Đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế thí điểm xử lý nợ xấu
Đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế thí điểm xử lý nợ xấu
Hoàng Thành
Thứ năm, ngày 14/04/2022 12:00 PM (GMT+7)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần bổ sung phạm vi áp dụng Nghị quyết 42 là các khoản nợ được hình thành sau ngày 15/8/2017 và được xác định là nợ xấu.
Tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sáng 14/4), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã báo cáo về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) và thẩm tra dự thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết gia hạn).
Ông Thanh nêu rõ, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết số 42.
Kết quả thí điểm đã chứng minh hiệu quả tích cực, giúp khơi thông dòng vốn, đưa dòng vốn luân chuyển vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.
Các chính sách xử lý nợ xấu cần được tiếp tục duy trì, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và những bất ổn chính trị trên thế giới sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có khả năng tiếp tục tăng trong thời gian tới, nguy cơ làm mất đi những thành quả thời gian qua.
Bên cạnh đó, trường hợp Nghị quyết số 42 hết hiệu lực mà chưa kịp ban hành khuôn khổ pháp lý mới về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm có thể dẫn tới khó khăn trong xử lý nợ xấu.
Do vậy, việc kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả của các chính sách hiện hành, nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Về nội dung dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ có 2 loại ý kiến:
Loại ý kiến thứ nhất, thống nhất với đề xuất của Chính phủ, theo đó kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 trong thời hạn 2 năm để tiếp tục phát huy hiệu quả của các chính sách mà Nghị quyết mang lại, nhằm duy trì chính sách ổn định, tránh gián đoạn, thiếu hụt cơ chế, khuyến khích và hỗ trợ tổ chức tín dụng, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.
Loại ý kiến thứ hai, thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết 42 trong thời hạn 2 năm. Tuy nhiên cần xem xét sửa đổi một số nội dung cần thiết, có ý nghĩa thúc đẩy hơn nữa quá trình xử lý nợ xấu trong thời gian kéo dài thí điểm.
Trong đó, đa số ý kiến đề nghị sửa đổi phạm vi của khoản nợ xấu tại khoản 1 Điều 4 của Nghị quyết số 42 theo hướng không giới hạn thời điểm (15/8/2017) mà áp dụng cơ chế xử lý nợ xấu tại Nghị quyết cho tất cả các khoản nợ xấu phát sinh trong thời gian áp dụng Nghị quyết.
Việc mở rộng phạm vi áp dụng của khoản nợ xấu nhằm tạo điều kiện thúc đẩy xử lý nợ xấu, khơi thông nguồn vốn hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế.
Cũng theo ông Thanh, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành loại ý kiến thứ hai, theo đó thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết trong 2 năm.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính cấp thiết, khả thi, đề nghị chỉ cân nhắc xem xét sửa đổi, bổ sung đối với 2 nội dung gồm: Bổ sung phạm vi áp dụng là các khoản nợ được hình thành sau ngày 15/8/2017 và được xác định là nợ xấu trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực; bổ sung đối tượng áp dụng các cơ chế xử lý nợ xấu tại Nghị quyết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.