Tại cuộc gặp, ông Đặng Công Ngữ đề nghị nên sớm khẳng định địa vị pháp lý của UBND huyện Hoàng Sa. UBND huyện Hoàng Sa phải được bổ nhiệm theo một cơ chế đặc biệt hoặc hải đảo. "Nhà nước cần thành lập ngay huyện Hoàng Sa có dân, có đất để thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của một địa phương", ông Ngữ nói.
Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa phát biểu tại cuộc gặp các nhân chứng Hoàng Sa. (Ảnh: Đình Thiên)
Cũng theo ông Ngữ, ngoài việc sưu tầm tài liệu, chứng cứ thì đã đến lúc lập một quỹ về Hoàng Sa để hỗ trợ các nhà nghiên cứu thầm lặng đi tìm các tài liệu chứng minh chủ quyền.
“Nhiều tài liệu mua cả mấy ngàn đô mà chúng ta không có điều kiện về kinh tế, không thể tự mình bỏ tiền ra mua hết được. Bên cạnh đó chúng ta phải ghi nhận và chọn 1 ngày chính thống, chính danh để tưởng niệm, từ đó thế hệ tiếp nối sẽ luôn luôn nhớ, sẽ đấu tranh...”, ông Ngữ tâm huyết nói.
Tại cuộc gặp, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa cũng đề nghị UBND TP.Đà Nẵng nên thành lập Hiệp hội nghề cá Hoàng Sa.
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng mong muốn Hoàng Sa phải có dân. (Ảnh: Đình Thiên)
"Ngư dân đánh bắt ở Hoàng Sa rất mong muốn thành lập Hội nghề cá. Hơn nữa những hoạt động ở Hoàng Sa phải đi vào thực chất. Chúng ta có nhiều tư liệu chứng minh chủ quyền với Hoàng Sa rồi, nhưng rất cần các phương pháp đấu tranh", ông Ngữ nói.
Đồng ý với ông Đặng Công Ngữ, ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng - cho rằng: "Trong cả nước hiện nay chỉ có Đà Nẵng đưa vào lịch sử địa phương hải chiến Hoàng Sa. Tôi cũng nhiều lần phát biểu trên nhiều diễn đàn làm sao Bộ GDĐT phải nhanh chóng đưa Hoàng Sa vào sách giáo khoa lịch sử chung cho cả nước chứ không phải chỉ có Đà Nẵng".
Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn công bố một số tư liệu về ngày 19.1.1974. (Ảnh: Đình Thiên)
Ông Tiếng cũng đề nghị Hoàng Sa phải làm sao có dân, phải tổ chức chính quyền Hoàng Sa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.