Đề nghị Quốc hội giữ cụm từ “giống cụ, kỵ, ông bà, bố mẹ” vật nuôi

Ngọc Lương Thứ hai, ngày 19/11/2018 15:59 PM (GMT+7)
Chiều nay (19.11), có 93, 61% số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành thông qua Luật Chăn nuôi. Luật này gồm 8 chương, 83 điều, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2020.
Bình luận 0

img

Ông Phan Xuân Dũng (ảnh quochoi.vn).

Trước khi các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Chăn nuôi.

Theo ông Phan Xuân Dũng, có ý kiến ĐBQH đề nghị sử dụng cụm từ khác thay cho cụm từ về “cấp giống cụ kỵ, ông bà, bố mẹ”.

Về vấn đề này, Ủy ban TVQH xin giải trình như sau: Đây là thuật ngữ chuyên ngành đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới để quản lý phẩm cấp giống và sử dụng ưu thế lai trong chăn nuôi; cũng đã được sử dụng trong quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh giống vật nuôi năm 2004 và thực hiện ổn định trong nhiều năm qua. Ngoài ra, các thuật ngữ này cũng đã được sử dụng trong các giáo trình giảng dạy tại các trường đại học, viện nghiên cứu. “Do đó, xin phép Quốc hội được giữ quy định này như trong dự thảo Luật”, ông Phan Xuân Dũng nói.

Có ý kiến ĐBQH đề nghị nghiên cứu quy định điều kiện chăn nuôi nông hộ cho chặt chẽ hơn vì đây là hình thức chăn nuôi chủ yếu ở nước ta hiện nay, có tác động lớn đến môi trường, an toàn thực phẩm và sức khỏe con người.

Ủy ban TVQH nhận thấy, trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế, thời gian qua số lượng hộ chăn nuôi đã giảm mạnh và có xu hướng giảm nữa. Hơn nữa, chăn nuôi nông hộ chủ yếu ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, do đó, để bảo đảm sinh kế của người dân, dự thảo Luật quy định chăn nuôi nông hộ tại Điều 56 và yêu cầu về xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ tại Điều 60 là phù hợp.

Có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ tập trung; hỗ trợ cho đồng bào dân tộc ít người, vùng miền núi khó khăn. Ủy ban TVQH đã tiếp thu ý kiến nêu trên và bổ sung vào quy định của Luật.

Có ý kiến ĐBQH đề nghị làm rõ trách nhiệm xử lý chất thải chăn nuôi thuộc về tổ chức, cá nhân sở hữu trang trại chăn nuôi hay tổ chức, cá nhân sở hữu vật nuôi.

“Nghiên cứu, tiếp thu ý kiến nêu trên, Dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân sở hữu trang trại chăn nuôi có trách nhiệm trong việc xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ, nước thải, khí thải và tiếng ồn phát ra từ hoạt động chăn nuôi”, ông Phan Xuân Dũng cho biết.

Có ý kiến ĐBQH đề nghị xem xét, bổ sung một điều về quản lý chăn nuôi hươu sao vì đây là đối tượng vật nuôi đang được quản lý bởi các văn bản dưới luật, giống như chim yến và ong mật, đã được thuần dưỡng, gây nuôi lâu đời với số lượng lớn và đem lại giá trị kinh tế cao ở một số địa phương.

“Về vấn đề này, Ủy ban TVQH thấy rằng hươu sao được quản lý tại Danh mục động vật rừng thông thường theo quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004. Tuy nhiên, hươu sao đang được xem xét đưa ra khỏi Danh mục này khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực vào ngày 01.01.2019. Do đó, tiếp thu ý kiến xác đáng của ĐBQH, Dự thảo Luật bổ sung Điều 67 về quản lý chăn nuôi hươu sao”, ông Phan Xuân Dũng cho hay.

Ngoài ra, Ủy ban TVQH còn giải trình nhiều vấn đề khác trong dự thảo Luật.

Cũng trong chiều nay với đa số phiếu tán thành Quốc hội đã thông qua Luật trồng trọt. Luật này gồm 7 chương, 85 điều, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2020.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem