Đề nghị kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn 3 Chương trình MTQG, lưu ý tránh lãng phí
Đề nghị kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn 3 Chương trình MTQG, lưu ý dạy nghề cho người nghèo
Nguyễn Tố
Thứ hai, ngày 30/10/2023 11:15 AM (GMT+7)
Thống nhất và đánh giá cao Báo cáo kết quả giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia tuy nhiên nhiều đại biểu Quốc hội vẫn bày tỏ băn khoăn, trăn trở về kết quả cũng như các giải pháp để thực hiện tốt hơn nữa các Chương trình MTQG, trong đó có giảm nghèo bền vững...
Đánh giá cao Báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội, tuy nhiên, đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, việc Quốc hội phê duyệt chủ trưởng 3 chương trình MTQG là phù hợp với thực tế và đã có những ảnh hưởng tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới.
Tuy nhiên, để tổ chức thực hiện hiệu quả, tạo sự đồng bộ, thuận lợi, tránh sự chồng chéo trong quá trình tổ chức thực hiện, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành trung ương nên quy định thống nhất một cơ chế quản lý, sử dụng chung, lồng ghép nguồn vốn chính sách Nhà nước để thực hiện cho 3 CTMTQG. Vì mỗi chương trình ban hành một cơ chế quy định riêng, dễ gây nhiều khó khăn cho các địa phương trong quá trình áp dụng thực hiện, đồng thời dễ gây bất đồng, chồng chéo trong quá trình tổ chức thực hiện.
Về nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương, đại biểu Phạm Thị Kiều để nghị cho phép kéo dài thời hạn giải ngân vốn của giai đoạn 2021-2025 kể cả nguồn vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 đến hết giai đoạn 2025.
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị Quốc hội, Chính phủ quy định cho phép UBND tỉnh thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh điều chỉnh và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp để đảm bảo tính kịp thời.
Cho rằng thực tế hiện nay việc triển khai thực hiện cả 3 chương trình MTQG bước sang năm thứ ba nhưng còn nhiều dự án, tiểu dự án thuộc các Chương trình, nhất là Chương trình phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn chưa thể thực hiện được do vướng mắc trong quá trình ban hành các văn bản hướng dẫn, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị các Bộ, ngành có liên quan sớm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành cơ chế hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện theo đúng quy định.
Cùng với đó, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị nghiên cứu thành lập một mô hình Văn phòng điều phối chung trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thực hiện có hiệu quả 3 Chương trình, trong đó cần xác định vị trí pháp lý rõ ràng biên chế của Văn phòng được sử dụngm trưng dụng tại các cơ quan, đơn vị mà hiện đang tham mưu thực hiện 3 Chương trình và không làm phát sinh biên chế các tỉnh, đồng thời bố trí nguồn kinh phí để văn phòng hoạt động hiệu quả.
Cùng chung ý kiến về việc tăng cường công tác quản lý, đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái thì cho rằng cần khẩn trương rà soát, sửa đổi các chính sách, văn bản hướng dẫn dễ hiểu, dễ thực hiện.
Theo đó, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đánh giá, việc ban hành văn bản chỉ đạo hướng dẫn theo báo cáo của Đoàn giám sát cho thấy, các văn bản chỉ đạo hướng dẫn tổ chức quản lý thực hiện các chương trình đến nay cơ bản đã được ban hành đầy đủ. Tuy nhiên, qua giám sát khảo sát cho thấy nhiều văn bản hướng dẫn còn chung chung, chưa rõ ràng khó hiểu khó thực hiện không phù hợp thực tế. Việc dẫn chiếu quá nhiều trong một văn bản dẫn đến khó khăn, lúng túng cho cán bộ và người dân đặc biệt là cán bộ cấp xã ở các địa phương miền núi vùng cao địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung các chính sách các văn bản chỉ đạo hướng dẫn theo hướng chi tiết rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ áp dụng trong thực tiễn. Giải thích từ ngữ đầy đủ, hạn chế tối đa việc dẫn chiếu quá nhiều các văn bản trong cùng một nội dung.
Đối với cấp xã nên ban hành dưới dạng Sổ tay hướng dẫn thực hiện; đồng thời bổ sung quy định cụ thể rõ ràng việc phối hợp lồng ghép giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia và giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình dự án khác để thuận lợi cho quá trình giải ngân các nguồn vốn, hạn chế việc chồng chéo trùng lắp vào địa bàn đối tượng nguồn vốn gây thất thoát lãng phí làm giảm hiệu quả của các chương trình.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận cũng đề nghị chính phủ xem xét giao chung vốn sự nghiệp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn đã được ban hành, không thực hiện giao theo lĩnh vực, theo dự án, tiểu dự án thành phần như hiện nay, để tạo sự chủ động linh hoạt cho các địa phương xem xét kinh phí thực hiện cho cấp huyện. Có cơ chế đặc thù ưu đãi trong tổ chức thực hiện các chương trình cho các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn theo hướng được tỷ lệ hỗ trợ cao hơn để các địa phương này có thêm nguồn lực trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và các chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, đại biểu đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2023 của ba chương trình chưa được giải ngân hết chuyển sang tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31/12/2024. Về phương thức quản lý thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu đề nghị nghiên cứu áp dụng cơ chế quản lý theo kết quả đầu ra để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn theo dõi đánh giá được tiến độ thực hiện so với các mục tiêu đã đề ra, kịp thời phát hiện được các khiếm khuyết và có các biện pháp cải tiến điều chỉnh kịp thời trong thực thi các cơ chế chính sách của các chương trình…
Người dân chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin
Cơ bản đồng tính với báo cáo giám sát, đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết, việc giải ngân cho công tác tuyên truyền, tập huấn đạt tỷ lệ khá cao so với nhiều nội dung khác.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc người dân, nhất là người nghèo ở đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ đối với quyền lợi, nghĩa vụ của mình không đạt như mong muốn. Truyền thông nhiều nơi không hiệu quả, còn mang tính hình thức hoặc chưa sát đối tượng, chưa phù hợp với điều kiện đặc thù vùng miền. Nhiều người nghèo, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ nên khi triển khai bị chậm tiến độ.
Do đó, đại biểu đề nghị thời gian tới cần phải tập trung chỉ đạo nhiều hơn nữa công tác tuyên truyền đến tận người dân, nhất là người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi vì khi người dân nắm được hiểu được và đồng tình với chủ trương chính sách thì tâm lý trông chờ, ỷ lại sẽ ít đi hiệu quả, mang lại thực sự bền vững, lâu dài.
Cho ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đại biểu Trần Quang Minh đề nghị cần phải xem xét lại các tiêu chí đã ban hành và điều chỉnh sớm nhiều tiêu chí không phù hợp nhưng nước sạch, hỏa táng, nhà văn hóa đối với từng địa phương, đơn vị. Đồng thời, cần phải xem lại việc phân bổ kinh phí hàng năm luôn chậm những không được khắc phục triệt để ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng triển khai ở địa phương, cơ sở nhất là nguồn vốn từ ngân sách Trung ương.
Đại biểu Trần Quang Minh cho biết, từ nay đến cuối năm 2025 còn hơn 2 năm thực hiện nhưng nhiều tiêu chí quan trọng còn cách xa với chỉ tiêu đặt ra như tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, tiêu chí về thu nhập, y tế, môi trường, an toàn thực phẩm. Đại biểu nhấn mạnh các tiêu chí quan trọng như sản xuất, thu nhập và giảm nghèo cần được ưu tiên đầu tư chú trọng.
Đối với chương trình giảm nghèo bền vững, đại biểu Trần Quang Minh đề nghị xem lại các nội dung như đào tạo nghề cho người nghèo, tránh lãng phí và kém hiệu quả. Cần đưa tiêu chí để đánh giá và xét danh sách cộng đồng nghèo để có cơ sở triển khai hỗ trợ cộng đồng đối với những nội dung cần thiết. Cần đánh giá đúng thực trạng về việc giảm nghèo hiện nay đã thực chất hay chưa.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Trần Quang Minh cho biết nội dung hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào còn rất nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất. Vì vậy, cần xem xét điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch vùng, rà soát bom mìn để giành thêm quỹ đất sản xuất cho đồng bào. Đề nghị bổ sung, đánh giá kết quả hỗ trợ nhà ở vào Báo cáo giám sát, cần phải nâng mức hỗ trợ hợp lý và khả thi, cần bổ sung nội dung tập huấn cho đồng bào cách chi tiêu, tái tạo sức lao động tiết kiệm, tích lũy tránh sa vào tệ nạn xã hội.
Ngoài ra, đại biểu Trần Quang Minh cũng bày tỏ cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị quyết về các Chương trình mục tiêu quốc gia thời gian từ của Quốc hội. Tuy nhiên, việc đánh giá kết quả thực hiện cũng cần được xem lại một cách thực chất hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.