phần là lợn nhỏ, lợn sữa. Có thể thấy rằng, thị trường tiêu thụ chính vẫn là trong nước. Để ký kết hợp đồng xuất khẩu lợn, giữa Việt Nam Trung Quốc xuất phải có lộ trình cụ thể.

img

Ông Dương Tiến Thể- Phó Cục trưởng Cục Thú y. Ảnh: Đảm Duy

Việt Nam hiện xuất khẩu lợn sang Trung Quốc nói riêng và các nước nói chung theo những hình thức nào, thưa ông?

-Có 2 hình thức xuất chính là: chính ngạch vào tiểu ngạch

 Đối với xuất khẩu chính ngạch:

Hiện nay có 8 nhà máy giết mổ lợn sữa và lợn choai xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hồng Kông, Malaysia (gồm có: 6 nhà máy  giết mổ lợn sữa, lợn choai xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông; 2 nhà máy xuất khẩu lợn sữa sang Malaysia). Sản lượng thịt lợn xuất khẩu chính ngạch sang các nước khoảng 11.000 tấn/năm.

 Đối với xuất khẩu tiểu ngạch:

Mặt hàng lợn sống của Việt Nam từ trước đến nay không nằm trong danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu vào Trung Quốc. Việc buôn bán, vận chuyển, xuất bán lợn sống từ Việt Nam sang Trung Quốc là buôn bán tiểu ngạch, thực hiện qua hai bên cánh gà của các điểm thông quan thuộc khu vực các cửa khẩu, đường mòn, lối mở dọc biên giới giữa các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai,… của Việt Nam với Trung Quốc. Và như tôi đã nói, tổng số đầu lợn xuất sang Trung Quốc năm 2016 là 4,17 triệu con.

img

Một trại lợn ở Văn Giang, Hưng Yên còn tồn rất nhiều lợn chưa bán được.

Xin hỏi về những vướng mắc như giấy tờ, thủ tục của cơ quan nhà nước, hướng giải quyết của Bộ NNPTNT như thế nào, nhu cầu thịt lợn của Trung Quốc hiện nay như thế nào?

- Theo chúng tôi, vướng mắc nhất trong vấn đề xuất khẩu hiện nay không phải sản phẩm mà là khâu thủ tục giấy tờ, từ cục thú ý cho đến giấy tờ hải quan để xuất khẩu.

Quay lại bài toán con lợn, khi con lợn đến tay người Trung Quốc có giá 1,75 USD/kg (tương đương gần 40.000 đồng), như vậy về giá chúng ta có cạnh tranh được không?. Vì sao giá của người ta lại thấp như thế?

Đối với người Trung Quốc, quan trọng nhất là cơ chế thị trường, hôm nay có thể giá 10 tệ, ngày hôm sau có thể 6 tệ, đến hôm khan hàng thì giá lại tăng cao.

Trong khi thị trường nội địa đang dư thừa lợn hơi thì quý 1.2017, nước ta vẫn nhập khẩu hơn 7.000 tấn thịt lợn, góp phần làm căng thẳng thêm sự khó khăn của ngành chăn nuôi. Tại sao chúng ta vẫn cho nhập trong hoàn cảnh như vậy?. Thịt lợn này nhập về để làm gì, thưa ông? 

- Đây là số lượng thịt nhập khẩu theo thỏa thuận mà chúng ta đã ký trước đó, tuy có nhập khẩu nhưng không nhiều. Thịt lợn nhập khẩu đưa về Việt Nam được phân khúc ở thị trường cấp cao, ở các chợ dân sinh không bày bán các loại thịt lợn nhập khẩu này, mà chủ yếu tiêu thụ ở các hệ thống siêu thị, nhà hàng cấp cao. Ngành chăn nuôi lợn là một trong những thế mạnh của nông dân Việt Nam, trong quá trình giao thương, hội nhập giữa các nước, nước ta đã thỏa thuận với các nước khác nhập mặt hàng thịt lợn và với số lượng rất hạn chế.

Hiện nay, một trong những nguyên nhân gây dư thừa lợn hơi là do chất lượng thịt lợn không ngon, miếng thịt lợn ăn nhiều khi nhạt nhẽo, thậm chí có mùi hôi tanh. Nhiều gia đình mua miếng thịt lợn về sợ thịt lợn tồn dư kháng sinh, chất cấm nên phải xử lý sục ozon. Vậy xin đại diện Cục Thú y cho biết tình trạng sử dụng kháng sinh, kích thích tăng trọng trên đàn lợn hiện nay như thế nào? 

- Hiện, đàn lợn (kể cả trong chăn nuôi truyền thống và công nghiệp) sử dụng rất ít kháng sinh do chất lượng con giống tốt và người chăn nuôi tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ. Nếu nói chất lượng thịt không tốt, không ngon do sử dụng kháng sinh tôi cho rằng tại thời điểm là không đúng. 

Những năm gần đây, Bộ NNPTNT đã kiểm soát khá chặt chẽ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, việc thanh tra, kiểm tra được thực hiện quyết liệt và thường xuyên. Theo tôi, về việc bạn phản ánh có 2 nguyên nhân chính: Do người chăn nuôi tăng đàn nhanh quá, sử dụng 100% thức ăn công nghiệp nên chất lượng thịt lợn không ngon so với cách nuôi dân dã, truyền thống. Trước đây bà con hầu hết sử dụng giống lợn ta, áp dụng cách nuôi dân dã tuy năng sấp thấp, tỷ lệ mỡ nhiều, nhưng chất lượng thịt thơm ngon hơn hẳn so với cách nuôi công nghiệp.

img

Một chủ trại lợn ở Tân Yên, Bắc Giang rao bán đàn lợn siêu nạc mãi chưa có người mua.

4 giải pháp để đưa lợn đi Trung Quốc:

Trước tình hình khó khăn trong việc đưa lợn đi Trung Quốc, Cục Thú y (Bộ NNPTNT) đã dưa ra 4 giải pháp:

- Tiếp tục đề nghị Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) hỗ trợ kết nối, đàm phán với Cục Thú y Trung Quốc để cung cấp các yêu cầu vệ sinh thú y đối với lợn sống và thịt lợn xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

- Căn cứ vào yêu cầu vệ sinh thú y của phía Trung Quốc đối với thịt lợn, lợn sống xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, lựa chọn các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu, có nhu cầu xuất khẩu (CP, DABACO, JAPFA COMFEED,...) để chuẩn bị hồ sơ đăng ký xuất khẩu.

- Rà soát lại đề án xây dựng thí điểm vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với lợn để xuất khẩu tại Nam Định và Thái Bình; xem xét mở rộng hoặc thiết lập các vùng an toàn dịch bệnh tại địa phương khác có khả năng đáp ứng được các yêu cầu của phía Trung Quốc, (ví dụ Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An).

- Xây dựng chương trình giám sát dịch bệnh động vật đối với lợn (trước mắt là lở mồm long móng, dịch tả lợn) phục vụ xuất khẩu.

Đồng thời, Cục Thú y cũng đề nghị Bộ NNPTNT họp với các tỉnh và các đơn vị, doanh nghiệp liên quan, gồm: các tỉnh, thành phố trọng điểm về chăn nuôi lợn (Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An, TP. HCM,.....); Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam; Các doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ lợn (dự kiến: Công ty Dabaco, Công ty Cổ phần CP Việt Nam, Công ty Japfa Comfeed, Công ty Sozit...) để bàn biện pháp đưa lợn xuất khẩu đi Trung Quốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem