Tăng tuổi nghỉ hưu của nam giới lên 62, nữ lên 60 vì sợ vỡ quỹ bảo hiểm. Mới nghe thì điều này rất có lý, nhưng nghĩ lại quá vô lý.
Người lao động thực sự đổ mồ hôi sôi nước mắt với công việc, không ai muốn tăng thêm tuổi được hưu, họ muốn nghỉ ngơi vì sức lao động đã cạn kiệt. Tuổi cao, dễ dẫn đến tai nạn lao động, ít nhất là làm việc không hiệu quả, đạt chất lượng như khi còn trẻ.
Chỉ có những người có quyền thế, hưởng bổng lộc (hay nói cách khác là các quan chức) mới thích ngồi lâu, ngồi mãi ở vị trí, công việc của mình.
Tăng độ tuổi nghỉ hưu, chỉ tăng thêm cơ hội cho những người ngồi mát ăn bát vàng, những người có chức quyền, giữ cái ghế thêm một ngày là thu thêm “lộc” thêm tiền. Những người này, ngay cả khi chưa có dự thảo quy định tăng tuổi hưu, họ cũng tìm nhiều cách để tại chức thêm vài năm. Họ có đủ mưu chước để ăn gian tuổi tác, khai man lý lịch, làm lại hồ sơ giấy tờ... Sắp tới, không phải 62 mà nếu có tăng thêm nhiều tuổi nữa, như đàn ông lên tới 70, họ cũng sẽ tìm cách ăn gian thêm. Lòng tham của con người là vô tận.
Cho nên, đừng nghĩ đến chuyện tăng tuổi hưu vì cái quỹ bảo hiểm vỡ hay không, mà hãy tính đến chuyện sẽ vô tình tạo thêm cơ hội cho những kẻ tham lam ngồi vơ vét.
Chính Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra con số 30% công chức dạng “sáng vác ô đi, tối vác về”. Nhiều ý kiến khác cho rằng, thực tế phải là 50% “vác ô”. Tạm thời không nói đến 50%, mà chấp nhận con số 30%.
Vậy thì, lê dân bá tánh phải còng lưng nai sức làm để nuôi báo cô 30% công chức “vác ô” này hay sao. Nông dân một nắng hai sương và những người lao động khác nộp thuế để trả lương cho những người ăn trắng mặc trơn, ngồi phòng máy lạnh chơi game, tán dóc... Lo thải loại đối tượng này càng sớm càng tốt là việc bức thiết, tăng tuổi hưu chỉ thấy nhiều phần có hại cho dân cho nước.
Một tính toán sai lầm của những người đưa ra “sáng kiến” này là việc tăng tuổi hưu để tăng thu và giảm chi bảo hiểm xã hội sẽ không thể bù đắp được cho việc trả lương cao cho đối tượng “lão làng” này. Những người sắp về hưu bao giờ cũng có lương cao gấp nhiều lần so với người mới vào làm việc.
Việt Nam thuộc quốc gia có “dân số vàng”, tức là tuổi lao động trẻ chiếm tỷ lệ cao. Hãy để cho người già nghỉ ngơi sớm, khai thác sức trẻ hiệu quả, đó mới là chiến lược sử dụng lao động thông minh.
Chân Tâm (Chân Tâm)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.